Ngày 18-8, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đề án đã đặt mục tiêu đến năm 2015 phải xác định thông tin khoảng 13.000 liệt sỹ, đến năm 2020 phải xác định danh tính khoảng 77.000 liệt sỹ thông qua phương pháp chính là giám định ADN.
Đến nay bộ đã triển khai công tác điều tra, thống kê và tổng hợp thông tin của liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ; lấy mẫu gần 8.000 hài cốt và gần 2.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sỹ để phục vụ công tác xác định danh tính.
Thời gian tới đây công tác thu thập thông tin và giám định sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì phần lớn hài cốt liệt sỹ đã chôn cất trong các điều kiện khắc nghiệt trước khi được tìm kiếm quy tập, nên chất lượng để giám định ADN không tốt; việc thiết lập “ngân hàng” ADN của thân nhân liệt sỹ cũng không phải là việc dễ.
Báo cáo với Ủy ban Các vấn đề xã hội, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, đền ơn đáp nghĩa ngày càng có độ bao phủ rộng rãi, chế độ từng bước được cải thiện, nâng cao.
Đến nay cả nước đã xác nhận được trên 8,8 triệu người có công, trong đó 1,4 triệu người có công và thân nhân được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
“Nhưng do chiến tranh kéo dài và phức tạp nên vẫn còn một số trường hợp chưa được xác nhận và giải quyết chế độ. Trong khi đó từ năm 2008-2013 qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và đình chỉ trợ cấp hơn 7.000 đối tượng không đủ điều kiện hưởng chế độ” – bà Chuyền cho hay.
Riêng với việc công nhận danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng, lãnh đạo Bộ Lao động, thương binh và xã hội thừa nhận do chưa đủ văn bản hướng dẫn kịp thời nên địa phương còn lúng túng, ví dụ khi giải quyết một số trường hợp như bà mẹ có một con là liệt sỹ đồng thời là vợ liệt sỹ đã lấy chồng khác; mẹ đẻ, mẹ nuôi cùng chung một người con là liệt sỹ…
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị các cơ quan có trách nhiệm cần khẩn trương hơn nữa để thực hiện chế độ chính sách đối với những người xứng đáng được hưởng.
“Tất cả những người có công thì phải được hưởng chính sách ưu đãi, những đối tượng vi phạm không xứng đáng và không đúng diện được hưởng chính sách phải bị loại bỏ, như thế mới tạo được niềm tin đối với xã hội” – bà Mai nói.
Bà đề nghị với những trường hợp mà pháp lệnh không đặt ra yêu cầu, điều kiện, ví dụ như trường hợp bà mẹ tái giá thì pháp lệnh không quy định, đặt yêu cầu gì vậy tại sao lại phải băn khoăn?
Đối với những vấn đề vướng mắc, bất cập khác phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách, bà Mai đề nghị các cơ quan chức năng kịp thời khắc phục, giải quyết ngay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận