02/09/2014 11:14 GMT+7

​Để “thần dân” trở thành “công dân”

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TT - Mỗi người phải tự nâng mình lên để hiểu và sử dụng đúng quyền của mình, biết cách đấu tranh, đòi hỏi để quyền của mình được tôn trọng, được thực hiện.

Các khách mời tham gia bàn tròn “Niềm tin và pháp quyền”: luật sư Trương Thị Hòa, luật sư Lê Minh Phiếu, tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa (từ phải sang) - Ảnh: Tiến Long

​Luật sư Trương Thị Hòa nhận định như vậy khi tham gia bàn tròn “Niềm tin và pháp quyền” do báo Tuổi Trẻ tổ chức.

69 năm trước, một nhà nước pháp quyền trong mơ lần đầu tiên đã xuất hiện tại Việt Nam và nay nhà nước pháp quyền ấy vẫn đang được xây dựng, vẫn đang là khát khao của hàng chục triệu người.

Dịp lễ 2-9 không chỉ là dịp nghỉ ngơi và vui chơi, khi những bận rộn đời thường lắng xuống, mỗi người dân quan tâm đến vận mệnh và tương lai đất nước còn nhìn lại 69 năm độc lập và trưởng thành của nước mình.

Bàn tròn với chủ đề “Niềm tin và pháp quyền” được tổ chức trong tâm thế ấy. Cùng tham gia với luật sư Trương Thị Hòa còn có tiến sĩ luật Phạm Duy Nghĩa (trưởng khoa kinh tế luật ĐH Kinh tế TP.HCM) và luật sư Lê Minh Phiếu.

"Hiểu được rằng sống theo luật pháp là để bảo vệ chính mình và những người xung quanh, khi ấy chúng ta có nhà nước pháp quyền"

Luật sư Trương Thị Hòa

"Mỗi người dân phải là một công dân với đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình. Sau những thăng trầm lịch sử, cơ may đi đến tương lai ấy lại đang mở ra cho Việt Nam..."

Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa

"Hai điều chính yếu cần phải thực hiện trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền:

1. Thức tỉnh quyền công dân,

2. Kiềm chế sự lạm quyền của nhà nước"

 Luật sư Lê Minh Phiếu

Luật pháp phải rõ ràng, chính xác

* Luật sư Trương Thị Hòa

- Khái niệm nhà nước pháp quyền mới xuất hiện chính thức trong Hiến pháp và các văn bản pháp quy từ năm 2001, nhưng tư tưởng về nhà nước pháp quyền thì đã có từ lâu, trước khi chúng ta giành được độc lập.

Nguyễn Ái Quốc cùng nhóm nhân sĩ yêu nước đã viết trong bản yêu sách gửi đến thực dân Pháp, và được chuyển sang thể lục bát để phổ biến trong dân chúng: “Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”.

Tôi nghĩ câu này rất hay, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và đầy đủ ý nghĩa.

Trước hết, “trăm đều” tức cả trăm, cả vạn chuyện trong đời sống đều phải có pháp luật, phải được quy định và hạn chế bằng luật.

Sau nữa, “thần linh pháp quyền” khẳng định sức mạnh của pháp luật, một sức mạnh mang tính linh thiêng, phải được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh.

Tất nhiên, đó phải là một pháp luật đúng, theo kịp đời sống, bảo vệ quyền lợi và phục vụ cho đời sống con người, những quyền mà người ta đã mang theo từ khi sinh ra.

* Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa:

- Tôi đồng ý. Luật không đơn giản là những quy định ghi trên giấy, không đơn giản là những điều luật được đặt ra bởi Quốc hội.

Để đi đến được nhà nước pháp quyền thượng tôn pháp luật, thì từng điều luật phải được xây dựng như một nguyên tắc sống mang tính chất quy luật của khoa học tự nhiên, điều chỉnh hành vi của tất cả các thành phần trong xã hội: thuận theo luật thì sẽ có một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, thịnh vượng; không thuận theo thì hậu quả xấu và sự trừng phạt cũng đến như một lẽ tất yếu.

Khi đó, chúng ta sẽ có “thần linh pháp quyền”, luật sẽ trở thành thiêng liêng, sẽ là niềm tin của tất cả mọi người.

Hiện giờ, theo quan sát của tôi thì chúng ta vẫn mắc kẹt trong chủ nghĩa thực chứng: luật bị hiểu bó hẹp là những quy định trên giấy, luật là của nhà nước chứ không phải của nhân dân.

Tư duy này sẽ dẫn đến ý thức phản kháng lại luật, tìm cách lách luật.

Nhà nước pháp quyền với chúng ta còn quá mới, chưa có đủ cơ hội và thời gian để có thể đòi hỏi đi đến tư duy từng người dân, nhưng con đường này chúng ta đang đi và phải đi, phải trở thành niềm hi vọng của tất cả mọi người.

Trên thế giới hiện chỉ mới có hơn 20 nước phát triển xây dựng thành công nhà nước pháp quyền, điều đó cho thấy rõ sự khó khăn và yêu cầu rất nhiều nỗ lực.

Tất nhiên, yêu cầu người dân tuân thủ luật thì dễ, yêu cầu quan chức, những người có quyền tuân thủ luật mới khó, nên con đường đi đến nhà nước pháp quyền, đi đầu phải chính là nhà nước.

* Luật sư Lê Minh Phiếu:

- Khái niệm “luật thuận theo tự nhiên, là nguyên tắc, quy luật sống” ở Việt Nam có vẻ còn xa lạ. Ở đây, các điều luật của chúng ta là luật thực định, áp dụng căn theo từng văn bản, câu chữ.

Xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng tàn dư của mô hình kinh tế chỉ huy vẫn còn khá nặng nề trong đời sống pháp luật Việt Nam, điển hình là cơ chế xin - cho.

Trong thực tế có rất nhiều điều luật quy định không rõ ràng, dẫn đến nhiều cách diễn giải, dẫn đến phải có thêm những văn bản dưới luật, thêm những hướng dẫn bằng công văn. Khi xử lý gặp tình trạng đó, các cơ quan nhà nước lại thường diễn giải theo hướng có lợi cho nhà nước.

Người dân muốn có quyền lợi cho mình thì phải xin, hoặc thực hiện nhiều cách vận động không chính thức khác... Điều này sẽ dẫn đến việc niềm tin của người dân vào pháp luật, nhà nước bị tổn thương.

Yêu cầu trước tiên của nhà nước pháp quyền là luật pháp phải rất rõ ràng, chính xác, không thể có nhiều cách diễn giải, phải đảm bảo được quyền và những lợi ích cơ bản của người dân.

Nhà nước pháp quyền đòi hỏi sự ý thức, chấp hành pháp luật từ phía chính quyền và người dân, trong đó sự chấp hành của chính quyền là yếu tố quyết định.

Bởi lẽ, những hình thức chế tài khi không tuân thủ pháp luật bao giờ cũng dễ được áp dụng với người dân hơn.

Do vậy, không thể đổ lỗi, viện cớ người dân thiếu ý thức, thiếu hiểu biết pháp luật để giải thích cho việc nhà nước pháp quyền chậm hình thành, phát triển.

Ngược lại, chính quyền cần có thêm những cơ chế, quy định để tăng tính giải trình, tính chịu trách nhiệm của mình, nâng cao giám sát với chính cơ quan nhà nước, và tăng tính độc lập của hệ thống tư pháp để có thể áp dụng chế tài với những cán bộ, công chức hay cơ quan vi phạm pháp luật.

Quyền lực phải được kiểm soát

* Luật sư Trương Thị Hòa:

- Ai nắm quyền cũng có xu hướng lạm dụng quyền lực, do vậy, quyền lực phải được kiểm soát. Hiến pháp 2013 đã nêu rõ tám chữ “công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm” quyền công dân.

Quyền làm chủ trực tiếp của công dân cũng được nâng cao bằng trách nhiệm giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Vấn đề là ở chỗ: nhà nước phải tạo cơ chế, điều kiện cho việc giám sát, kiểm soát ấy.

Qua quan sát của tôi, dù còn nhiều hiện tượng tiêu cực nhưng “mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”, phải công bằng mà nhìn nhận rằng pháp luật của chúng ta đang ngày càng phát triển và tốt lên, ở một số điều luật cụ thể cũng đã tiệm cận, đã “phẳng” được với thế giới.

Và nếu chỉ đặt nặng vai trò nhà nước thì không đủ, từng người dân đều có vị trí quan trọng của mình trong nhà nước pháp quyền, xã hội công dân.

Mỗi người phải tự nâng mình lên, về trình độ, về nhân cách để tìm hiểu rõ và sử dụng đúng quyền của mình, biết cách đấu tranh, đòi hỏi để quyền của mình được tôn trọng, được thực hiện, biết cách giữ gìn để hoạt động của mình không gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người khác. Khi đó, pháp luật sẽ thật sự đi vào đời sống, trở thành cuộc sống.

Điều này rất quan trọng. Trong công việc thực tế, tôi gặp những người dân không hề dám tiếp cận với tòa án trong khi quyền lợi của mình bị xâm phạm nghiêm trọng, lại cũng có những người đã được giải quyết hợp tình hợp lý nhưng vẫn kéo dài khiếu nại.

Cả hai hiện tượng đó đều do thiếu hiểu biết pháp luật mà ra.

* Luật sư Lê Minh Phiếu:

- Trong công việc của luật sư, bản thân tôi cũng thường xuyên gặp những người mang ý thức “thần dân” chứ không phải “công dân”.

Điều đáng buồn đó dẫn họ đến những phản ứng tiêu cực: những ngày thường, họ tìm cách chống lại luật; khi gặp rắc rối, có khi trở thành người bị hại, họ không tìm đến những thiết chế, thủ tục pháp luật quy định để đòi hỏi công lý và quyền lợi mà lại chọn hoặc là “bỏ qua”, hoặc là dùng những biện pháp bất hợp pháp.

Những phản ứng này đều sẽ dẫn đến những tổn hại cho nhà nước pháp quyền, làm gia tăng tội phạm, gây rối ổn định xã hội.

Nguyên nhân có thể thấy ngay là do họ không có niềm tin vào hệ thống pháp luật. Tôi mong số lượng người này sẽ ngày càng ít đi.

Điều vui là ngày càng có nhiều người có ý thức công dân rất mạnh mẽ, họ đang đấu tranh bằng cách này hay cách khác cho một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thay vì xem điều đó như là một hiện tượng bình thường và cần thiết phải tồn tại trong một xã hội lành mạnh, đôi khi tôi thấy phản ứng của chính quyền đối với một số trường hợp là hơi quá mức.

Nên nhìn nhận những hiện tượng đó như là một cơn đau, biểu hiện của cơ thể khi bên trong có vấn đề về sức khỏe, và chỉ có quyền xử lý khi có vi phạm pháp luật.

Kìm nén hiện tượng, phản ứng ấy chỉ giống như uống thuốc giảm đau, tự đánh lừa cảm giác, trì hoãn những triệu chứng chứ không thể chữa được bệnh. Điều này sẽ làm suy giảm ý thức công dân của cả cộng đồng, làm mất nguồn lực cho sự thay đổi.

Tôi hi vọng cùng với những cam kết về quyền con người, mọi hành động, chính sách vì mục đích phát triển con người của Chính phủ, mỗi người Việt Nam sẽ phát triển bản thân thành một công dân Việt Nam đúng nghĩa, và công dân ấy tin vào nhà nước pháp quyền.

* Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa

- Chúng tôi vừa thực hiện một nghiên cứu về giải quyết tranh chấp đất đai trong thu hồi đất theo đặt hàng của Liên Hiệp Quốc.

20 năm qua chúng ta đã thu hồi khoảng 1 triệu hecta đất, làm ảnh hưởng đến gần 10 triệu nông dân. Họ mất đất, mất tư liệu sản xuất vĩnh viễn, chịu tổn hại rất nhiều trong quá trình công nghiệp hóa.

Nhưng thống kê cho thấy không tới 10% những tranh chấp này được đưa đến tòa án, đúng ra là địa chỉ nông dân phải tìm đến đầu tiên khi cảm thấy quyền lợi bị xâm hại...

Tìm hiểu về vấn đề này sẽ cho ta thấy nhiều lỗ hổng trong xây dựng nhà nước pháp quyền và niềm tin của công chúng.

Ý thức công dân phải được cả nhà nước lẫn từng người chú trọng để xây dựng, từ thiếu nhi cho đến trưởng thành. Thực tế cho thấy trong đa số quần chúng, nhận thức về quyền của mình rất thấp, điều này dẫn đến việc lạm quyền trong bộ phận còn lại.

Khai sáng từng cá nhân để đánh thức nhân quyền, xây dựng xã hội công dân, nhà nước pháp quyền từng là con đường mà chí sĩ Phan Chu Trinh khởi xướng trăm năm trước và đã thất bại. Nay vận hội ấy lại đang một lần nữa đến với chúng ta.

* Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa:

Đo lường niềm tin

Niềm tin nghe như mơ hồ nhưng cũng có thể đo lường được. Chúng ta có thể quan sát, khảo sát, thống kê qua các hiện tượng, sự kiện trong xã hội, đời sống để biết người dân đang đặt niềm tin vào đâu.

Báo chí có vai trò và trách nhiệm trong vấn đề này. Một nền báo chí đích thực sẽ mang đến cho người đọc những thông tin đúng, mang đến cho họ sự thật và lẽ phải, sẽ làm một dung môi tốt để khuếch tán tư duy khai trí và đưa đến sự khai sáng. Khi đó, người ta sẽ tin.

Một công cụ nữa để đo lường niềm tin là hãy nhìn vào những đám tang. Không ai có thể tránh được những nguyên lý nhân quả mang tính vĩnh hằng, và thái độ của người đời sau khi họ nằm xuống sẽ cho thấy điều đó.

Năm ngoái, chúng ta được chứng kiến những dòng người trong đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhìn thấy rõ niềm tin và khát khao của người dân trong đó. “Thần linh pháp quyền” chính là như thế đó.

Một triết gia đã nói: đường về nô lệ thì rất rộng, và đường lên pháp quyền thì rất hẹp. Để đi con đường ấy, mỗi chúng ta phải có một ước mơ và cố gắng vì nó.

 

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên