Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến trái chiều đã được bàn luận sôi nổi, nhưng tựu trung lại thì đa phần đều bất bình và phản ứng gay gắt.
Không thể phủ nhận nhiều giá trị tích cực mà yoga đã và đang đem lại. Tuy nhiên thời gian vừa qua, không ít những hình ảnh yoga phản cảm tại những nơi không phù hợp đã xuất hiện khá thường xuyên và có chiều hướng ngày càng nhiều.
Cách đây chưa lâu, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một nhóm phụ nữ tại tỉnh Thái Bình tập luyện yoga ngoài đường phố. Sau đó là nhóm nữ du khách khác tạo hình trồng cây chuối tại đỉnh Fansipan, hay điểm săn mây ở Đà Lạt.
Thậm chí, trong nhiều tiệc cưới, người dân vẫn dễ dàng nhìn thấy các yogi (người tập yoga) trong trang phục bó sát, thực hiện nhiều động tác yoga không phù hợp. Người trầm trồ khen ngợi thì ít, nhưng người đỏ mặt, lắc đầu ngao ngán thì nhiều.
Nêu quan điểm về vấn đề này, chị Bích Vân, một giáo viên yoga tại TP.HCM, thổ lộ: "Bản chất của yoga là rèn luyện thân thể và tinh thần, do đó cần sự tĩnh lặng hoàn toàn để tập trung vào từng động tác và hơi thở.
Yogi có thể tập ở địa điểm nào tùy thích, gần gũi thiên nhiên càng tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là bất cứ nơi nào cũng có thể luyện tập. Nếu bạn chỉ thực hiện các động tác vừa phải, phù hợp với thuần phong mỹ tục của đại đa số người dân thì phong trào này nên được khuyến khích, nhân rộng.
Nếu người tập lựa chọn trường phái yoga có nhiều động tác khó và phức tạp, dễ để lộ các đường nét hình thể thì buộc phải cân nhắc chọn lựa nơi tập kín đáo, phù hợp. Cá nhân tôi không bài xích việc tập luyện yoga ở nơi công cộng, nhưng xin đừng biến hoạt động tốt đẹp này trở thành thói khoe khoang, thể hiện, phông bạt với đời".
Nhận xét về mặt trái cùng những biến tướng của trào lưu yoga nơi công công, nơi tôn nghiêm của một số yogi hiện nay, chị Xuân Đào, giáo viên yoga tại Nha Trang, nói: "Yoga đã được công nhận là một môn thể thao, nhưng không phải là môn biểu diễn.
Cá nhân tôi nghĩ rằng triết lý cốt lõi của nó cũng nên được quán triệt. Yoga có sự khác biệt so với thiền, nhưng xét về bản chất thì yoga vẫn là hoạt động hướng vào bên trong, là cân bằng thân - tâm - trí. Hơi buồn một chút vì hiện nay một số nhóm người đang có sự sai lệch trong mục đích khi đến với môn này".
Chị Thanh Xuân, một giáo viên tại quận Tân Phú, tỏ rõ quan điểm, mặc dù chị cũng tập yoga gần 10 năm nhưng chị cực kỳ dị ứng với kiểu phô diễn của một số chị em hiện nay.
"Trang phục yoga thường ôm sát cơ thể, tạo sự thoải mái cho các động tác, nhưng nghĩ sao lại chổng mông, bẻ người trước nhiều ánh mắt như vậy. Nguy hại và ảnh hưởng nhất vẫn là bọn trẻ. Nếu chúng nhìn thấy nhiều hình ảnh yoga nhạy cảm ấy, rồi đọc được các bình luận khen chê có cả thì rất bị ảnh hưởng đến quá trình phát triển nếp sống, lối nghĩ sau này".
Việc tập luyện yoga với nhiều thao tác nhạy cảm, trang phục không phù hợp tại các nơi công cộng, như: đường phố, công viên, khu du lịch, khu danh lam - thắng cảnh, viện bảo tàng, khu di tích lịch sử,... không chỉ đơn giản là vi phạm thuần phong mỹ tục, mà còn gây mất an toàn, an ninh.
Đừng diễn lố
"Nói thật là từ ngày bà xã tôi tập yoga, tôi thấy cô ấy bớt kêu ca mất ngủ và đau nhức, bớt càm ràm chồng con. Thay vào đó, vợ tôi cười nói nhiều hơn, không còn đem mấy chuyện mệt mỏi ở cơ quan về nhà nữa.
Tôi thấy vợ đăng ảnh tập yoga cùng các chị em, nhưng cũng chỉ là các động tác xếp hình đẹp mắt, thể hiện sự dẻo dai, tươi trẻ. Mấy bà, mấy cô ưa sống ảo, tôi kệ, miễn sao không quá lố là được, vì ở nơi đó, họ tìm thấy niềm vui và sự thư giãn thì mắc chi mà cấm đoán.
Mặc dù vậy, tôi là đàn ông, tôi cũng thấy khá lố lăng và xấu hổ nếu vợ tôi tạo dáng yoga nhạy cảm ở nơi công cộng, đặc biệt là nơi tôn nghiêm, rồi chụp ảnh khoe lên mạng xã hội", anh Mạnh Linh bộc bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận