TS Phạm Thế Anh - Ảnh: N.Khánh |
Việt Nam và vị trí trên thế giới |
|
Môi trường kinh doanh thuận lợi |
99/189 |
Chỉ số phát triển con người |
127/187 |
Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2013 |
116/175 |
Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013-2014 |
70/148 |
Cơ sở hạ tầng |
82 |
Y tế và giáo dục cơ bản |
67 |
Giáo dục và đào tạo đại học |
95 |
Nhưng ngay cả khi có những con số thống kê GDP “thật” cũng chưa đủ để đánh giá chất lượng tăng trưởng.
* TS Phạm Thế Anh (trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô, Trường ĐH Kinh tế quốc dân):
Không nước nào tính GDP nhanh như VN
Các cơ quan thống kê nước ngoài mặc dù cũng trực thuộc chính phủ nhưng họ có sự độc lập và khách quan để cho ra con số đáng tin cậy.
Ở VN, bên cạnh lý do hệ thống cung cấp và quản lý số liệu thống kê còn lạc hậu, chậm trễ, chồng lấn và không đầy đủ thì lãnh đạo bộ ngành và địa phương có ảnh hưởng rất lớn tới số phận chính trị của lãnh đạo các cơ quan thống kê cơ sở. Vì vậy, nếu có “bệnh thành tích” như nhiều người nêu thì số liệu thống kê rất dễ bị sai lệch, không đáng tin cậy.
Bản thân cách tính GDP ở VN cũng còn bất cập. GDP hằng quý thường được công bố vài ngày trước cả khi quý kết thúc. Điều này tưởng là tính kịp thời của số liệu rất cao, nhưng thực tế chứng tỏ cơ quan thống kê đã không sử dụng hết thông tin của kỳ thống kê.
Nếu làm thật, GDP phải tính hết giá trị của mọi hàng hóa và dịch vụ mà hàng trăm nghìn doanh nghiệp trong nền kinh tế tạo ra trong một quý (hay năm). Điều này đòi hỏi phải có hệ thống báo cáo và quản lý dữ liệu hiện đại và cần rất nhiều thời gian, công sức. Nhưng con số GDP ở VN thường có rất nhanh, trên thế giới không có quốc gia nào cho ra được số liệu GDP nhanh như vậy.
Tất nhiên, con số mà Tổng cục Thống kê chỉ là ước tính và sau đó họ có thể hiệu chỉnh lại. Tuy nhiên, điều khác lạ là con số hiệu chỉnh của VN thường là tăng! Và con số hiệu chỉnh luôn rất sát với con số ước tính ban đầu. Liệu đó có phải là do năng lực thống kê của chúng ta nhanh và chuẩn đến thế?
Không chỉ có GDP, phương pháp tính và cách công bố số liệu thống kê của VN còn kém tin cậy và minh bạch ở nhiều chỉ tiêu khác. Ví dụ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được cấu thành bởi hàng trăm loại hàng hóa khác nhau, nhưng Tổng cục Thống kê chỉ công bố chỉ số tổng hợp hoặc một vài nhóm hàng hóa lớn.
Thực tế, con số GDP không phải “thân thiện” với đời sống người dân, người dân không cần GDP tăng mạnh rồi chỉ một bộ phận nhỏ được hưởng lợi, còn đa số chịu rủi ro vì tăng lạm phát. Điều cần ở VN là làm sao tăng chất lượng GDP để nền kinh tế mạnh lên, chất lượng cuộc sống của người dân tăng cùng với sự gia tăng quy mô nền kinh tế.
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái - Ảnh: V.Dũng |
* GS.TSKH Nguyễn Quang Thái:
Coi trọng những chỉ số khác
Trên thực tế, GDP chỉ là “cái bóng” phản ánh kết quả hoạt động của nền kinh tế. Nó chỉ nêu được quy mô nền kinh tế, tính được tốc độ và cơ cấu kinh tế, nhưng không phản ánh được chất lượng cuộc sống của người dân, các yếu tố khác như môi trường, y tế, giáo dục...
Có nhiều chỉ số khác mà thế giới dùng để đánh giá, ghi nhận trực tiếp từ những gì người dân được hưởng, cảm nhận thấy và đánh giá cần được sử dụng, coi trọng. Như chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) hay chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), chỉ số Doing Business của Ngân hàng Thế giới (môi trường kinh doanh)...
Mỗi chỉ tiêu có một nội dung, phản ánh một mặt nhất định, do đó không nên tuyệt đối hóa. Nếu chỉ tiêu GDP có thể được đề ra phản ánh thực tế hoạt động kinh tế và ý chí của lãnh đạo, tạo cơ sở tăng việc làm, đầu tư công... thì các chỉ số đo đếm cảm nhận của người dân có thể được đánh giá tốt nếu các chỉ số này phản ánh những gì người dân được thụ hưởng trên thực tế và được phản ánh trong các cuộc điều tra thực tế.
Do đó cùng với GDP, các chỉ tiêu khác cũng có thể được đưa vào nghị quyết các tỉnh thì bức tranh kinh tế - xã hội sẽ phản ánh toàn diện hơn, cuối cùng mang lại hiệu quả cho đất nước và người dân.
Bùi Kiến Thành - Ảnh: C.V.K |
* Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành:
Lấy con người làm trọng tâm trong điều hành
Những con số ảo chỉ đáp ứng nhu cầu của những người làm điều hành, nó không giúp ích cho việc phát triển, cải thiện chất lượng sống của người dân.
Trong thời buổi kinh tế toàn cầu, những con số thống kê không chỉ “trong nhà” biết với nhau mà cả thế giới, người “bên ngoài” cùng nhìn vào đó. Cần biết phía trước mình có gì, nhìn thẳng những khó khăn mới tránh được những rủi ro. Khi thống kê và dự báo nên lấy con người làm trọng tâm, trong đó nên đề cao sự hài lòng, niềm tin của người dân.
C.V.KÌNH - NHƯ BÌNH ghi
TS Nguyễn Đức Thành (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR): Cần có sự tham gia của tổ chức tư nhân, độc lập Không chỉ có GDP, chúng ta có rất nhiều chỉ số mà cơ quan quản lý có thể dựa vào đó điều hành. Tuy nhiên, tính xác thực của các con số này chưa cao dẫn đến có sự khập khễnh giữa kết quả và thực tiễn. Không nên tranh luận điều hành theo con số nào, chỉ tiêu nào, dù tính tăng trưởng theo GDP hay chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp hay bất cứ chỉ tiêu nào thì cũng cần có những con số chính xác. Các chỉ số tồn tại được và có ý nghĩa khi nó chính xác, đáng tin cậy. Theo tôi, trong công tác thống kê hiện nay cần có sự tham gia của tổ chức tư nhân, độc lập, điều này cũng tránh được tình trạng chạy đua theo thành tích, tăng trưởng ảo.
TS Lê Đăng Doanh: So với các nước thay vì so với chính mình - Hệ lụy của nạn “thống kê trùng, tăng trưởng ảo” trước hết là căn bệnh “thành tích chủ nghĩa”, “năm sau cao hơn năm trước”, chạy theo tăng trưởng về số lượng, không coi trọng các yếu tố chất lượng, không coi trọng tăng trưởng bền vững và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tác hại là các địa phương đua nhau tăng đầu tư công để đạt tốc độ tăng trưởng GDP thật cao, dẫn đến lãng phí, tham nhũng, hiệu quả đầu tư công bị giảm sút nghiêm trọng, làm tăng chi ngân sách, tăng nợ công của Nhà nước. Việc chạy theo số lượng một chiều cũng dẫn đến khai thác quá mức tài nguyên đất đai, hầm mỏ, rừng biển, làm gia tăng ô nhiễm môi trường sống. Việc tính trùng sản phẩm một hạt gạo hai ba tỉnh đều nhận là của mình (tỉnh sản xuất ra, tỉnh thu mua được, tỉnh xuất khẩu) dẫn đến sự ngộ nhận về thành tựu kinh tế, về năng lực chỉ đạo của cấp tỉnh, huyện, xã. Cũng từ lâu, chuyên gia kinh tế đã than phiền về sự can thiệp của cấp ủy, chính quyền địa phương vào công tác thống kê, về các chỉ tiêu kinh tế của địa phương để bảo đảm các chỉ tiêu kế hoạch của địa phương luôn hoàn thành vượt mức, tạo ra một bức tranh không thật của kinh tế địa phương. Về lâu dài, nên công bố chỉ số GDP và chỉ số GNI (Gross Net Income), tức thu nhập ròng của nền kinh tế theo công thức GNI = GDP + thu nhập sở hữu - chi trả sở hữu, vì bên cạnh doanh nghiệp VN đầu tư ra nước ngoài chuyển lãi về nước nhà (thu nhập sở hữu) thì các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng chuyển lại về nước họ (chi trả sở hữu) và con số này ở nước ta là không nhỏ. Ví dụ năm 2012, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã chuyển ra ngoài nước ta khoảng 7,5 tỉ USD, làm giảm GDP/người khoảng 200 USD. Cũng cần lưu ý chỉ số GDP do Tổng cục Thống kê nước ta công bố có khoảng cách so với chỉ số do các tổ chức tài chính quốc tế (như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á...) công bố. * Nhìn vào con số GDP được công bố hằng năm, người dân rất khó cảm nhận được VN đang đứng ở đâu trong thế giới này, chẳng hạn như trong mười năm gần đây GDP chưa bao giờ dưới 5% nhưng thậm chí tại một cuộc họp tổ đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảnh báo “VN có thể tụt hậu so với cả Lào và Campuchia”...? - Sự thật là tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta trong những năm gần đây thấp hơn nhiều nước trong khu vực, song báo cáo Quốc hội thì chỉ thấy nhấn mạnh mức tăng trưởng “năm sau cao hơn năm trước”. Ví dụ theo bảng số liệu công bố ngày 7-4-2014 của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta thấp hơn Lào, Campuchia, Philippines, Mông Cổ và Trung Quốc; khoảng cách giữa VN và Lào, Campuchia đang thu hẹp trong khi chênh lệch so với các nước khác trong khu vực đang giãn ra. Vì vậy, cần công bố công khai cho toàn dân biết để góp phần làm cho kinh tế nước ta tăng trưởng phù hợp với tiềm năng, hiệu quả, theo kịp các nước trong khu vực. * Ngay cả khi công bố được con số GDP “thật”, người dân cũng chỉ thấy được tốc độ tăng trưởng mà không thể cảm nhận được chất lượng của tăng trưởng đó? - Trên thế giới, nhiều tổ chức độc lập đã công bố những chỉ tiêu và xếp hạng về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), về môi trường kinh tế của Ngân hàng Thế giới, về chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI)... Các công bố trong những năm gần đây cho thấy nền kinh tế nước ta được xếp hạng trung bình thấp và chậm tiến bộ. WEF xếp năng lực cạnh tranh của VN thứ 70/148 nền kinh tế, thấp xa so với nhiều nước trong khu vực, trong đó: thể chế, tổ chức xếp thứ 98, giáo dục - đào tạo thứ 95, tức là thấp hơn so với xếp hạng của nền kinh tế. Xếp hạng về môi trường kinh doanh của VN thứ 99/189 nền kinh tế, thấp xa so với Thái Lan, Trung Quốc. Chỉ số cảm nhận tham nhũng do TI xếp hạng thứ 116, thấp xa so với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. Còn có thể liệt kê tiếp các bảng xếp hạng khác nữa. Nước ta đã hội nhập quốc tế, tức là tham gia cuộc chạy đua theo luật chơi chung, nước ta phải so sánh mình với các nước khác cùng chạy trên đường đua ấy thay vì chỉ tự so sánh với chính mình trong quá khứ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận