Bà Thạch Thị Phúc đi khiếu nại tại trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước - Ảnh: T.Lụa |
Vụ việc này đã phải trải qua bảy phiên tòa từ sơ thẩm đến giám đốc thẩm, kéo dài 11 năm.
Theo bà Phúc, năm 1990 do mẹ bị bệnh nặng nên bà đến nhà ông Kim Ba (ở cùng thị xã) vay 3 chỉ vàng 24K với lãi suất 50%/năm để chữa bệnh cho mẹ. Sau khi vay tiền được hai tháng thì mẹ bà Phúc mất. Bà Phúc đến cầm cố 2 công ruộng cho ông Ba để đỡ phải trả tiền lãi.
Hai bên thỏa thuận bà Phúc phải để gia đình ông Ba canh tác ba năm trở lên thì bất cứ lúc nào vợ chồng bà Phúc có 3 chỉ vàng mang đến trả, ông Kim Ba sẽ cho chuộc lại ruộng.
Tám năm sau, vợ chồng bà Phúc làm mướn tích cóp đem đủ 3 chỉ vàng đến trả cho ông Kim Ba để xin chuộc lại ruộng nhưng ông Kim Ba không trả vì 2 công ruộng đó vợ chồng bà Phúc đã viết giấy sang nhượng cho ông. Bà Phúc đã khởi kiện ra tòa yêu cầu tòa giải quyết cho bà được trả lại vàng và ông Kim Ba phải trả lại ruộng để bà canh tác.
Mỗi cấp tuyên mỗi kiểu
1- Tháng 1-2000, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh xét xử sơ thẩm lần 1. Tại tòa, ông Kim Ba xuất trình tờ sang nhượng đất năm 1990 có chữ ký của vợ chồng bà Phúc và xác nhận của chính quyền ấp. Tuy nhiên, bà Phúc cho rằng tờ sang nhượng này là ông Kim Ba tự làm vì bà mù chữ, không biết ký tên.
Tòa cho rằng việc ông Kim Ba mua đất là không có cơ sở, việc cầm cố đất không được Luật đất đai cho phép nên đã tuyên hủy hợp đồng cầm cố đất, vợ chồng bà Phúc phải trả lại 3 chỉ vàng cho ông Kim Ba, ông Kim Ba có nghĩa vụ giao lại 2 công đất ruộng cho bà Phúc.
Sau phiên tòa, ông Kim Ba kháng cáo.
2- Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh xử phúc thẩm tháng 4-2000 đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án, chuyển vụ việc sang UBND huyện Châu Thành giải quyết với nhận định đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết là không đúng thẩm quyền.
Năm 2005, UBND xã Lương Hòa, huyện Châu Thành (địa điểm có 2 công đất) chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Tòa án nhân dân huyện Châu Thành để giải quyết theo thẩm quyền.
3- Tháng 5-2006, xét xử sơ thẩm lần 2, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành đã tuyên hủy tờ sang nhượng ruộng, buộc ông Kim Ba trả lại đất cho bà Phúc, bà Phúc trả lại 3 chỉ vàng cho ông Kim Ba. Buộc vợ chồng bà Phúc phải bồi thường thiệt hại cho ông Kim Ba 41,5 triệu đồng. Không đồng tình vì phải bồi thường tiền, bà Phúc kháng cáo.
4- Xét xử phúc thẩm lần 2 vào tháng 10-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh chấp nhận một phần kháng cáo của bà Phúc, buộc vợ chồng bà Phúc phải bồi thường cho ông Kim Ba 39,8 triệu đồng. Bà Phúc nhiều lần khiếu nại bản án lên Tòa án nhân dân tối cao.
5- Năm 2009, Tòa án nhân dân tối cao có quyết định kháng nghị theo hướng đề nghị tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại.
Năm 2010, Tòa án nhân dân tối cao có quyết định giám đốc thẩm. Quyết định cho rằng tờ sang nhượng ruộng là vi phạm pháp luật, tòa án các cấp tuyên hủy là đúng. Tuy nhiên, gia đình ông Kim Ba đã khai thác đất khối để bán nên ảnh hưởng đến việc sử dụng đất. Tòa án các cấp nên xem xét buộc bị đơn phải khôi phục tình trạng đất ban đầu hoặc bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn.
Hội đồng giám đốc thẩm đã quyết định hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành và bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện Châu Thành xét xử lại.
6- 11 năm kể từ lần xét xử đầu tiên (năm 2011), Tòa án nhân dân huyện Châu Thành xét xử sơ thẩm lần 3 lại cho rằng bà Phúc nói cầm cố đất nhưng không xuất trình được chứng cứ chứng minh. Vì vậy, có đủ căn cứ để xác định vợ chồng bà Phúc đã chuyển nhượng đất cho vợ chồng ông Kim Ba với giá 3 chỉ vàng.
Tuy nhiên tại thời điểm đó (19-11-1990), pháp luật không cho phép việc mua bán, chuyển nhượng đất đai dưới mọi hình thức. Mặt khác, tờ “sang nhượng ruộng” không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép công chứng, chứng thực nên vi phạm pháp luật. Do đó hợp đồng vô hiệu là do lỗi của hai bên.
Tòa tuyên hợp đồng sang nhượng ruộng là vô hiệu, bà Phúc được nhận lại đất, đồng thời phải trả lại cho ông Kim Ba 27,8 triệu đồng tiền chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất. Ông Kim Ba phải bồi thường thiệt hại cho vợ chồng bà Phúc hơn 33 triệu đồng do đã khai thác đất khối.
7- Xét xử phúc thẩm lần 3 vào tháng 10-2011, Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh bác kháng cáo của bà Phúc, tuyên y án sơ thẩm.
Người thắng kiện vẫn muốn kiện tiếp
Tháng 5-2014, Tòa án nhân dân tối cao trả lời không có căn cứ để giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm lần 3 của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh. Cho rằng Tòa án nhân dân tối cao trả lời chưa thỏa đáng, bà Phúc nhiều lần ra Hà Nội để khiếu nại.
Nghe lời khuyên “không nên đi kiện nữa”, bà Phúc khóc và nói: “Tui từ một người đi cào đống rác công cộng mà phải vất vả đi khiếu kiện như vầy thì có sung sướng gì. Khi tui cầm cố là đất ruộng, mỗi năm cấy được một vụ lúa một vụ màu. Bây giờ nhận lại đất thì chỉ còn là hố trũng sâu. Giờ có 100 triệu đồng cũng không thể nào đổ đất san bằng ruộng được chứ đừng nói 33 triệu đồng mà tòa tuyên. Trong khi đó tòa lại còn bắt tui bồi thường tiền chênh lệch đất 27,8 triệu đồng cho nhà ông Kim Ba. Tui uất ức lắm!”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-8, ông Nguyễn Văn Năm - chánh tòa dân sự Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh, chủ tọa phiên xét xử phúc thẩm lần 3 năm 2011 - cho biết: “Khi xét xử, hội đồng đã cân nhắc quyền lợi cho bà Phúc. Đất đó xưa là đất ruộng cao, nước không có. Khi nhận đất, gia đình bị đơn đã đào bán lớp mặt đất khoảng 5 tấc. Giờ đất cấy lúa được nhưng sạ lúa thì không được. Khi xét xử, chúng tôi đã xem xét điều đó và tuyên buộc gia đình bị đơn phải bồi thường cho gia đình bà Phúc khoản tiền để khôi phục đất về nguyên trạng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận