31/08/2014 16:01 GMT+7

​Liên minh châu Âu giơ cao phạt khẽ?

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TTO - Liên minh châu Âu (EU) vừa ra tối hậu thư với Nga. Tuy nhiên, phản ứng của Nga trước biện pháp cấm vận của EU khiến khối này thiệt hại nhiều hơn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại hội nghị EU ở Brussels ngày 31-8 - Ảnh: Reuters

 

Sau cuộc họp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, các nhà lãnh đạo EU tuyên bố Nga phải lập tức rút lực lượng và khí tài ra khỏi miền đông Ukraine, nếu không sẽ bị trừng phạt kinh tế.

EU cho Matxcơva một tuần để thực hiện yêu cầu này. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh EU sẽ chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp trừng phạt trong vòng một tuần nữa.

Tuy nhiên khi giới truyền thông quốc tế đặt câu hỏi về hạn chót mà EU đề ra để trừng phạt Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Herman Van Rompuy thừa nhận: “Điều đó còn tùy thuộc diễn biến tình hình”.

Sự chia rẽ thể hiện rõ rệt khi sau đó Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố các biện pháp trừng phạt Nga là “vô nghĩa và phản tác dụng”. Thủ tướng Fico đe dọa sẽ bỏ phiếu bác bỏ bất kỳ biện pháp nào ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Slovakia.

Quả thật không dễ để EU hành động mạnh tay với Nga. Hồi giữa tuần các nhà lãnh đạo châu Âu được thông báo rằng GDP của khối đồng euro không tăng so với quý trước.

Khi EU công bố các biện pháp trừng phạt Nga cuối tháng 7, Matxcơva trả đũa bằng lệnh cấm nhập khẩu thịt, cá, trái cây, rau quả và các sản phẩm sữa từ EU.

Điều đó khiến Thủ tướng Hungary Viktor Orban phải thừa nhận rằng lệnh cấm vận gây thiệt hại cho phương Tây nhiều hơn là cho Nga. “Trong chính trị, đó là hành vi tự bắn vào chân mình” - Thủ tướng Orban so sánh.

Các nhà kinh tế khu vực ước tính nếu không có cấm vận, GDP châu Âu dự kiến tăng 1% trong năm nay. Cấm vận sẽ khiến GDP giảm tức thời 0,1 hoặc 0,2%, nhưng điều đáng lo là xung đột với Nga sẽ khiến giới doanh nghiệp lo ngại, không dám mạnh tay đầu tư và tuyển dụng. Khi đó, tác động đối với nền kinh tế châu Âu sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Hơn nữa, châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Nghiên cứu của Hãng Fitch cho biết nền kinh tế châu Âu còn phải tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt Nga cho đến ít nhất năm 2030. Và một số nền kinh tế lớn ở châu Âu như Ý sẽ lập tức rơi vào khủng hoảng nếu Matxcơva cắt nguồn cung khí đốt.

Các biện pháp trừng phạt Nga thực tế là con dao hai lưỡi đối với EU. Vì thế, sẽ không lạ nếu EU chỉ tuyên bố lớn tiếng chứ không thực sự siết chặt các biện pháp cấm vận Nga một cách ngặt nghèo như Mỹ và Ukraine mong muốn.

 

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên