18/08/2014 05:00 GMT+7

​“Kêu trời” với đồng hồ nước

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Một hộ dân tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM tá hỏa khi được nhân viên cấp nước thông báo số lượng nước tiêu thụ trong tháng lên đến 4.369m³, tăng gần 80 lần so với những tháng trước đó.

Gia đình bà Tua chỉ dùng nước cho sinh hoạt thường ngày nhưng chỉ số đồng hồ đạt con số kỷ lục: 4.369m3 trong một tháng - Ảnh: Quang Khải
Gia đình bà Tua chỉ dùng nước cho sinh hoạt thường ngày nhưng chỉ số đồng hồ đạt con số kỷ lục: 4.369m3 trong một tháng - Ảnh: Quang Khải

Người dân khẳng định đồng hồ có vấn đề, nhưng đơn vị cấp nước thì cho rằng đồng hồ chạy tốt.

Đơn vị tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho rằng đồng hồ trên chạy nhanh hơn ba lần so với công suất thiết kế. Vụ việc nhùng nhằng hơn ba tháng qua vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết.

Mỗi ngày xài gần 150m3

Trung bình mỗi tháng gia đình bà Thái Thị Bảo Tua (địa chỉ 97 đường số 19, khu dân cư Bình Hưng, xã Bình Hưng) xài 50-55m³, nhưng tháng 4-2014 bà Tua phát hoảng khi nhân viên ghi chỉ số đồng hồ nước thông báo gia đình bà xài tới 4.369m³.

Với giá nước 8.000-9.000 đồng/m³, số tiền mà bà Tua phải trả cho lượng nước “khủng” như trên đến hơn 39 triệu đồng!

Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) - đơn vị cung cấp nước - liên tục có văn bản nhắc nhở yêu cầu gia đình bà Tua thanh toán tiền nước một lần sẽ được giảm 10% trên hóa đơn tiền nước. Còn nếu trả chậm trong thời gian 24 tháng thì tiền nước không được giảm.

Bà Tua cho biết sau khi nhận được thông báo trên, cả gia đình bà đều “mất ăn mất ngủ” không chỉ vì số tiền nước quá lớn mà bà không sao hiểu được vì sao có số lượng nước cao khủng khiếp đến như vậy chảy qua đồng hồ.

“Xài nước sinh hoạt hằng ngày tối đa chừng 2m³, còn nói đường ống xì bể cũng không phải, bởi với lượng nước như vậy sẽ gây ngập nhà” - bà Tua quả quyết. Tính trung bình mỗi ngày gia đình bà Tua phải xài hết 145,6m³. Nghi ngờ đồng hồ nước chạy sai, bà Tua khiếu nại, BCCI đưa đồng hồ đi kiểm định rồi thông báo kết quả đồng hồ không có gì bất thường.

Đồng hồ chạy nhanh hơn thiết kế

Bà Tua cho biết hiện giờ gia đình bà rối bời vì nếu căn cứ vào kết quả kiểm định thì BCCI buộc gia đình bà phải đóng đủ tiền nước như đã thông báo. “Nhưng điều đó quá phi lý, cho dù nhà tôi có xài nước 24/24 giờ cũng không thể được số lượng lớn như vậy” - bà Tua bức xúc.

Ông Ngô Văn Thông - cán bộ phụ trách cấp nước của BCCI - cho biết hiện công suất của trạm cấp nước cho khu dân cư Bình Hưng khoảng 750m³/ngày và cung cấp khoảng 1.500 hộ dân. Như vậy, lượng nước mà gia đình bà Tua sử dụng (qua số đo đồng hồ) chiếm gần 20% công suất của trạm cấp nước. Ông Thông cũng cho rằng có khả năng đường ống cấp nước nhà bà Tua bị bể.

Tuy nhiên theo ông Đỗ Việt Hùng, trưởng phòng đo lường dung tích thuộc Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3 (Trung tâm 3), đồng hồ loại 15mm cung cấp nước cho khách hàng thì lượng nước qua đồng hồ 1,5 m³/giờ, mỗi ngày đêm là 36m³. Như vậy, mỗi tháng lượng nước qua đồng hồ tối đa là 1.080m³. Trường hợp áp lưu lượng nước cực mạnh thì lượng nước tối đa qua đồng hồ cũng chỉ đạt được gấp đôi, nghĩa là mỗi tháng chỉ có thể đạt được 2.160m³.

Một chuyên gia lĩnh vực cấp nước cho rằng không loại trừ khả năng đồng hồ “nhảy cóc”, nghĩa là khi nước chảy qua 1m³ nhưng đồng hồ nhảy đến 100 hoặc 1.000m³. Điều này từng xảy ra đối với hệ thống cấp nước của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco).

Một khách hàng ở địa chỉ 35 Vân Côi, P.7, Q.Tân Bình cũng tá hỏa khi chỉ số đồng hồ nước báo hơn 7.000m³ trong một tháng. Sự việc trên Công ty cổ phần cấp nước Tân Hòa (lúc đó là Công ty cấp nước Tân Hòa) giải quyết linh động, tính tiền nước của tháng đó bằng trung bình của ba tháng liền kề trước đó.

Giải quyết thế nào cho hợp tình hợp lý? Bà Tua đề nghị để biết được lượng nước qua đồng hồ có đạt được con số khủng như BCCI ghi nhận hay không, chỉ cần xả nước sau đồng hồ trong vòng một giờ, rồi nhân với 24 giờ trong ngày và nhân với 30 ngày trong tháng sẽ biết được số lượng nước tối đa qua đồng hồ trong vòng một tháng có thể đạt được con số 4.369m³ hay không. Ông Thông đồng ý với đề xuất của bà Tua nhưng với điều kiện bà phải làm đơn đề nghị.

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Đoàn luật sư TP, nếu kết quả kiểm tra thực tế cho thấy số lượng nước qua đồng hồ nhỏ hơn nhiều so với con số mà BCCI ghi nhận trước đó chứng tỏ đồng hồ nước trước đó chạy sai. Khi đó, hai bên có thể thỏa thuận cách tính tiền nước, còn nếu không thống nhất được thì người dân có thể kiện ra tòa để được giải quyết.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên