31/08/2014 11:40 GMT+7

​Nhà báo chiến trường - “núi tiền di động”

VÕ TRUNG DUNG (từ Paris)
VÕ TRUNG DUNG (từ Paris)

TT - Bài viết của nhà báo Võ Trung Dung từ Pháp kể về chuyện các cơ quan truyền thông phương Tây đang hạn chế tối đa việc cử nhà báo đến các điểm nóng.

Một người dân Mỹ tưởng niệm nhà báo James Foley - người đã bị nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) sát hại sau khi nước Mỹ không chịu chi trả 132 triệu USD tiền chuộc - Ảnh: Reuters

Bởi các nhà báo chiến trường giờ đây được ví là “núi tiền di động”, trở thành mục tiêu để bắt cóc đòi tiền chuộc!

Có lẽ chưa bao giờ sinh mạng các nhà báo chiến trường lại bị đe dọa như hiện nay. Càng đáng buồn hơn khi họ trở thành mục tiêu săn lùng của các phe nhóm để đổi lấy tiền chuộc.

Cánh nhà báo ở các điểm nóng, những người như James Foley, chúng tôi thật ra đã biết mặt nhau qua các cuộc xung đột nóng trên thế giới trong năm năm gần đây: Afghanistan, Iraq, Libya và nhất là Syria.

Dù là các nhà báo mới tập tễnh vào nghề đầy nhiệt huyết hay là những nhà báo đầy kinh nghiệm trận mạc thì chúng tôi cũng từng có lúc chia sẻ nhau các nguồn tin, chỗ ăn ở, đi cùng xe qua cung đường nguy hiểm để cảm thấy an tâm hơn.

"Nạn nhân đầu tiên của chiến tranh bao giờ cũng là sự thật!"

Nhà văn nổi tiếng của Anh 
RUDYARD KIPLING

Chết vì nghề, không chết vì tiền

Nhà báo chiến trường như chúng tôi không sợ nguy hiểm nhưng hầu hết cũng không phải là những người liều mạng. Chúng tôi thường nói với nhau: “Thà đi rồi đem được về chút ít thông tin, hình ảnh hoặc đoạn video còn hơn là không có gì, vì khi không đem về được gì thì tức là chúng ta đã ngoẻo!”.

Chúng tôi chấp nhận nguy cơ của nghề nhà báo chiến trường nóng. Chết vì trúng đạn, trúng pháo, trúng bom thì cũng đành chấp nhận thôi. Bình thường thôi.

Chẳng ai ép buộc chúng tôi đi đến một đất nước đang có chiến tranh, ngoại trừ cái nghề “quan sát viên chuyên nghiệp”, ngoại trừ lý tưởng đối với nghề đưa tin hoặc cùng lắm với một số ít người cũng vì lý do thích thử thách ở chốn hiểm nguy.

Nhưng để chết vì chuyện không thể trả tiền chuộc thì chúng tôi không bao giờ muốn.

Khi sát hại James Foley, nhóm phiến quân nhà nước Hồi giáo (IS) muốn tiêu diệt thông tin đang gây hại cho chúng và cũng để quảng bá cho lý tưởng của chúng: xây dựng một nhà nước Hồi giáo kiểu Trung cổ.

Có điều IS đã không sát hại nhà báo Mỹ vì mục đích chính trị hoặc tôn giáo hoặc do anh ấy là người Mỹ. Chúng giết anh ấy vì không có được số tiền chuộc 132 triệu USD mà nước Mỹ không chịu chi trả.

Chắc chắn James không phải là nhà báo chiến trường đầu tiên đã bỏ mạng để kể lại cho người đọc, người xem những bi kịch và trò chơi chiến tranh ở Syria.

Tính từ đầu cuộc nội chiến ở Syria vào năm 2011 đến nay đã có hơn 120 nhà báo thiệt mạng, trong đó có khoảng 30 nhà báo chuyên nghiệp, người Syria và người nước ngoài.

Ngoài ra còn có khoảng 60 người, trong đó có 37 người nước ngoài, đang bị cầm tù hoặc bị bắt cóc vì nhiều phe nhóm khác nhau ở Syria, kể cả do chính quyền Damascus. Cũng phải thấy rằng phần lớn các nạn nhân - bị sát hại hoặc bị bắt cóc - là các nhà báo người Syria.

Phóng viên Reuters Ayman al-Sahili bị bắn vào chân khi đang quay phim ở Aleppo, Syria - Ảnh: Reuters

 

Nỗi sợ của các tòa báo

Cách đây ba ngày, tổng biên tập chương trình thời sự của một đài truyền hình ở châu Âu mà tôi cộng tác gọi điện thoại cho tôi: “Tôi khuyên anh đừng trở lại Syria. Chân thành đó. Chẳng đáng để đổi vài phút thông tin lấy khả năng bị bắt cóc. Còn nếu anh vẫn cứ muốn quay lại đó thì đó là do quyết định cá nhân của anh. Đài sẽ không liên can gì. Nhưng nếu anh quay lại và có đề tài hay thì nhớ để dành bán cho chúng tôi nhé”.

Tóm lại đài truyền hình này giờ đây không còn gửi phóng viên độc lập và phóng viên ăn lương nhà đài thì càng không nữa. Mà nếu có thì rất hạn chế bởi quá nguy hiểm cho phóng viên, quá nhiều trách nhiệm cho nhà đài và phí bảo hiểm cũng quá cao.

Các cơ quan truyền thông khác ở châu Âu thậm chí còn cứng rắn hơn khi cấm đăng tải mọi phóng sự do các nhà báo độc lập gửi đến để “không kích thích họ lao vào nguy hiểm mong tìm được tin bài”.

Các nhà báo chiến trường xuất thân từ các nước giàu - châu Âu, Mỹ, Nhật - hiện đang trở thành mồi của các vụ bắt cóc con tin thuộc đủ mọi nhóm, dù theo mục đích chính trị hay mục đích kiếm tiền (mà hiện nay mục đích này lại trội hơn cả).

Chúng tôi hay nói đùa là vác theo mình vài triệu đôla. Chúng tôi là “núi tiền di động” không có sự bảo vệ gì ngoài cái chức danh nhà báo giữa rừng súng ống.

Nói thật ra bản thân tôi may mắn thoát được những tình huống hiểm nguy vì là người Việt Nam: các nhóm cho rằng bắt nhà báo Việt Nam như tôi thì chẳng thể kiếm được tiền chuộc và Việt Nam cũng chẳng dính líu gì trong các cuộc xung đột nóng hiện nay.

Đáng buồn thay, các vụ bắt cóc đang ngày càng tăng lên. Nhà báo Jean Philippe Rémy của tờ Le Monde (Pháp) nhận định: “Trong mọi cuộc xung đột đều có nguy hiểm xảy đến với nhà báo. Các nhà báo hiện nay tác nghiệp ở Syria đều gặp những hiểm nguy như trong các xung đột tương tự ở quá khứ. Có điều khác biệt hiện nay là nguy cơ bắt cóc thường trực ở một số vùng tại Syria. Nó giống như kiểu săn lùng nhà báo dù lâu nay, nguyên tắc của xã hội văn minh là trừ ra các nhà báo đưa tin”.

Hồi khởi đầu xung đột ở Syria thì chính quân đội chính thống lại nhăm nhăm vào các nhà báo nước ngoài khi họ đưa tin về các cuộc biểu tình chống chính quyền và các vụ đàn áp biểu tình. Lúc đó chính quyền Damascus cho rằng các nhà báo đưa tin có lợi cho lực lượng phiến quân. Nhưng đến nay thì nhà báo là con mồi của mọi phe phái tại Syria.

Nhưng dù có nhiều khó khăn thì cho đến nay các nhà báo nước ngoài lại là những người duy nhất có thể tiếp cận được cả hai phía tham gia xung đột tại Syria. Sự hiện diện của họ đã giúp giải mã được tình hình phức tạp tại Syria cũng như giúp cộng đồng thế giới thấy được thực tế của cuộc xung đột.

Máy ảnh của nhà báo ảnh Molhem Barakat, người Syria, bị sát hại ở Aleppo cuối năm 2013 - Ảnh: AFP

 

Ba tuần chuẩn bị cho 10 ngày tác nghiệp

Thực tế là chưa bao giờ đi tác nghiệp tại Syria lại khó như bây giờ vì chúng tôi phải chuẩn bị thật kỹ để giảm thiểu đến tối đa nguy cơ bị bắt cóc.

Vô vàn câu hỏi được đặt ra trong quá trình chuẩn bị: thuê ai làm phiên dịch? Đi vào bằng ngõ nào (dĩ nhiên phải là đi bất hợp pháp, không có visa)? Tiếp cận với nhóm nào? Nguy hiểm đến mức nào?...

Thông thường chúng tôi chọn đi qua ngõ Thổ Nhĩ Kỳ vì đường biên giới ở đây còn lỏng lẻo và tiếp cận vào khu người Kurd vẫn an toàn hơn.

Từ khi xảy ra xung đột ở Syria cho đến khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ mở lối đi gần Kilis vào mùa hè 2012, chúng tôi vẫn vào ra Syria theo ngõ Thổ Nhĩ Kỳ như cách các tay buôn lậu vẫn đi.

Đó là phải tìm người địa phương dẫn đường, đi bộ vài kilômet với đồ nghề lỉnh kỉnh, tránh các đợt tuần tra của lính biên phòng và nhất là phải tránh để bị nhận diện là người nước ngoài.

Nhà báo Pháp Luc Mathieu nhớ lại lần đi chui của mình: “Các tay dẫn đường, thường cũng là những tay buôn lậu đường biên, đến tìm tôi tận ở khách sạn bên Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng hồi đó vào Syria không phức tạp bằng lúc quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi tháng 3-2012, tôi bị binh sĩ Thổ bắt giữ. Họ không tin tôi là nhà báo và nhất quyết bảo tôi là tình báo. Họ tạm giữ tôi đến 20 giờ ở Antakya trước khi thả ra”.

Cánh nhà báo chúng tôi cũng luôn trông chờ vào sự may mắn. Anh Omar Ouamane, nhà báo tiếng Ả Rập của Đài Radio France, kể lại: “Làm báo chiến trường ngày nay giống như chơi xổ số. Thường thì ta cứ nói ai để bị bắt là kém may mắn. Nhưng lẽ ra phải nói ngược lại: không bị bắt mới là may mắn. Ngày nay làm báo chiến trường giống như chơi trò gí súng rulô vào đầu với một viên đạn còn trong ổ. Nó nặng nề ám ảnh đến mức ta khó mà quên được chiến tranh, những đợt thả bom, những tay súng bắn tỉa”.

Còn Luc Mathieu nhận xét: “Hồi mùa xuân 2013, chúng tôi còn gặp những tay súng Hồi giáo nhưng hai bên luôn tìm cách tránh né nhau. Lúc đó chúng tôi biết rằng nên tránh quay phim hoặc chụp ảnh họ mà không xin phép trước. Nhưng lúc đó thì vẫn còn có thể xin được gặp họ để phỏng vấn, làm tin tức. Nay thì không thể được nữa rồi. Không hiểu sao họ không tin tưởng các nhà báo, đặc biệt là cánh nhà báo truyền hình”.

Đi hay không đi nữa? Chúng tôi đã tranh luận với nhau câu hỏi đó quanh bàn cà phê ở Paris.

Ở nhà, con trai tôi đi tìm cuốn hộ chiếu của tôi để giấu béng đi. Thằng bé giải thích nghe đến nhói lòng: “Ba ơi, con không muốn họ chặt đầu ba như họ đã làm với chú nhà báo người Mỹ!”.

 

VÕ TRUNG DUNG (từ Paris)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên