15/08/2014 03:47 GMT+7

​Nỗi buồn thắng cảnh Mo So

KHOA NAM
KHOA NAM

TT - Được công nhận là di tích lịch sử cách mạng và thắng cảnh cấp quốc gia vào tháng 2-1995, nhưng từ đó đến nay núi Mo So (ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) với chuỗi hang động đẹp lại gần như rơi vào quên lãng.

Nhà máy ximăng Hòn Chông thuộc Công ty Holcim VN đang khai thác một phần núi Mo So - Ảnh: K.Nam
Nhà máy ximăng Hòn Chông thuộc Công ty Holcim VN đang khai thác một phần núi Mo So - Ảnh: K.Nam

Tỉnh lộ 11 nối thị trấn Ba Hòn với xã Bình An từng là một trong những cung đường du lịch đẹp nhất Kiên Giang. Nay con đường bị cày nát với chi chít ổ gà và mù bụi bởi hàng đoàn xe tải nặng chở đá vôi làm nguyên liệu sản xuất ximăng. Cả một vùng đồi núi hoang sơ giờ đây loang lổ phơi mình trắng hếu như những vết thương khổng lồ trên cơ thể thiên nhiên.

Danh thắng hoang tàn

Hơn 10 năm nay ngân sách chỉ thu được 135,2 tỉ đồng

Theo tài liệu Tuổi Trẻ có được, tính đến cuối năm 2013 tại khu vực huyện Kiên Lương hiện có 11 doanh nghiệp có giấy phép khai thác đá vôi còn hiệu lực. 

Mặc dù hầu hết núi đá vôi Kiên Lương đã được cấp phép khai thác hàng chục năm qua, nhưng số tiền ngân sách thu được lại rất ít. Tính tới tháng 2-2014, tổng số tiền thu được từ hoạt động khai thác khoáng sản (bao gồm: mỏ đá vôi, mỏ đất sét ximăng, đá granite...) chỉ được hơn 135,2 tỉ đồng. Trong đó thuế tài nguyên hơn 74,3 tỉ đồng, phí bảo vệ môi trường khoảng 46 tỉ đồng. Tính ra mỗi năm ngân sách trung ương và địa phương chỉ thu được vài tỉ đồng. Chưa kể số tiến ký quỹ phục hồi môi trường cần phải thu là 44,6 tỉ đồng thì các doanh nghiệp mới chỉ nộp được hơn 14,8 tỉ đồng.

Men theo tỉnh lộ 11, cuối cùng thì di tích và thắng cảnh Mo So cũng hiện ra với dãy hàng quán lợp tôn tạm bợ vây quanh chân núi.

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là rác. Rất nhiều túi nilông, vỏ lon bia, chai nước lọc... xả đầy trên lối đi và trước cửa các hang động quanh chân núi từng là căn cứ địa cách mạng cả hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ông Phan Văn Hữu (52 tuổi) - tự nhận là hướng dẫn viên duy nhất ở đây - cho biết mặc dù cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa có gì, nhưng du khách vẫn đến Mo So rải rác quanh năm, tính bình quân mỗi ngày có khoảng 50 người.

Để phục vụ du khách, người dân địa phương tự làm các lối đi, mắc đèn chiếu sáng trong lòng hang.

Trả phí 100.000 đồng để chạy máy đèn, chúng tôi được ông Hữu dẫn đi thăm hang Lương Thực và hang Quân Y. Cả hai hang động đều có sông ngầm, không khí trong hang mát lạnh và... bốc mùi rác thải.

Theo ánh đèn tròn vàng vọt và ánh đèn pin của ông Hữu, rất nhiều thạch nhũ và khối đá vôi với đủ hình thù khác nhau lần lượt hiện ra.

Rời hang Lương Thực, trên đường đi qua hang Quân Y, ông Hữu tranh thủ giới thiệu với chúng tôi quán nhậu bình dân tồn tại ngay trong lòng núi với món nhắm chủ yếu là cháo gà. Chúng tôi nhanh miệng từ chối vì không thể chịu được mùi ẩm thấp. Không chỉ hoang tàn, ẩm thấp và ngập rác thải mà di tích hang động này còn bị chính con người lấn chiếm.

Ông Lê Minh Hoàng - giám đốc Sở VH-TT&DL Kiên Giang - cho biết di tích Mo So được khoanh vùng diện tích 22,4ha, trong đó khu vực núi đá vôi rộng 15,6ha, phần đất tính từ chân núi ra 50m, rộng 6,8ha.

Theo ông Hoàng, khi được công nhận là di tích cấp quốc gia, tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo thành lập ban quản lý nhưng lại không có trụ sở. Sau này có trụ sở thì lại đặt tại trung tâm hành chính huyện, cách di tích tới 4 km nên không nắm sát tình hình. Chính vì vậy, quanh chân núi Mo So hiện có tới 62 hộ dân cư trú trái phép, trong đó có hai hộ cư trú trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và 60 hộ ở khu vực bảo vệ II.

“Tỉnh biết, huyện cũng biết các hộ dân sinh sống tại núi Mo So sẽ gây ảnh hưởng tới cảnh quan và ô nhiễm môi trường, nhưng do chưa có kinh phí đền bù, giải tỏa, di dời tái định cư nên đành chịu” - ông Hoàng nói.

“Hướng dẫn viên” Phan Văn Hữu giới thiệu quán nhậu ngay trong lòng hang Mo So - Ảnh: K.Nam
“Hướng dẫn viên” Phan Văn Hữu giới thiệu quán nhậu ngay trong lòng hang Mo So - Ảnh: K.Nam

Mỏ một bên và... hang một bên

Thạc sĩ Lương Thanh Hải - giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Kiên Giang, kiêm phó Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới tỉnh Kiên Giang - cho biết hệ thống hang động núi đá vôi Hà Tiên - Kiên Lương là một phần quan trọng trong tổng thể khu dự trữ sinh quyển thế giới rộng 1,1 triệu ha của tỉnh Kiên Giang đã được UNESCO công nhận vào năm 2006.

Các hang động đá vôi tại đây cũng là duy nhất ở vùng ĐBSCL và được mệnh danh là động “Phong Nha thu nhỏ” của Kiên Giang. ThS. Hải cho biết thêm hiện đề án thành lập khu bảo tồn núi đá vôi Kiên Lương đang được Viện Sinh thái học miền Nam, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới và tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng thực hiện. Riêng trên núi Mo So còn hơn 20 cá thể voọc bạc Đông Dương quý hiếm.

Và khi đề án vẫn còn là... đề án, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, có một điểm rất lạ là núi Mo So được Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng và công nhận di tích vào tháng 2-1995, thì đến tháng 6-1995 phần lớn ngọn núi này (còn gọi là Bãi Voi) lại được Bộ Tài nguyên - môi trường cấp phép khai thác cho Công ty liên doanh ximăng Sao Mai (tiền thân của Công ty Holcim ngày nay).

Không chỉ vậy, tháng 9-2007 Bộ Tài nguyên - môi trường tiếp tục có quyết định cho phép Công ty liên doanh ximăng Holcim VN thăm dò bổ sung đá vôi làm nguyên liệu ximăng từ 0m đến âm 100m tại khu vực núi Mo So và núi Cây Xoài, chỉ cách hệ thống hang động Mo So hiện tại khoảng 50m.

Ông Lê Minh Hoàng cho biết hiện chưa rõ ranh giới khai thác đá vôi có xâm phạm khu vực bảo vệ di tích hay không, nhưng chắc chắn việc khai thác đá vôi gây tác động tới di tích bởi khói bụi, tiếng ồn và rung chấn.

Theo nhiều người dân sống dưới chân núi Mo So, từ nhiều năm nay cứ vào khoảng 12 giờ trưa một số ngày trong tuần, Công ty Holcim đều hú còi nổ mìn khai thác đá. Mỗi lần như vậy, họ cảm nhận rất rõ mặt đất rung rinh, không ai dám vào hang núi, kể cả du khách vì sợ các khối thạch nhũ rơi xuống trúng mình. Còn theo lời ông Hữu, rất nhiều du khách cảm thấy rất sốc với việc có một mỏ đá khổng lồ ngay bên cạnh hang động Mo So.

Ông Bùi Văn Thạnh - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Kiên Giang, người giữ chức vụ giám đốc ngành văn hóa thời điểm Núi Mo So được xếp hạng di tích quốc gia - cho biết thời điểm thập niên 1990, nhận thức về giá trị của di tích - danh thắng nói chung “còn lơ mơ lắm”, cộng thêm áp lực khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế nên người ta chấp thuận cho phá núi.

Sớm lập quy hoạch tổng thể để phát huy giá trị núi Mo So

Ông Lê Minh Hoàng - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Kiên Giang - cho biết trong gần 20 năm tính từ lúc được xếp hạng và công nhận di tích cấp quốc gia, tỉnh đã mấy lần đề nghị các bộ, ngành trung ương hỗ trợ lập quy hoạch, nhưng do điều kiện khó khăn nên không có quy hoạch nào được triển khai.

Mới đây, UBND tỉnh đã triệu tập các ngành, địa phương có liên quan nhóm họp và chỉ đạo sớm lập quy hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử và danh thắng Mo So. 

“Dự kiến sẽ có các giải pháp, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng, đưa Mo So trở thành một khu du lịch kết hợp giữa du lịch văn hóa với du lịch sinh thái. Nhưng việc trước mắt là phải sớm di dời các hộ dân đang cư trú quanh chân núi, bố trí tái định cư, chờ quy hoạch xong sẽ đưa họ tham gia trở lại phục vụ du khách” - ông Hoàng nói.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên