13/02/2025

Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn băn khoăn về quy định, mức phạt liên quan đến lỗi xe không chính chủ khi tham gia giao thông bằng phương tiện mượn của vợ chồng, người thân hay bạn bè. Vậy thực tế, quy định này được áp dụng thế nào?

    1. Mượn xe của vợ chồng, bạn bè,... chạy trên đường có bị phạt ‘lỗi xe không chính chủ’ không?

Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật không có khái niệm về ‘xe không chính chủ’. Tuy nhiên, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, lỗi 'xe không chính chủ' chỉ áp dụng trong trường hợp cơ quan chức năng phát hiện phương tiện không được làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trong trường hợp thay đổi chủ xe theo quy định.

Cụ thể, theo điểm a khoản 3 và điểm h khoản 7 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, hành vi ‘không làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trong trường hợp thay đổi chủ xe theo quy định’ sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). 

Đồng thời, tại điểm e khoản 6 Điều 47 Nghị định 168/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ: ‘Đối với phương tiện chưa làm thủ tục cấp mới chứng nhận đăng ký xe và biển số xe hoặc chưa làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe trong trường hợp thay đổi chủ xe theo quy định thì cá nhân, tổ chức đã mua, được chuyển nhượng, được trao đổi, được tặng cho, được thừa kế là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện’. 

Bên cạnh đó, khoản 10 Điều 47 Nghị định 168/2024/NĐ-CP cũng quy định việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm trên được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe; qua công tác xử lý vụ việc vi phạm hành chính tại trụ sở đơn vị.

Căn cứ các quy định trên, trường hợp mượn xe của vợ/chồng, người thân, bạn bè để chạy trên đường thì sẽ không bị xử phạt lỗi xe không chính chủ. Tuy nhiên, người lái xe cần phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp và mang đầy đủ các giấy tờ khác theo quy định khi tham gia giao thông.. 

    2. Đi xe không chính chủ cần mang theo giấy tờ gì để không bị phạt theo quy định mới nhất?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 56 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định các loại giấy tờ người lái xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì cần phải mang theo. Trường hợp khi đi xe của người khác thì người lái xe cần mang các giấy tờ sau:

- Giấy chứng nhận đăng ký xe của xe được mượn. 

- Giấy phép lái xe (GPLX) của người lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển. Trường hợp GPLX đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử VNeID thì việc xuất trình, kiểm tra có thể thực hiện thông qua tài khoản định danh điện tử. Cách xuất trình bạn đọc xem tại đây.

- Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật (của xe được mượn). 

- Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (của xe được mượn).

Xem thêm: Chế độ thai sản mới 2025: Tăng ngày nghỉ, thêm trợ cấp và hàng loạt quyền lợi mẹ bầu nên biết

Xem thêm: Cố ý giấu bằng lái xe khi vi phạm giao thông có thể bị phạt thêm đến 30 triệu?

Xem thêm: Nghị định 168: Dừng xe nghe điện thoại, kiểm tra tin nhắn có bị phạt?

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên