13/08/2014 06:40 GMT+7

​Nữ anh hùng nuôi quân

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Đắk Tô - Tân Cảnh, cái tên không thể quên với hình ảnh “mùa hè đỏ lửa”.

Y Buông - nữ anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên của người Xê Đăng - Ảnh: B.D.

Những năm tháng ấy gắn liền với một nữ cấp dưỡng đặc biệt: Y Buông - anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên của người Xê Đăng.

Y Buông sinh ra tại làng Đắk Rế, xã Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum). Chiến tranh ập đến, làng Xê Đăng bị giặc vào càn và biến thành những ngọn đuốc.

Y Buông theo bộ đội vào làm nhân viên cấp dưỡng từ năm 17 tuổi. Từ một cô gái chân chất, Y Buông chiến đấu và trở thành một anh hùng của người Xê Đăng.

“Nồi cơm là súng đạn, vũ khí là ý chí”

Năm Y Buông là cô gái Xê Đăng 17 tuổi, lính Mỹ đang dày đặc ở Kon Tum. Chứng kiến giặc vào làng đốt phá nên Y Buông xin cha cho đi bộ đội.

Năm 1960, Y Buông được phân về làm cấp dưỡng tại tiểu đoàn 304, Tỉnh đội Kon Tum, đơn vị chiến đấu ở khu vực Đắk Tô - Tân Cảnh và các địa bàn tỉnh Gia Lai - Kon Tum (nay là hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum).

Y Buông cho biết để nuôi quân, người dân các dân tộc ở vùng núi cao làm ra được thóc, gạo hay củ khoai, củ sắn nào đều bí mật gùi đến. Nhiệm vụ được giao cho Y Buông là nấu ăn phục vụ đơn vị với gần 100 người.

Cầm súng cũng tốt như nấu ăn

Mùa mưa năm 1969, đơn vị đang ở quốc lộ 14, giáp ranh giữa Gia Lai và Kon Tum.

Đạn pháo giội đến, hai tiểu đội của đối phương với gần 30 tên “mũi dài, da trắng” áp sát đến căn hầm nơi chị nuôi Y Buông đang chuẩn bị nấu bữa trưa cho đồng đội.

“Đánh”! Lệnh tấn công của người chỉ huy duy nhất ở lán trại lúc này vang lên. Dù là nhân viên cấp dưỡng, ít khi cầm súng nhưng Y Buông vẫn lao qua chiến hào ném một quả lựu đạn về phía đối phương.

Tiếng nổ chát chúa vang lên làm chết ba tên. Y Buông lùi sâu hơn vào gốc cây rồi lấy súng liên thanh bắn liên tiếp. Thêm một tên địch to cao ngã xuống.

Khác với những người lính khác, nhận nhiệm vụ cô gái Xê Đăng được thủ trưởng giao một “vũ khí” đặc biệt: nồi cơm dùng để nấu nướng, một khẩu súng liên thanh.

Y Buông kể rằng đó là loại nồi cơm được đúc bằng đồng rất nặng, mỗi lần nấu cho hàng chục người ăn. Hồi đó Y Buông thấp bé, người cứ lùn như bụi chuối.

Mỗi lần đơn vị di chuyển, anh em thường ví Y Buông là “nồi cơm di động” vì mớ nồi lỉnh kỉnh treo trước ngực, sau lưng khiến cái đầu Y Buông lọt thỏm. Mớ “nồi cơm” ấy cứ lúc nhúc di chuyển giữa rừng không một ngày ngơi nghỉ.

“Hồi đó đánh nhau liên miên, để có được một nắm gạo đến đơn vị phải đổi bằng máu, nhưng đâu phải lúc nào gạo cũng được tiếp tế tới nơi, cũng được đồng bào cõng đến cho bộ đội. Có những ngày bị càn, bộ đội đói lắm. Mình thương vô cùng”.

Y Buông kể những ngày không có gạo ăn, sợ bộ đội không có sức đánh nên chị lại vào rừng cả buổi sáng để chặt măng, tìm rau về cho anh em ăn lấy sức.

Không có muối, chị lại đi chặt cây chát, xuống suối bắt cá về nấu thành đồ ăn. Cứ như thế, chị nuôi Xê Đăng trở thành một phần máu thịt của những người lính trên chiến địa Đắk Tô - Tân Cảnh.

Mặc dù mỗi bữa ăn phục vụ hàng trăm anh em, cán bộ nhưng bữa cơm của Y Buông lúc nào cũng trọn vẹn, không bao giờ để cơm bị cháy.

“Mỗi lần nấu cơm mình phải lựa những thanh củi rồi chia nhỏ ra nấu để vừa không bí khói, tránh địch phát hiện tập kích; vừa không bị khét nồi, bộ đội ăn không ngon” - anh hùng Y Buông kể.

Nữ anh hùng Y Buông không thể nào quên mùa hè năm 1967, đó cũng là kỷ niệm lớn nhất theo suốt bà trong những năm chiến tranh.

Xế trưa hôm ấy, khi bộ đội đang trinh sát trận địa ở khu vực đồi Đắk Uy (nay thuộc huyện Đắk Hà, Kon Tum) thì bất ngờ bị đối phương phát hiện. Pháo cao xạ giội xuống. Đạn bay rực lửa. Rừng bị xé toang. Cây cối ngã rạp.

Y Buông đang lúi húi thổi cơm cho bộ đội thì một quả đạn lao ngay vào mép hào, chị bị hất văng ra xa. Nồi cơm bị đất đá trùm lên. Không thể để anh em thiếu một bữa ăn, giữa làn bom đạn, nữ anh hùng nhảy chồm lên rồi ôm lấy hai chiếc nồi đang sôi dở.

Đạn vẫn tiếp tục bắn. Chiếc nồi bị trúng một mảnh đạn thủng ngay phần đáy, cơm nhão chảy ra ngoài. Y Buông nằm khóc rồi lịm đi.

Cho tới khi ngưng tiếng pháo, bộ đội trở về lục tung khu lều trại mới phát hiện Y Buông đang ngất đi dưới đám đất và cành cây, hai tay vẫn ôm hai nồi cơm đang nấu dở.

Một cuộc đời giản dị, trong sáng

Với những thành tích, cống hiến hết tuổi thanh xuân cho đất nước, năm 1972 chị nuôi Y Buông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hơn 40 năm từ ngày được phong anh hùng, cô gái Y Buông đưa cơm cho bộ đội giữa mùa hè đỏ lửa ngày nào giờ đây vẫn không mất nét đặc trưng của người phụ nữ Xê Đăng: thật thà, chân chất, hay cười.

Người dân tại Đắk Tô nói: “Ở đây ai cũng quý bà ấy, một người Xê Đăng nhân hậu”. Thật khác với hình dung, nữ anh hùng giờ đây đã ngồi lặng lẽ trong góc nhà, trên chiếc xe lăn cũ kỹ. Đôi chân của Y Buông tong teo, cụt mất một bên vì vướng phải mìn.

Hiện nay, người nữ anh hùng được kính trọng đang sống một cuộc đời giản dị, đạm bạc. “Mình chỉ có huân chương, bằng Tổ quốc ghi công là nhiều thôi, tiền bạc thì không có. Nhà cửa giờ đây cũng làm của chung với con gái, con gái mình làm cán bộ nhưng chồng cũng làm nông dân, nghèo lắm” - Y Buông nói.

Y Buông kể sau giải phóng bà được cử ra Bắc đi học rồi trở về phục vụ tại Trường quân sự Gia Lai - Kon Tum. Năm 1976, Y Buông được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại diện nhân dân các dân tộc Kon Tum.

Một lần đang bẻ măng ở bìa rừng năm 1977, Y Buông đạp phải mìn sót lại từ chiến tranh, mảnh mìn xé toạc mất một bàn chân. Làm đại biểu Quốc hội được một thời gian, ngày nọ Y Buông bỗng trình bày với cấp trên xin thôi làm đại biểu, để “dành thời gian về lại buôn làng, về sống với đồng bào Xê Đăng của mình”.

Ít ai biết đằng sau vinh quang của người nữ anh hùng ấy là một cuộc sống nhiều trắc trở, lận đận. Năm 1977 bà lập gia đình với một người đồng đội cũ, cả hai về dựng nhà sinh sống ở Đắk Tô. Một năm sau, bà mang thai, chuyển dạ sinh con đầu lòng nhưng đứa con này chỉ sống được đúng ba ngày rồi qua đời.

Bốn năm sau đó, người con thứ ba đứt ruột đẻ ra cũng đi theo cách tương tự đứa đầu. Tài sản quý hóa nhất của Y Buông đến giờ là Y Thảo - người con thứ hai may mắn sống sót hiện đang là cán bộ Trung tâm Y tế Đắk Tô.

Người Xê Đăng tốt bụng

Người dân nghèo Xê Đăng ở Đắk Tô, Tu Mơ Rông đến nay vẫn mang ơn anh hùng Y Buông. Từ ngày xin thôi làm đại biểu Quốc hội để về với gia đình, tuần nào Y Buông cũng nhờ người đưa vào các ngôi làng để thăm hỏi, nói chuyện với bà con.

Gặp gia đình nào đau yếu, nghèo khổ Y Buông cũng lấy gạo của gia đình mình san sẻ. Người Xê Đăng ở Đắk Na và nhiều ngôi làng khác trước đây khá nặng các hủ tục, đặc biệt là tục đâm trâu cúng Yàng.

Y Buông đã phản đối kịch liệt nghi lễ này vì quá tốn kém: “Nếu muốn cúng Yàng, cúng lễ chỉ nên làm con heo, con gà thôi. Con trâu lớn lắm, giết trâu đi rồi chẳng có gì nữa để mà làm ăn”.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên