16/02/2017 00:58 GMT+7

'Yếu tố Nga' làm Tổng thống Trump nhức đầu

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Việc cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, quan chức chủ chốt thứ hai trong nội các Chính phủ Mỹ, từ chức chỉ sau 3 tuần đảm nhận chức vụ đã gây tổn hại không nhỏ đến uy tín của chính quyền Tổng thống Donald Trump. 

Ông Paul Manafort (phải) - giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump  - trong một buổi vận động tranh cử của ứng viên Trump tại Trump SoHo Hotel - Ảnh: AFP
Ông Paul Manafort (phải) - giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump - trong một buổi vận động tranh cử của ứng viên Trump tại Trump SoHo Hotel - Ảnh: AFP

“Nếu quý vị muốn thì xin hãy chờ đợi thông tin chính thức và đừng tin vào những thông tin vô danh. Đó là những thông tin không dựa trên chứng cứ nào cả

Ông DMITRI PESKOV (người phát ngôn của Điện Kremlin)

Báo New York Times của Mỹ công bố thông tin cho biết ông Flynn đã có những cuộc trao đổi với giới ngoại giao Nga.

Liên lạc với tình báo Nga?

Nhưng nặng nề nhất chính là bài báo của New York Times vào tối 14-2. Bài báo trên trang điện tử cho biết đội ngũ thuộc chiến dịch tranh cử của ông Trump đã có những cuộc tiếp xúc lặp đi lặp lại với các quan chức tình báo Nga vào thời điểm trước ngày bỏ phiếu. Tờ báo hàng đầu của Mỹ cho biết có những bằng chứng ghi âm các cuộc điện đàm cho việc này.

Thậm chí tờ nhật báo của Mỹ còn chỉ rõ một cái tên: Paul Manafort - chỉ huy chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên Donald Trump, từng là cựu cố vấn chính trị ở Nga và Ukraine. Khi bị tờ báo chất vấn, ông Manafort phản ứng: “Đó là chuyện khùng điên. Tôi chưa bao giờ chủ ý nói chuyện với các thành viên lực lượng tình báo của Nga nếu tôi biết họ. Không thể có chuyện là những người đó đeo huy hiệu trên người bảo rằng mình là điệp viên Nga”.

Ngày 15-2, Điện Kremlin đã có phản ứng chính thức với bài báo của New York Times. Ông Dmitri Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin, tuyên bố thẳng tại cuộc họp báo: “Xin đừng tin vào thông tin của báo chí. Vào lúc này thật khó để phân biệt tin thật, tin giả”.

Ông phân tích rằng các nguồn tin của tờ báo lớn nhất ở Mỹ chỉ là nguồn giấu tên và cho rằng “có thể đến lúc sẽ có ai đó chính danh nói ra mọi chuyện cho rõ ràng”.

Thế nhưng các nhà phân tích chính trị cho rằng có khả năng vụ rắc rối chính trị này lan rộng, sau khi có thông tin cho rằng ông Trump đã được thông báo về sự việc trên từ vài tuần trước. Để dập tắt những nguy cơ, bộ sậu của Tổng thống Trump đã lên tiếng nhanh chóng.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 14-2, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer thừa nhận Tổng thống Trump đã không có hành động tức thì để thay cố vấn an ninh quốc gia Flynn dù 6 ngày sau khi nhậm chức, tức vào ngày 26-1, ông đã được thông báo về việc viên tướng 3 sao đã che giấu các quan chức Nhà Trắng, cụ thể là Phó tổng thống Mike Pence, về cuộc hội thoại giữa ông và đại sứ Nga tại Mỹ liên quan đến chính sách của Washington đối với Matxcơva.

Ông Spicer nhấn mạnh vào thời điểm đó, Tổng thống Trump “theo bản năng, cho rằng tướng Flynn không có sai phạm”. Tuy nhiên sau một cuộc điều tra nội bộ, trong đó giới chức Mỹ cho rằng không có bằng chứng về “hành vi sai phạm” của ông Flynn, song việc ông này che giấu bản chất cuộc đàm thoại với giới ngoại giao Nga khiến niềm tin bị “tổn hại”, ông Trump đã chấp nhận đơn từ chức của vị tướng 3 sao này.

Nguy cơ tổn hại lớn

Cũng trong cuộc họp báo này, ông Spicer đã lên tiếng trấn an dư luận khi bác bỏ thông tin cho rằng Tổng thống Trump từng chỉ thị cho ông Flynn thảo luận với giới chức Nga về việc chính quyền mới của Mỹ sẽ rút lại lệnh trừng phạt được áp đặt từ thời chính quyền tiền nhiệm của tổng thống Barack Obama. Ông nhấn mạnh Washington vẫn duy trì chính sách “khắt khe” đối với Matxcơva trong vấn đề Ukraine và hi vọng Nga hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực này.

Trong khi đó giới lập pháp Mỹ, gồm các nghị sĩ Cộng hòa hàng đầu, đã ngay lập tức yêu cầu mở cuộc điều tra sâu rộng để làm rõ tính nghiêm trọng của vụ việc nêu trên. “Việc từ chức của tướng Flynn là một chỉ dấu đáng lo ngại về sự rối loạn trong vận hành của bộ máy an ninh quốc gia” - thượng nghị sĩ John McCain, một tiếng nói có uy tín của Đảng Cộng hòa, nhấn mạnh.

Trong khi đó, nữ thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của Đảng Dân chủ nêu yêu cầu: “Tổng thống Donald Trump nợ người dân Mỹ một lời giải thích đầy đủ về những mối liên lạc của đội ngũ ông ấy với Nga trước và sau cuộc bầu cử”.

Cùng ngày 14-2, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnnell, cho hay nhiều khả năng tướng về hưu 3 sao Flynn sẽ phải điều trần trước Ủy ban Tình báo thượng viện liên quan đến vấn đề trên. Hiện Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng đã thẩm vấn ông Flynn liên quan đến cuộc đàm thoại trên.

Thời gian qua, truyền thông Mỹ đã tuyên truyền mạnh về chuyện tình báo Nga đứng sau các vụ tấn công mạng nhằm làm thay đổi kết quả bầu cử ở Mỹ để có lợi cho ứng viên Donald Trump, dù rằng những cáo buộc đó đều bị phía Nga phản bác.

Đạo luật Logan nghiêm cấm công dân với tư cách cá nhân thương lượng với các chính phủ nước ngoài về các vấn đề bất đồng hay xung đột với Mỹ.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên