Đoàn viên thanh niên khai thông dòng chảy tại rạch Bàu Trâu, Q.6, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
CAMILA VILLEGAS (người Colombia):
Yêu Việt Nam, xin đừng xả rác
Tôi cùng chồng đến Việt Nam làm việc và rất yêu đất nước này. Đó cũng là lý do chúng tôi cảm thấy cần phải ủng hộ Việt Nam hết sức có thể để đất nước ngày càng tốt hơn nữa, và một trong số những vấn đề chúng tôi quan tâm là môi trường.
Tôi thường thích đến các bãi biển ở Mũi Né, Vũng Tàu, Hồ Tràm... cùng những người bạn nước ngoài của mình dành khoảng 2-3 tiếng đi nhặt rác trên bãi biển. Thỉnh thoảng cũng có vài người dân địa phương tham gia cùng khi họ thấy chúng tôi làm như vậy. Tuy nhiên, đôi khi cũng có vài người cười nhạo chúng tôi.
Trước đây, nếu đi trên đường mà thấy ai xả rác, tôi sẽ nhắc họ nhặt lên, có người nhặt nhưng cũng có người thấy bực mình và phản ứng lại khá gay gắt. Tôi cảm thấy buồn nên sau này tôi không nhắc nữa, chỉ làm việc của mình là không xả rác và tiếp tục dọn rác ở những nơi công cộng như công viên, bãi biển...
CAMILA VILLEGAS
Tôi đặt nhiều hi vọng hơn vào việc những đứa trẻ thấy tôi nhặt rác, có thể chúng sẽ làm tương tự. Nếu đang nhặt rác trên bãi biển mà có ai đó tham gia cùng, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì có thể người đó sau này cũng sẽ tiếp tục làm như vậy. Tôi hi vọng những ai sống ở đây cũng đều yêu Việt Nam thật nhiều, nhiều đến mức ngăn họ xả rác trên đất nơi này.
Gần đây tôi có biết về việc nhiều người đến một địa điểm đẹp ở Hà Nội để chụp hình nhưng lại quên dọn rác khi rời đi. Tôi nghĩ việc người ta tụ họp cùng bạn bè, gia đình rồi mang đồ ăn thức uống đến để vui cùng nhau không thành vấn đề. Vấn đề là sau đó họ quên mất việc dọn rác và giữ cho nơi đó sạch đẹp để người khác còn có thể thưởng thức.
Tôi nghĩ người ta làm bẩn đường phố bởi họ không biết về tầm quan trọng của môi trường và những thuận lợi khi có được một thành phố sạch sẽ. Để giải quyết, tôi nghĩ nên tăng cường giáo dục và thực thi luật hiệu quả. Những chiến dịch làm sạch đường phố nên được triển khai ở mọi nơi, từ trường học đến nơi làm việc, trên đường phố và luôn phải đi kèm với luật pháp, để mọi người có thể nắm thông tin và thực hiện.
Ở nước tôi, khoảng 30 năm trước, người ta cũng từng xả rác rất nhiều ra đường. Nhưng sau đó đã có nhiều chiến dịch diễn ra trong nhà trường và các đường phố công cộng, thêm vào đó, luật mới và các mức phạt cũng ra đời.
Người ta được giáo dục rất nhiều và giờ thì không còn ai xả rác ra đường nữa. Nếu bạn làm điều đó, rất có khả năng người đi đường sẽ "công khai sỉ nhục" và bắt bạn phải nhặt rác lên bỏ vào thùng rác. Điều đó sẽ khiến bạn xấu hổ. Còn nếu cảnh sát thấy bạn xả rác thì tùy vào số lượng rác, bạn có thể bị phạt tiền hay đi tù.
Sống văn minh được thể hiện đơn giản qua những hành vi, ứng xử, trong đó có việc không xả rác bừa bãi.
SHYAM PAUDEL (người Nepal):
Lắng nghe tiếng nói của dân về sinh mệnh rừng
Khai thác rừng để làm nhà là điều rất tự nhiên. Làm nhà từ gỗ, bản thân nó không có vấn đề gì nếu được tiến hành một cách bền vững, như ở Mỹ và Canada, chúng tôi có rất nhiều nhà được làm từ gỗ. Chỉ khi rừng bị khai thác quá mức mới là vấn đề.
Từng công tác trong dự án về giảm mất và suy thoái rừng ở Việt Nam, tôi cho rằng Việt Nam có một lịch sử dài tập trung vào mục tiêu lợi dụng tài nguyên rừng như khai thác gỗ phục vụ mục đích phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đến các yếu tố quản lý hệ sinh thái rừng, các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường có liên quan.
Ở Việt Nam, rừng thuộc sở hữu nhà nước và do đó, nhiều dự án nhà nước muốn triển khai đã diễn ra mà không được tham vấn đầy đủ với nhân dân. Trên thực tế, việc chuyển đổi đất rừng thành các loại đất khác, bao gồm cả đồn điền cà phê... là việc rất phổ biến.
SHYAM PAUDEL
Dự án chặt cây dầu ở Côn Đảo để làm khu tái định cư mà người dân Việt Nam quan ngại là một ví dụ cho thấy công tác tham vấn đã không diễn ra đầy đủ. Việc đốn cây lấy mặt bằng làm khu tái định cư cũng cho thấy đây là ý tưởng khai thác rừng thiếu bền vững của nhà quản lý.
Ở Canada, nơi tôi hiện đang sinh sống, trước khi tiến hành các dự án phát triển, xây dựng liên quan đến rừng, người ta phải đánh giá tác động môi trường và tham vấn cộng đồng nghiêm túc chứ không phải là thủ tục "làm cho có".
Nhà đầu tư phải nêu ra những phương án thay thế khác, lợi ích và hạn chế của nó và tại sao việc chặt bớt một khoảnh rừng là tối ưu. Quá trình tham vấn tiến hành cho tới khi người dân hoàn toàn ủng hộ mới thôi. Đối với những cộng đồng nhỏ, yếu thế, như người dân tộc bản địa, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội đại diện cho họ có thể thay mặt họ lên tiếng.
Ở Ấn Độ, từ những năm 1970 đã có phong trào bảo vệ rừng mang tên Chipko Andolan của phụ nữ trước việc khai phá rừng. Trong tiếng Hindi, Chipko có nghĩa là "ôm". Cách làm của họ là huy động dân làng ra ôm lấy những thân cây để bảo vệ chúng trước lưỡi cưa của công ty khai thác lâm sản.
Việt Nam có những câu như "rừng vàng, biển bạc", vậy tại sao chúng ta lại muốn xóa sổ những cánh rừng khi có thể đây không phải là giải pháp tối ưu và duy nhất? Hãy lắng nghe tiếng nói của người dân.
Nói không với thịt động vật quý hiếm
ANGELICA RODRIGUEZ
Ở Việt Nam, một số người có thói quen chiêu đãi khách quý bằng việc mời đến nhà hàng sang trọng ăn món ăn từ những loài động vật quý hiếm như chồn, cheo, tê tê... Hiện tại, do bị cơ quan chức năng kiểm soát gắt gao nên nhiều nhà hàng đã từ bỏ việc bán động vật quý hiếm, nhưng tại Hà Nội hay TP.HCM vẫn không khó để chúng ta tìm món ăn làm từ thịt chồn, cầy hương hay tê tê.
Tại Colombia và một số nước châu Mỹ Latin, cá heo hồng là một loài vật quý hiếm, được liệt vào danh sách cần được bảo tồn. Tuy vậy, trong một thời gian dài những con cá heo hồng bị ngư dân và người dân sống ở các vùng biển, vùng vịnh thường xuyên săn bắt nhằm biến chúng thành món ăn đặc sản cho khách du lịch.
Nhận thấy công tác truyền thông qua báo đài cũng như đưa ra quy định nghiêm khắc về việc săn bắt các loài vật quý hiếm không hiệu quả, chương trình giáo dục ngư dân đã ra đời. Trong thời gian này, các tình nguyện viên hoặc chuyên gia sẽ đến các vùng mà trước đây thường thấy cá heo để giáo dục ngư dân biết cá heo hồng là loài vật quý hiếm, cũng như cho người dân vùng này biết về hình phạt nghiêm khắc của nhà nước và chính phủ.
Bên cạnh đó, các chương trình còn giải thích với người dân cá heo là một phần của hệ sinh thái biển và khi chúng mất đi, nhiều loài cá khác cũng sẽ theo chúng mà giảm dần, hoặc có thể biến mất. Điều này liên quan đến quyền lợi của ngư dân.
Giáo dục, tuyên truyền người dân nói không với thịt động vật quý hiếm hoặc đưa ra hình thức chế tài nặng là những cách mà nhiều quốc gia đang làm để bảo vệ động vật quý hiếm, nhưng theo tôi, quan trọng nhất là ý thức của mỗi người dân. Cá nhân tôi luôn cho rằng "nói không với thịt động vật quý hiếm" là sự ứng xử văn minh.
ANGELICA RODRIGUEZ (người Colombia) - HÀ MY ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận