15/02/2020 11:55 GMT+7

Yêu thương trao đi

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - 'Quá nửa thành viên nhóm thiện nguyện là học sinh, đồng nghiệp của tôi. Mọi người muốn lan tỏa rằng không phải đợi đến khi giàu bạn mới có thể làm được việc thiện' - cô giáo Trần Thị Nhung tâm sự.

Yêu thương trao đi - Ảnh 1.

Cô giáo Nhung (bìa trái) cùng học trò sẻ chia yêu thương ở Bệnh viện K, Hà Nội - Ảnh: NVCC

Cô Nhung hoạt động trong Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện "Từ trái tim đến trái tim". Hơn 6 năm qua, họ đã đều đặn mang niềm vui đến cho bệnh nhân ung thư cùng bao phận nghèo "xóm chạy thận" và học trò khó khăn vùng cao.

Sau những chuyến đi từ thiện này, sự bao dung sẽ lớn lên, tính ích kỷ ít đi và mình biết quý trọng những gì đang có vì ngoài kia còn biết bao số phận kém may mắn hơn.

VŨ THÚY HÀ

Tình yêu thương đến "xóm chạy thận"

Ghé thăm "xóm chạy thận" ở phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhiều bệnh nhân đang trông đợi cô giáo Nhung. Người phụ nữ trạc 50 tuổi bước ra từ dãy nhà lụp xụp cười hỏi: "Cháu là đoàn cô giáo Nhung à?".

Tôi trả lời không phải, chị phân bua: "Hôm nay nghe báo đoàn cô Nhung đến phát gạo. Mỗi tháng đều đặn Nhung lại đến hỗ trợ chúng tôi...".

Xế chiều, một xe tải nhỏ chở đầy gạo lùi vào ngõ hẹp. Dù cố thế nào xe cũng không thể lùi sâu hơn vì ngách đường "thắt cổ chai". Người phụ nữ dẫn đường sáng tạo bằng cách dùng xe máy chở những bao gạo vào trung tâm xóm. Hơn 6 tạ gạo ngon của Nhật được phát cho 130 bệnh nhân ở đây.

Trời sập tối, người mỗi lúc một đông, hẻm nhỏ trở nên vui nhộn. Ghế ngồi được xếp hai dãy bên đường để người bệnh ngồi chờ nhận gạo. Bất chợt có tiếng thông báo cô Nhung tới.

"Thưa bà con, thời gian trôi đi thật nhanh nhưng ở cuộc gặp gỡ này lại trôi thật chậm, phải không ạ? Tròn một tháng lại được gặp những gương mặt thân thương này là điều chúng cháu vui mừng và chờ đợi lắm" - cô giáo Nhung chào hỏi đầy xúc động.

Gạo trao vào tay bệnh nhân, cô Nhung liền gọi các bạn học sinh nhỏ: "Các con bê giúp cô bác, kẻo tay các bác đau...".

Lập tức các bạn nhỏ đỡ lấy bao gạo từ những đôi tay nổi đầy sẹo lồi vì kim truyền lọc máu của bệnh nhân, rồi theo chân từng người về phòng trọ. Lúc ấy, tôi mới biết những em học sinh cấp II, cấp III này chính là học trò cô giáo Nhung.

Đức Minh, học sinh lớp 7, là người nhỏ tuổi nhất. Minh đeo thẻ thành viên CLB, rụt rè: "Cháu vui vì thấy các bác ấy mừng khi nhận quà. Các bác ốm mà phải sống trong phòng trọ nghèo như vậy thì cháu rất thương".

Minh đi cùng mẹ và anh trai Tiến Đạt học lớp 10. Phần lớn thành viên hôm nay là học sinh, giáo viên và phụ huynh Trường THCS Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) - nơi cô giáo Nhung dạy môn tiếng Anh, đồng thời làm tổng phụ trách Đội...

"Ban đầu cháu thấy sợ khi thăm những bệnh nhân ung thư bị trọc đầu, nhưng dần cháu không sợ nữa mà thấy thương. Rồi cháu nhớ lúc đưa hộp sữa vào tay người bệnh, hộp sữa nhỏ thôi mà họ vui lắm. Sức khỏe yếu nên họ nói một hộp sữa là đủ" - Đạt thỏ thẻ.

Yêu thương trao đi - Ảnh 3.

Cô giáo Nhung và một lá thư sẻ chia của học trò - Ảnh: NVCC

6 năm đều đặn gửi tiền, chưa một lần gặp mặt

Mới hai tháng tham gia, Đạt đã có hơn 10 chuyến đi trao quà đến "xóm chạy thận", Bệnh viện K... - những nơi mà trước đây Đạt chỉ được nghe kể chứ chưa bao giờ chứng kiến tận mắt.

Cậu chưa làm ra tiền để giúp người nghèo nhưng cô giáo khuyến khích có thể góp sức, thế là Đạt và các bạn hào hứng tham gia. Có bạn sau những chuyến đi đã tiết kiệm tiền ăn sáng, sách vở học tập, quần áo cũ tặng bạn xóm nghèo. Còn Đạt rủ thêm cô bạn thân, cả mẹ và em trai cùng đồng hành.

Chị Đặng Thị Kim Nhung, mẹ Tiến Đạt và Đức Minh, ngày trước thường đến chùa góp công đức và cho đấy là một cách tích phúc.

Một ngày, nghe các con kể về chương trình tặng sữa từ thiện của cô giáo, chị đã dùng số tiền công đức ấy đưa cho con góp quỹ. Rồi thu xếp được công việc, chị đi cùng các con trao quà.

Điều chị hạnh phúc nhất chính là hai người con đã học được cách chia sẻ yêu thương. Đạt trở nên trầm tính, biết suy nghĩ cho người khác. Có hôm đi học, Đạt mua nắm xôi chưa kịp ăn thì gặp người ăn xin chìa mũ ở ngã tư đường. Cậu liền bỏ nắm xôi vào mũ người ấy.

Hỏi thì Đạt trả lời: "Nhà mình gần nên buổi trưa về là có cơm ngay, họ ngồi đó cả ngày chắc đói lắm rồi".

Nhiều thế hệ học trò của cô giáo Nhung tham gia chương trình từ những ngày đầu. Có em tốt nghiệp đại học ra trường đi làm hai năm vẫn miệt mài hoạt động, như Vũ Thúy Hà ở Ba Đình (Hà Nội) giờ đã là một trong những trụ cột không thể thiếu của CLB.

"Tôi không có những nhà hảo tâm ủng hộ 50 triệu hay 100 triệu, tôi chỉ có những bạn ủng hộ 50.000, 100.000 đồng, nhưng niềm vui nhân lên rất nhiều bởi lan tỏa tình yêu thương đến với nhiều người hơn" - cô Nhung tâm sự.

Lá thư của cô học trò bé nhỏ

Năm 2014, cô giáo Nhung đi khám bệnh, tình cờ gặp người bạn phát cháo từ thiện ở Bệnh viện K. Cô xúc động, muốn cũng được góp phần đem lại chút ấm lòng cho người bệnh. Rồi cô huy động bạn bè, người thân, học sinh, phụ huynh.

Ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều, dù 5.000, 10.000 đồng cũng đón nhận bằng cả tấm lòng.

Cô còn tự tay dàn dựng các tiết mục văn nghệ do chính học trò mình thực hiện, làm cho không khí buổi trao quà thêm sắc màu, cũng nhờ thế các em tham gia nhiều hơn.

Mục tiêu ban đầu mỗi tuần 200 hộp sữa, đến thời điểm này đã tăng lên 200 hộp mỗi ngày. Kể về những ngày đầu, cô Nhung từng có lúc rớt nước mắt. Nhớ lần cô trò đang cùng nhau vuốt phẳng những đồng tiền lẻ được các bạn học sinh quyên góp, có người đã độc miệng phán việc làm của cô tư lợi cá nhân...

"Vậy điều gì khiến cô tiếp tục?". "Nụ cười trên gương mặt xanh xao của người bệnh. Có thể hộp sữa nhỏ chúng tôi mang đến có giá trị không lớn, nhưng điều quan trọng hơn là họ đón chờ được sẻ chia thương yêu".

Có những nhà hảo tâm mỗi tháng đều đặn gửi tiền vào tài khoản của cô Nhung để góp quỹ, dù 6 năm qua họ vẫn chưa một lần gặp mặt. Hình ảnh xúc động nhất là hôm mưa rét, một học trò đứng đợi trước cửa phòng làm việc của cô giáo Nhung không biết từ bao giờ. Em ấy rụt rè đưa cho cô 100.000 đồng cùng một lá thư viết vội rồi chạy đi.

Lá thư viết rằng: "Đây là số tiền tiết kiệm được, dù ít ỏi nhưng con nhờ cô chuyển đến những người có hoàn cảnh khó khăn. Con bận học nên chưa thể tham gia trao quà được, dù con rất sẵn lòng để đi... Con rất vui vì làm được một việc nhỏ thôi, nhưng cũng đủ để con cảm nhận tình yêu thương được lan tỏa...".

Tác giả bức thư là cô bé học lớp 9...

Giúp các em hiểu được ý nghĩa giúp người

Ở trường, cô giáo Nhung thường lồng ghép kể những câu chuyện hành trình thiện nguyện cho học trò mình nghe.

Khi các em nhặt được 5.000, 10.000 đồng mà không tìm được người đánh rơi để trả lại hay dành dụm được, cô hay khuyên góp vào quỹ từ thiện. Đến ngày trao quà, các em lại được mời đi cùng để trải nghiệm.

"Tuổi các em ít biết dùng tiền làm sao để có giá trị. Nhưng số tiền nhỏ này đủ mua một hộp sữa cho người gặp khó khăn, các em sẽ thấy được giá trị của nó" - cô giáo Nhung tâm sự.

Lớp học của lòng thiện nguyện Lớp học của lòng thiện nguyện

TT - Bỏ lại sau lưng mức thu nhập cao từ các tập đoàn kinh tế, vượt qua những khó khăn về khí hậu Việt Nam, ba năm nay vợ chồng ông Hans Peter Windmer gắn bó với những lớp học dạy nghề cơ khí chế tạo máy miễn phí cho các học viên.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên