25/02/2025

Cố tình phớt lờ, chậm trễ nộp phạt vi phạm giao thông hay thậm chí là bỏ xe không đóng phạt…sẽ dẫn đến rất nhiều rủi ro cho các tài xế. Sau đây là 4 bất lợi lớn bạn sẽ gặp phải nếu chậm đóng phạt nguội.

1. Bị từ chối giải quyết thủ tục đăng ký xe

Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Thông tư 79/2024/TT-BCA: ‘Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì chưa được giải quyết việc đăng ký phương tiện vi phạm.’

Như vậy, nếu người vi phạm chưa nộp phạt, mọi thủ tục liên quan đến đăng ký xe vi phạm sẽ bị tạm dừng. Cụ thể, các thủ tục như sang tên, đổi biển số, cấp lại giấy đăng ký xe sẽ không được cơ quan chức năng giải quyết.

2. Bị cưỡng chế nộp phạt

Căn cứ theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi Luật xử lý vi phạm hành chính 2020), cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong các trường hợp sau:

- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định.

- Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:

- Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;

- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

- Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định.

3. Bị tính thêm tiền chậm nộp phạt

Bên cạnh việc bị cưỡng chế, người vi phạm còn bị tính thêm tiền chậm nộp phạt. Số tiền được tính với công thức như sau:

Số tiền nộp phạt = Số tiền phạt chưa nộp + (Số tiền phạt chưa nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp)

Ví dụ: Số tiền phạt chưa nộp là 1.000.000 đồng và đã chậm nộp 30 ngày. Thì số tiền nộp phạt sẽ là 1.000.000 + (1.000.000 x 0.05% x 30) = 1.015.000 (đồng).

Số tiền này đồng thời thu cùng số tiền nộp phạt giao thông theo quyết định xử phạt.

4. Ô tô bị cảnh báo đăng kiểm

Tại khoản 11 Điều 47 Nghị định 168/2024/NĐ-CP có nêu rõ: ‘Trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc trong thông báo của người có thẩm quyền xử phạt hoặc quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà chủ phương tiện vi phạm, người vi phạm chưa thực hiện giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định hoặc chưa chấp hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm (đối với phương tiện có quy định phải kiểm định), cơ quan đăng ký xe, cơ quan cấp giấy phép lái xe (nếu đã xác định được người vi phạm).’

Theo đó, nếu người vi phạm chưa thực hiện nộp phạt thì chưa được giải quyết việc đăng kiểm, đăng ký xe, cấp giấy phép lái xe.

Xem thêm: Thay đổi quy định về mở cửa xe ô tô, làm sai có thể trừ đến 10 điểm GPLX

Xem thêm: Rầm rộ mở dịch vụ hoàn thuế thu nhập cá nhân, luật sư cảnh báo gì?

Xem thêm: Quy định pháp luật về 'xù nợ' thẻ tín dụng: 'Lãi mẹ đẻ lãi con' có thể gây ra rất nhiều phiền hà sau đây

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên