29/08/2014 08:10 GMT+7

​Trả lại sự công bằng

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TT -  Loại hình công cụ giáo dục điện tử bỗng trở thành điểm nóng, chỉ cần nghe nói tới “giáo dục điện tử” là người ta liên tưởng tới những gì không hay ho.

Có một thực tế là xã hội đang lo ngại nhóm lợi ích cục bộ nào đó muốn đưa công nghệ này vào nhà trường xem đó như một công cụ kiếm tiền.

Tội nghiệp loại hình công cụ giáo dục điện tử bởi đó là thành tựu tiến bộ của khoa học - kỹ thuật. Tại sao chúng ta hồ hởi, đánh giá cao sách điện tử, báo điện tử, tivi, máy chiếu... nhưng lại dị ứng với sách giáo khoa điện tử, học cụ điện tử...? Ngay bảng tương tác lâu nay cũng chịu chung số phận tương tự, trong khi nó thật sự là một sản phẩm công nghệ cao.

Là một người am hiểu về công nghệ, tôi thật sự có thiện cảm với một số chương trình giáo dục trực tuyến, sách giáo khoa điện tử.

Chúng không thể thay thế giáo dục truyền thống, nhưng lại giúp ích nhiều cho thầy trò nếu như được ứng dụng đúng đắn. Chắc chắn nhiều người cũng hiểu như tôi rằng nếu biết ứng dụng các công cụ giáo dục điện tử này, chất lượng dạy và học sẽ được nâng cao hơn hẳn.

Để làm nền tảng cho việc đưa các công nghệ cao vào nhà trường một cách đúng đắn và đạt hiệu quả cao nhất, các cơ quan chức năng cần phải đưa ra những hướng dẫn, quy trình chuẩn, trong đó có việc giám sát trước, trong và sau từng dự án.

Tất nhiên là dựa trên các cứ liệu khoa học và nghiên cứu, nhà quản lý cần đưa ra những tiêu chuẩn của từng loại thiết bị phù hợp với từng độ tuổi, cấp học và mục đích sử dụng. Các nước tiên tiến người ta đều làm như vậy.

Đối với đặc thù của Việt Nam hiện nay, các quy chuẩn lại càng cần thiết hơn. Bởi đơn giản là không có quy chuẩn chung, ai cũng có thể làm gì tùy ý, chẳng ai biết lấy gì mà đánh giá và giám sát. Ai cũng có thể đưa ra những lời có cánh về hiệu quả vượt bậc mà sản phẩm, loại hình họ muốn cung cấp mang lại. Không có quy chuẩn chung, các loại biến tướng dễ dàng sinh sôi nảy nở.

Khi đó, những người coi giáo dục nói chung và phụ huynh nói riêng là những “bầu sữa” sẽ ra tay kiếm chác.

Trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào cuộc sống xã hội, có cái tự nguyện nhưng cũng có cái là chuẩn mực mà mọi người phải tuân thủ. Quan trọng là phải có khảo sát, nghiên cứu một cách khoa học và khách quan trước khi ứng dụng.

Chẳng ai phản đối việc cho học sinh sử dụng máy tính bảng trong học tập. Vấn đề cốt lõi là các em được cho sử dụng công cụ bổ trợ này ra sao, ở độ tuổi nào, sử dụng như thế nào, có phù hợp với khả năng kinh tế của đại đa số gia đình học sinh...

Chúng ta ủng hộ việc đưa công nghệ hiện đại vào giáo dục cũng như bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống xã hội. Không thể không làm, nếu không muốn bị tụt hậu. Cái mà chúng ta kiên quyết chống là việc lợi dụng yêu cầu này để trục lợi. Làm được việc đó sẽ trả lại sự công bằng cho các công cụ giáo dục điện tử chân chính.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên