13/07/2015 11:26 GMT+7

Yêu thương người sáng tạo bằng cách nào?

KHẢI ĐƠN
KHẢI ĐƠN

TTO - Khán giả thoải mái mua tranh lậu, sách lậu, download cả quyển về, copy lung tung, bàng quan với một chương trình lậu đã khiến cuộc sáng tác của nghệ sĩ trở nên khó khăn và đơn độc hơn.

Truyện tranh Ba tôi của tác giả Thăng Fly được in trong cuốn Cả nhà thương nhau - Ảnh: V.V.Tuân

Chương trình “Quà tặng cuộc sống” phát sóng tác phẩm Ba tôi. Họa sĩ  Bùi Đình Thăng (Thăng Fly) đã tố cáo tác phẩm có ý tưởng, nhân vật, thoại giống nội dung truyện tranh của anh.

Tác phẩm Ba tôi của Thăng Fly đã được Skybooks mua bản quyền và in thành sách. Cùng lúc, “Quà tặng cuộc sống” của Công ty truyền thông Sunrise phủ nhận sự giống nhau bất ngờ này và dọa… kiện Thăng Fly “về hành vi xúc phạm, bôi nhọ công ty này” - theo thông tin từ báo chí.

Câu chuyện của Thăng Fly cho thấy một cái “rọ hai đầu” mà nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam rất thường vấp phải. Khi Internet xuất hiện, đó là cách tuyệt vời để những người muốn sáng tạo và sống bằng nghề của mình tiếp cận với khán giả.

Bằng một blog, fanpage, bằng một account trên các mạng lưới nghệ sĩ, họ giới thiệu tác phẩm của mình, được giới xuất bản hoặc kinh doanh chú ý. Tác phẩm bán được. Nghệ sĩ  trẻ có khán giả và sinh sống được bằng nghề.

Đã qua rồi thời một họa sĩ trẻ phải cầm bức tranh của mình đứng ở cửa hội đoàn nào đó để xin một bậc “đàn anh” chú ý đến, viết cho một câu bình luận hay mòn mỏi trông chờ mình được lên tạp chí.

Những người sáng tác trẻ giờ đây có một cơ hội không biên giới để chào bán bản thân mình và tác phẩm của mình.

Nhưng ở đó tiềm ẩn bên cạnh những cánh tay chìa ra mời họ hợp tác, những khán giả vỗ tay chúc mừng họ có tác phẩm mới, là một thị trường đạo văn, sao chép và làm giả ngày càng lớn khủng khiếp với những món hời không đếm được.

Họa sĩ trẻ sẽ làm gì khi hôm nay họ mừng vui cầm quyển truyện tranh đầu tiên của mình ra đời vừa có nhuận bút, chỉ hai ngày sau đó họ thấy chính tác phẩm của mình đã có bản in giả ngoài những phố sách lậu?

Họ sẽ làm gì nếu hôm nay nhận được vài hợp đồng vẽ tranh quảng cáo, vẽ tranh cho diễn đàn, ngày mai họ thấy hàng trăm trang web online đã sao chép toàn bộ tác phẩm trên blog của họ về web mình mà không một lời hỏi han?

Họ kháng cự thế nào nếu một ngày giở tạp chí ra và phát hiện bài viết mình đã nhiệt tình chia sẻ cho bao nhiêu bạn đọc trên mạng giờ đang nằm lầm lũi trên trang giấy với tên của một người khác?

Họa sĩ Thành Phong (tác giả Long Thần tướng và Sát thủ đầu mưng mủ) nói: “Nếu quyền lợi bị xâm hại, những người mới thường thiệt thòi do không đủ kinh nghiệm xử lý, không có quan hệ đủ rộng để nêu vấn đề lên cho mọi người biết”. Sự cô đơn là vậy. Không có tiếng nói nào bảo vệ người sáng tạo mới càng đẩy họ vào sự cô đơn trước bức tường sáng tạo.

Nhưng nếu sợ mất, sợ bị ăn cắp bản quyền, sợ sao chép rồi cứ thế  giấu hết đi, chàng họa sĩ sợ hãi tìm cách ém nhẹm mọi thứ mình tạo ra hòng “bảo vệ bản quyền” sẽ rơi vào một cái đầu rọ bi kịch hơn: sợ mất bản quyền đồng nghĩa với không dám chia sẻ, mất đối thoại với cộng đồng, không bao giờ có nổi danh tiếng để tồn tại trong giới thưởng thức. Cái đầu rọ thứ hai này cũng tổn thương không thua gì việc tung tất cả lên mạng và bị… chôm tất cả.

Nói về chuyện “bị chôm”, một tay trong nghề khá lâu như Thành Phong còn phải thốt lên: “Các tác phẩm in ấn của tôi hoặc cùng đối tác khác thì phải đăng ký bản quyền, làm hợp đồng tác giả, làm một số kỹ thuật chống hàng giả khi in ấn. Nhưng nếu hot quá vẫn bị làm giả, kể cả khi giả rõ ràng ra đấy thì cũng có những người tò mò mua hoặc xem. Sách chữ thì làm giả, sách tranh thì scan lậu".

Hóa ra người sáng tác cô đơn đến thế. Họ cố giới thiệu mình với khán giả. Họ nỗ lực sáng tạo và đồng điệu với sở nguyện người xem.

Nhưng đôi khi trong cuộc đấu với các công ty, tập đoàn, những đơn vị kiếm tiền tỉ, tiền trăm - họa sĩ bé nhỏ và yếu ớt đã đành - đôi khi họ bị chính khán giả của mình (vì vô tình) đã quay lưng và làm tổn thương.

Những khán giả thoải mái mua tranh lậu, sách lậu, download cả quyển về, copy lung tung, bàng quan với một chương trình lậu đã khiến cuộc sáng tác của nghệ sĩ trở nên khó khăn và đơn độc hơn.

Trong một cộng đồng hưởng thụ tác phẩm lành mạnh, khi người sáng tác đổ công sức lên mạng miễn phí, họ xứng đáng được đáp lại bằng những cuộc tranh đấu công bằng với những đơn vị đã lạm dụng bản quyền của họ.

Trong vụ của Thăng Fly, chưa từng có tiền lệ một làn sóng ký tên ủng hộ họa sĩ trẻ này đã diễn ra trong nhóm những họa sĩ vẽ truyện tranh và người làm thiết kế.

Hashtag #RespectThangFly đã xuất hiện ở nhiều nơi - tôn trọng Thăng Fly - Tôn trọng những người sáng tạo.

Đây không phải là một cuộc đấu tranh giành tiền bạc hay một mất một còn, đó là một cuộc tranh đấu về thái độ, nơi nghệ sĩ xứng đáng được đối xử đàng hoàng. Còn những độc giả đang hưởng thụ tác phẩm mà nghệ sĩ tạo ra, thêm một cái vẫy tay từ chối tác phẩm lậu nghĩa là thêm một sự tôn trọng.

Khi khán giả khước từ kẻ “ăn mảnh” từ sự sáng tạo của người họa sĩ, họ đã góp phần tạo ra một hệ sinh thái lành mạnh hơn trong tác quyền, nơi những hạt mầm được gieo miễn phí từ tranh, truyện, hình vẽ, bài viết, thơ của nghệ sĩ sẽ quay về phục vụ họ.

Nhưng trên tất cả, #Respect có nghĩa là ta sẽ bắt đầu hành động nhỏ đầu tiên để làm héo mòn dần những bản sao chép lậu xấu xa, những kẻ dễ dàng tìm trên mạng rồi copy về ăn hưởng dễ dàng trên công sức của người sáng tạo.

Trong hệ sinh thái của niềm tôn trọng lẫn nhau, khán giả và người sáng tạo sẽ rời xa cái bóng tối nghênh ngang của kẻ sao chép lậu để thăng hoa những tác phẩm và đối thoại mới.

Nếu bạn muốn xem tác phẩm hay, đẹp, muốn được mua vui, hãy một lần tôn trọng “người mua vui” là nghệ sĩ trẻ đơn độc!

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Khải Đơn. Mời bạn đọc chia sẻ suy nghĩ, quan điểm, câu chuyện của mình cùng Tuổi Trẻ Online qua email [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết.
KHẢI ĐƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên