Cô Nguyễn Thị Thu Vân hướng dẫn học sinh lớp 1/6 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) tập viết - Ảnh: Như Hùng |
Điều dễ nhận thấy là hầu hết các em đều rất vất vả khi phải nắn nót hay gồng mình theo từng nét bút.
Nhiều phụ huynh đã đặt câu hỏi: Có cần thiết phải viết các con chữ theo đúng từng nét, từng ô li? Hầu hết các bé đều không thích, không vui với công việc này. Vậy làm thế nào để học sinh đầu cấp tiểu học vui đến trường, nơi các em phải viết chữ?
Khoa học và thẩm mỹ
Nên tập cho học sinh viết các nét và độ cao của con chữ mà các nhà giáo dục đã đề xuất. Trẻ cần có điểm tựa là ô li, dòng kẻ để giúp các nét trong một con chữ được hài hòa, cân đối.
Thử làm một hoạt động vui: 1. Giáo viên viết một con chữ đơn giản lên bảng (chữ a chẳng hạn), yêu cầu học sinh viết lại vào bảng con. Kết quả nhận được: có em viết rất to (chiếm gần hết bảng con), có em viết vừa, em thì viết quá nhỏ; có em viết nét tròn quá to so với nét còn lại của con chữ... 2. Giáo viên viết lại lần hai, vừa viết vừa hướng dẫn cụ thể về điểm đặt bút, dừng bút, độ cao... Yêu cầu học sinh viết lại thì lần này con chữ các em viết sẽ cân đối và hài hòa hơn.
Càng về sau (các lớp lớn) khi kỹ năng viết đã được hình thành thì bàn tay các em quen với độ cao của con chữ, các em sẽ viết nhanh và không cần quá để ý đến chúng.
Quy trình viết các con chữ như đề xuất của các nhà sư phạm nhằm giúp kỹ thuật viết được nhanh hơn. Trẻ viết liền mạch một chữ, nối từ nét này đến nét khác mà không phải nhấc bút lên, đặt bút xuống nhiều lần.
Ngoài ra, sự kết hợp các con chữ trong một chữ thành một thể thống nhất vừa thể hiện tính thẩm mỹ vừa thể hiện đặc trưng của chữ Việt, đó là ngôn ngữ không biến hình và một chữ (khi viết, khi nhìn) tương đương một tiếng (khi nói, khi đọc, khi nghe).
Tránh tạo áp lực
Cần tạo cho trẻ lớp 1 niềm vui thích và động cơ học tập ngay trong những ngày đầu đến trường. Tổ chức cho trẻ hoạt động để các em thấy ý nghĩa và sự cần thiết của việc viết chữ. Có thể thực hiện hoạt động vui như đề cập. Tuy nhiên sau khi học sinh viết, tổ chức cho các em xem con chữ của các bạn rồi so sánh với chữ của mình để tạo sự hứng thú và nhìn thấy sự khác biệt.
Từ sự so sánh chủ động và tích cực này, giáo viên giúp học sinh nhận thức rằng để tất cả các bạn đều viết đúng và đẹp, khi viết chữ cần tuân theo yêu cầu về độ cao, quy trình viết (đẹp được hiểu là sự cân đối của chữ viết).
Đừng vội yêu cầu trẻ phải tuân thủ ngay các quy định trong viết chữ. Đầu tiên chỉ cần trẻ thực hiện đúng quy trình viết. Sau đó viết đủ nét đến viết các nét đúng độ cao. Không nên yêu cầu phải thật chính xác độ cao, chỉ cần tương đối sẽ giảm áp lực viết chữ cho trẻ. Việc quá cẩn trọng trong từng chi tiết sẽ làm học sinh thấy việc viết chữ là một “cực hình”. Nếu trẻ viết đẹp và có khuynh hướng yêu thích viết chữ đẹp, giáo viên bồi dưỡng thêm cho trẻ đó thôi...
Với mỗi bước giáo viên nên công nhận mặt thành công của học sinh để động viên, khuyến khích. Điều này giúp học sinh cảm nhận việc học nhẹ nhàng và giờ học thoải mái.
Giáo viên cũng nên tạo cơ hội cho học sinh được chia sẻ, cùng xem bài viết của nhau, mỗi bạn tự nhận xét bài của mình. Giáo viên sẽ giúp các em điều chỉnh trên cơ sở học sinh tự nhận xét và đề nghị. Tránh so sánh theo kiểu quá khen ngợi em này mà chê bai em khác.
Không ép buộc đại trà Viết đẹp thuộc năng khiếu và sở thích của cá nhân, không ép buộc đại trà, không bắt học sinh phải thật đẹp, thật đều, phải nét thanh nét đậm... Nhưng có lẽ thật khó chấp nhận (hoặc cần một thời gian rất dài để chấp nhận) việc con em chúng ta viết tiếng Việt như những học sinh nhiều nước phương Tây, viết chữ in cho tất cả các con chữ thay vì viết có nét cong, nét thẳng, có nét khuyết, nét móc, các con chữ trong một chữ được nối liền nhau thành một thể thống nhất... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận