20/08/2014 16:27 GMT+7

​Nhạt nhòa tiến sĩ

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - 200 triệu đồng có thể nhấc một người không chút bận tâm gì đến học hành, nghiên cứu lấy được bằng tiến sĩ y khoa danh giá?

 
 
 

​Câu chuyện “trà đá vỉa hè” lâu nay, giờ được “ngã giá” ngay tại nhà của vị phó giáo sư Trường ĐH Y dược - ĐH Thái Nguyên.

Cứ cho rằng cái giá 200 triệu đồng cho tấm bằng tiến sĩ chỉ là lời hứa không đủ cơ sở để tin của một ông thầy đã mất chất thầy, thì cũng đủ hình dung hậu trường của không ít tấm bằng đã trải qua nhiều đường lắt léo.

Chính những cấp độ đào tạo cao nhất lại ngày càng dấy lên những nghi ngờ về chất lượng. Điều đáng nói chính những vị tiến sĩ, giáo sư tên tuổi cũng không còn tin vào chức danh chung của hệ thống, lặng lẽ tách ra để giữ vị thế cho riêng mình.

Có vị giáo sư trên danh thiếp cá nhân ghi rất rõ ràng tiến sĩ từ những năm 1970 để tránh lẫn lộn vàng thau. Có vị cực đoan hơn còn cấm không cho ai nhắc đến học vị tiến sĩ để khỏi bị đánh đồng với những người chỉ chạy theo tấm bằng nhằm đánh bóng cá nhân.

Lại có vị quan chức làm xong tiến sĩ còn nhăm nhe giành nốt cái phó giáo sư để chen chân vào các hội đồng danh giá, bảo đảm công việc liên tục lúc về già, nên phải tìm đến cơ sở đào tạo xin phê khống vài chục tiết lên lớp cho đủ hồ sơ...

Chưa kể các loại tiến sĩ “mua” từ các “công ty liên kết với nước ngoài” chỉ vài tháng là được cấp bằng “đốc-tờ” như mấy vị lãnh đạo địa phương mà báo chí vài năm trước từng lật tẩy.

Ngay như lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận một thời gian dài quản lý đào tạo sau ĐH bị buông lỏng, nên kết quả thẩm định hồ sơ và luận án hai năm qua mới lộ ra đủ bất cập, nào là quy trình không đúng, nào chất lượng luận án chưa cao, thậm chí có những luận án đã bảo vệ thành công lại phải lập hội đồng đánh giá lại.

Cho nên cái danh tiến sĩ thì bội thực, nhưng tiến sĩ cặm cụi nghiên cứu, giảng dạy trong nhà trường thì trường nào cũng kêu rải thảm đỏ mà vẫn thiếu!

Thống kê toàn hệ thống giáo dục ĐH VN năm 2014 mới có gần 9.600 giảng viên có trình độ tiến sĩ, mà số liệu của Bộ Khoa học - công nghệ từ mấy năm qua đã khẳng định cả nước có đến hơn 24.000 tiến sĩ.

Vậy gần 15.000 tiến sĩ đi đâu? Chưa có thống kê đất nước này có bao nhiêu quan chức cấp bộ, cấp vụ có bằng tiến sĩ, bao nhiêu lãnh đạo địa phương tấp nập đi học sau ĐH.

Nói như GS.TSKH Hoàng Xuân Sính, căn nguyên trực tiếp dẫn đến sự tha hóa của bằng cấp chính là khi ông lãnh đạo quá đề cao chức danh hay học vị thì cấp dưới của họ sẽ giơ ngay bằng nọ bằng kia để được đề bạt, thăng tiến nhanh hơn.

“Thánh đường” giáo sư, tiến sĩ phai dần vẻ đạo mạo cần có khi chính vị tư lệnh ngành giáo dục phải thốt lên: “Ở VN hiện đang có xu hướng phổ cập tiến sĩ, thạc sĩ”.

Một đất nước vốn trọng chữ nghĩa và khoa bảng, một đất nước vốn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu mà để tình trạng lạm phát “tiến sĩ ngoài ngành”, để phát sinh những giáo sư, phó giáo sư không gắn với nghề dạy học, để các trường đại học hàm oan vì thiếu tiến sĩ giảng dạy trong khi các cơ quan công quyền chật người khoe bằng tiến sĩ...

Nỗi buồn ấy còn lớn hơn những câu chuyện vỉa hè hay thậm chí những cuộc ngã giá trong thư phòng sang trọng về tấm bằng có thể quy ngay được ra tiền.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên