Những chiêu trò trong thời buổi này đã trở nên muôn hình vạn trạng - V.Anh |
Thạc sĩ tâm lý học Trang Nhung cho rằng nếu nổi tiếng bằng cách đi ngược lại truyền thống, đạo đức thì "hào quang lúc trẻ sẽ là vết ố khi trưởng thành".
* Dưới góc độ là một thạc sĩ tâm lý học, chị nghĩ gì về hiện tượng "nổi tiếng" của các cô gái trẻ chỉ biết phô cơ thể như vừa qua?
- Sự nổi tiếng nhanh chóng của các cô gái trẻ như thế là một hệ quả tất yếu của sự bùng nổ về tự do thể hiện cá nhân trên Internet – nơi mà sức lan truyền của nó có tốc độ nhanh và biên độ lan tỏa cực kỳ rộng.
Đứng ở góc độ tích cực để nhìn nhận thì có thể thấy rằng các bạn trẻ ngày nay có nhiều cơ hội để giới thiệu bản thân, tài năng của mình ra trước công chúng nhằm đạt được những mục tiêu nghề nghiệp công việc nhất định.
Song khía cạnh tiêu cực cũng cho thấy khi sự tự do được đẩy lên cao thì sự kiềm chế bản thân trong khuôn khổ pháp luật, truyền thống, đạo đức cũng bị đi xuống.
* Hiện tượng này đã và đang tiếp diễn khi một số bạn trẻ muốn nổi tiếng để bước chân dễ dàng vào làng nghệ thuật. Làm thế nào để các bạn trẻ hiểu được giá trị thành công chỉ đến từ năng lực và tập luyện chứ không phải dễ dàng bằng cách "thả rông" vòng ngực, phát ngôn về sex?
- Có thể một cá nhân với tài năng thực sự sẽ chật vật và mất thời gian để khẳng định được tài năng, con đường tìm đến sự nổi tiếng một cách chính quy sẽ lâu hơn một bộ phận bạn trẻ tìm đến sự nổi tiếng nhanh chóng bằng chiêu trò gây sốc nhưng điều gì cũng có giá trị của nó.
Cây cảnh bonsai tí hon mất nhiều năm trời rèn giũa, tạo dáng, uốn nắn sẽ có giá trị gấp nhiều trăm lần một gốc cây khổng lồ lớn lên trong phút chốc nhờ thuốc tăng trưởng. Một thân cây trưởng thành theo đúng quy trình gieo hạt – nảy mầm – bồi đắp – trưởng thành trên bất kỳ vùng đất nào cũng sẽ có sức sống mãnh liệt hơn những thân cây vô tình được bứng từ nơi này đến nơi khác trồng.
Sự nổi tiếng bằng năng lực thực sự, bằng tài năng cá nhân cũng như viên ngọc, càng mài giũa càng sáng, càng đẹp, theo thời gian thì càng tăng giá trị. Chiêu trò chỉ là một nhân tố dẫn đến sự nổi tiếng chứ không duy trì được sự nổi tiếng, nếu dùng chiêu trò thay vì tài năng để duy trì hào quang ảo ảnh về sự nổi tiếng thì vô tình bạn đang biến mình thành “công cụ giải trí” của số đông và khi không còn những chiêu trò mới mẻ, sự đào thải là điều khó tránh khỏi.
Không hiếm để thấy có những nghệ sĩ dù nhan sắc không còn lộng lẫy như xưa và tuổi đã cao vẫn nhận được sự ngưỡng mộ, kính nể của đông đảo người dân và công chúng. Trong khi đó, liệu có mấy người cũng từng nổi tiếng bằng những trò gây sốc cách đây vài năm mà nay bạn còn nhớ tên?
* Chị đánh giá gì về tâm lý muốn nổi tiếng bằng mọi cách của một số bạn trẻ hôm nay trong thời buổi Internet có thể lan truyền rộng rãi hình ảnh, phát biểu và hành vi của họ?
- Nhu cầu khẳng định và thể hiện bản thân không phải ngẫu nhiên được xếp vào tầng nhu cầu cao nhất của con người theo cách phân loại về nhu cầu của nhà tâm lý học Abraham Maslow (Mỹ).
Trong cuộc sống thường ngày, có thể thấy nhu cầu này gần như là ước mơ, là hoài bão, là dự định của chúng ta. Do đó, không khó để thấy “nổi tiếng” là một giấc mơ của biết bao người – vì nổi tiếng sẽ đi kèm với rất nhiều lợi ích khác nhau vì vậy mà không ít người đã nỗ lực để được nổi tiếng – đây là điều tích cực đáng ghi nhận.
Song do sự tự do của mạng xã hội cùng với những nhận thức còn chưa hoàn thiện về con đường dẫn đến sự nổi tiếng đã khiến không ít bạn trẻ “bằng mọi giá phải nổi tiếng”.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng chỉ là ánh hào quang bên ngoài, nếu bản thân không có nội lực thì sớm hay muộn hào quang cũng vụt tắt. Nếu may mắn, hồ sơ cuộc đời của bạn sẽ có khúc tỏa sáng nhờ hào quang, nhưng nếu đi ngược lại truyền thống, đạo đức để nổi tiếng, hào quang lúc trẻ sẽ là vết ố khi trưởng thành.
Nhận định của tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC AN, giảng viên cao cấp ngành báo chí tại ĐH Bournemouth (Anh): Báo chính thống không cần phải lờ đi, mà nên tiếp cận cẩn trọng Trong thế giới báo lá cải ngày càng nhiễu nhương ở ta, có những “nhà báo” có thể ngồi tán một bài dài để mô tả bộ ngực của J.P là “món quà” và “thuốc quý” cho đàn ông Việt thế nào. Cho nên, B.T không thể không trở thành cơ hội vàng, "một miếng mồi ngon". Tôi suy đoán - một cách rất chủ quan dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu báo chí - rằng nếu nhân vật trung tâm không phải là một cô gái mỹ miều, khả ái thì mọi chuyện có lẽ đã không ồn ào. Nếu nhan sắc các cô chỉ thuộc dạng “làng nhàng” thì tôi đoán hành vi “thả rông” cũng những tuyên bố “xanh rờn” của cô trước công chúng cũng chẳng được để ý đến thế. Về góc độ báo chí, đứng trước sự kiện này, theo tôi, các báo chính thống, nghiêm túc không cần phải lờ đi, mà nên tiếp cận câu chuyện một cách cẩn trọng. Cái cần nhất là một tiếng nói phản bác để công chúng thấy rằng rằng vụ việc này không có gì để làm ầm ĩ như thế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận