“Zoom” vào một năm Zoom

HOA KIM 26/12/2020 00:00 GMT+7

TTCT - 2020 có thể là năm đáng nhớ nhất với Zoom, nhưng nếu phóng to bức tranh phát triển của ứng dụng gọi video và hội họp trực tuyến này trong năm qua, có thể thấy vị đắng đang chờ xuất hiện khi nếm trái ngọt chưa được bao lâu.

Học thời Zoom. Ảnh: CNN

Một năm sau, khi thế giới rơi vào khủng hoảng vì đại dịch COVID-19, Zoom gần như chuyển mình sau một đêm từ một phần mềm “ngách” gần như chỉ phổ biến trong giới công nghệ trở thành một ứng dụng phổ thông, một cái tên người ta nghĩ đến đầu tiên khi cần tổ chức họp hành, dạy học trực tuyến, hay đơn giản là kết nối với bạn bè, người thân trong điều kiện giãn cách.

Zoom được từ các nguyên thủ quốc gia đến linh mục, từ giáo viên đến ca sĩ trên khắp thế giới sử dụng và cũng trở thành một động từ trong cách nói thường ngày, như kiểu người ta vẫn nói “cái này Google là ra” thay vì “cái này tra cứu trên mạng là ra”. Và hơn thế nữa, người ta sẽ nói “chúng ta Zoom nhé”, dù có thể họ sẽ bắt đầu cuộc trò chuyện trực tuyến qua một ứng dụng khác, như Microsoft Teams, Google Meet hay Webex của Hãng Cisco.

Zoom thành công đơn giản vì nó đáp ứng đúng thứ người dùng cần, vào thời điểm người ta cần nó nhất. Đối với nhiều người, nhất là tại những nơi dịch bệnh hoành hành, Zoom là chiếc phao cứu sinh giúp họ duy trì kết nối với thế giới bên ngoài. Phiên bản miễn phí của Zoom giới hạn thời lượng phiên làm việc lên đến 40 phút và 100 người tham dự, trong khi tùy chọn trả phí không giới hạn thời gian gọi và có thêm nhiều tính năng hỗ trợ quản lý.

Kích thích sáng tạo

Vai trò của Zoom với 2020 không chỉ dừng lại ở việc làm một chiếc phao cứu sinh. Phần mềm này đã làm sôi động trở lại cuộc đua cải tiến, thêm tính năng cho các phần mềm hội họp trực tuyến. Từ điểm khởi đầu 2020, đây là lúc để “Thời đại Zoom” tiếp tục phát triển, tối ưu hóa trải nghiệm người dùng.

Ổn định, dễ sử dụng và bảo mật là chuyện đương nhiên phải có với một ứng dụng gọi video. Vì vậy, các công ty muốn tạo sự khác biệt chỉ còn cách tung ra được những tính năng độc đáo thuyết phục người dùng mà không đối thủ nào có. Cả Teams và Webex đều đã bổ sung ít nhất 100 tính năng mới kể từ khi đại dịch bùng phát, chẳng hạn khử tiếng ồn nhắm đến người dùng làm việc từ xa ở nhà trong môi trường có nhiều tạp âm như tiếng trẻ con khóc, chó sủa hay tiếng động cơ xe cộ ngoài đường, hay dùng công nghệ chuyển lời nói thành văn bản để tự động chèn phụ đề cho buổi họp.

Chế độ cùng nhau (Together Mode) của Teams ứng dụng thực tại tăng cường (AR) để ghép những người tham dự hội nghị vào chung một phông nền ảo mô phỏng một phòng họp thông thường, mang lại cảm giác “thật” hơn cho cuộc gọi. Để chiều lòng khách hàng khối chính phủ, Webex thậm chí còn thêm một tính năng mới cho phép các nhà lập pháp bỏ phiếu biểu quyết không khác gì không khí nghị trường thứ thiệt.

“Kết quả trực tiếp của đại dịch là tốc độ đổi mới của chúng tôi phải tăng lên vì công nghệ [gọi video] ngày nay có vai trò chiến lược hơn nhiều so với 5 năm trước” - ông Jeetu Patel, phó chủ tịch cấp cao về bảo mật và ứng dụng tại Webex, nói với Vox.

Zoom và thế giới hậu vaccine

Sau khi “đi trên mây” với mức tăng trưởng chóng mặt nhờ đại dịch, năm 2021 - thời điểm một loạt vaccine đang phát triển dự kiến được đưa vào sử dụng - có thể là lúc công ty này đối diện thực tại không mấy dễ chịu rằng trái ngọt trong năm 2020 sẽ sớm bị thay bằng quả đắng.

Với tốc độ sản xuất và phân phối vaccine như hiện nay, nhiều khả năng chúng ta có thể trở về trạng thái bình thường sớm hơn dự kiến và nhu cầu trò chuyện qua video sẽ giảm mạnh trong năm tới. Giá cổ phiếu của Zoom đã giảm gần 20% vào tháng 11 sau thông tin vaccine của Pfizer đạt độ hiệu quả cao trong các thử nghiệm giai đoạn cuối, dù vẫn ở mức gần 500% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về phần mình, Zoom cho biết họ hoan nghênh vaccine, dù điều đó đồng nghĩa giá cổ phiếu giảm. “Chúng tôi hi vọng và có ý định cung cấp một dịch vụ đủ tốt mà mọi người muốn sử dụng, dù có dịch bệnh hay không” - Aparna Bawa, giám đốc điều hành của Zoom, nói với Vox.

Tháng 12 năm ngoái, mỗi ngày có trung bình 10 triệu người tham gia các cuộc họp trực tuyến trên nền tảng Zoom. Con số đó hiện nay là 350 triệu người. Zoom là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trong năm trên hệ điều hành iOS và iPadOS, đánh bại các ứng dụng được yêu thích lâu năm như Instagram và YouTube. Doanh thu quý 3-2020 của Zoom là 777,2 triệu USD, tăng 367% so với cùng kỳ năm trước. 

Chưa đợi đến đó, khó khăn cũng đã bắt đầu xuất hiện với Zoom. Các doanh nghiệp đang phải vật lộn cắt giảm chi phí trong thời kỳ suy thoái sẽ ít có khả năng móc hầu bao chi tiêu thêm cho bản quyền phần mềm họp trực tuyến, trong khi họ có thể dùng các sản phẩm đi kèm sẵn với gói phần mềm trả tiền đang sử dụng từ các ông lớn như Microsoft hay Google.

Phân khúc chiếm thị phần doanh thu lớn nhất của Zoom (62%) đến từ các công ty có trên 10 nhân viên, nhưng nhóm khách hàng có 10 nhân viên trở xuống đang tăng nhanh, chiếm 38% doanh thu của công ty so với chỉ 20% vào cuối năm 2019.

Phân khúc khách hàng này đang tăng trưởng khi ngày càng nhiều cá nhân sẵn sàng sử dụng dịch vụ trả phí hơn, nhưng đó cũng là một phân khúc dễ biến động vì những khách hàng nhỏ có thể dễ dàng chuyển sang dịch vụ do một trong những đối thủ của Zoom cung cấp.

Một khảo sát của Enterprise Technology Research cho thấy một nửa số doanh nghiệp được khảo sát sử dụng Zoom, trong khi 75% sử dụng Teams và 30% xài Webex (nhiều công ty sử dụng nhiều phần mềm họp trực tuyến khác nhau). Nếu chỉ tính các công ty lớn nằm trong danh sách Fortune 500, thị phần của Teams và Webex tăng trong quý 4-2020, trong khi thị phần của Zoom lại giảm.

Zoom

Mọi thứ sẽ không dừng lại

Đại dịch được chặn đứng (cứ cho là vậy, nếu có đủ vaccine) có thể sẽ kết thúc chuỗi ngày huy hoàng của Zoom, nhưng không nhất thiết đồng nghĩa với đoạn kết dành cho các ứng dụng gọi video nói chung. Một thế giới không còn dịch bệnh chắc chắn không còn nhiều nhu cầu liên lạc trực tuyến như hiện tại, nhưng kết nối từ xa nhiều khả năng sẽ mãi mãi trở thành một phần của các cuộc họp hành, hội nghị, nếu không muốn nói là một phần cực kỳ thiết yếu.

Ngay cả sau đại dịch, nhiều công ty có kế hoạch sử dụng mô hình làm việc kết hợp, trong đó một phần lực lượng lao động của họ sẽ làm việc từ xa ít nhất là một phần thời gian. Theo IDC, thị trường hội nghị truyền hình dự kiến đạt quy mô 9,7 tỉ USD trong năm 2020, tăng hơn so với mức 7,9 tỉ USD vốn đã rất cao của năm nay, trong đó 90% doanh nghiệp tại Bắc Mỹ có khả năng tiếp tục chi tiêu nhiều hơn cho các ứng dụng này.

Về phần mình, các công ty tổ chức hội nghị truyền hình đều mong đợi một thời điểm mà các cuộc họp sẽ diễn ra tự nhiên và từ xa. Mục đích cuối cùng là tháo dỡ mọi rào cản giữa những người có mặt trực tiếp và người kết nối từ xa mà không khiến người này hoặc người kia cảm thấy mình bị đặt vào thế bất lợi.

Các công ty đang tiếp cận thế giới hậu đại dịch từ nhiều góc độ khác nhau. Microsoft đang đầu tư rất nhiều vào các tính năng chú trọng hơn đến hạnh phúc của người dùng, vì nghiên cứu của họ cho thấy làm việc trong thời kỳ đại dịch có những tác động xấu đến mọi người do số lượng cuộc họp tăng lên và thời gian mỗi cuộc họp cũng dài hơn. Cisco cũng sẽ sớm tung ra một tính năng nhằm đảm bảo rằng mọi người trong cuộc họp cảm thấy được lắng nghe, bằng cách phân bổ thời gian phát biểu của mỗi người và những người còn lại sẽ bị tắt tiếng trong thời gian này.

Và giờ đây khi các công ty phần mềm lâu đời như Microsoft hay Cisco đang để mắt đến thị trường gọi video béo bở, sẽ rất khó để Zoom theo kịp và tiếp tục tạo ra sự khác biệt. Người sáng lập Zoom đã úp mở rằng con đường phát triển cho ứng dụng này có thể là trở thành trung tâm của một hệ thống liên lạc mang tính nhân văn hơn. “Tôi muốn một lúc nào đó mọi người có thể bắt tay hoặc trao nhau cái ôm trên Zoom” - Bawa dẫn lại lời CEO Eric Yuan từng nói.■

Ngoài nhiều tính năng tương tự như các đối thủ cạnh tranh, Zoom đã và đang triển khai các nguồn doanh thu tiềm năng mới, chẳng hạn OnZoom, một nền tảng cho phép người dùng bán vé sự kiện trực tuyến và Zoom Apps cho phép người dùng điều hướng đến các ứng dụng hỗ trợ công việc khác như Dropbox và Slack ngay trong giao diện Zoom.

Zoom quả quyết những tính năng mới này là sự bổ sung hiển nhiên cho bộ công cụ cốt lõi của mình để giúp ứng dụng ngày một tốt hơn. Nhưng nhìn tổng thể, người ta dễ đánh giá các động thái này có thể là dấu hiệu của sự hụt hơi. Những công ty như Zoom được xem là “chú ngựa con một mánh” (one-trick pony), nghĩa là chỉ ngon lành một thứ. Và theo nhà nghiên cứu thị trường Thomas DelVecchio, mỗi khi một công ty công nghệ như thế thông báo sản phẩm mới, “đó là bởi vì sản phẩm hiện tại đã đạt đến ngưỡng tới hạn”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận