Cô bé Thục Phi năm xưa bây giờ đã là sinh viên - Ảnh: TRẦN MAI
Lúc này, khi tôi kể về câu chuyện của mình, tôi mong các bậc cha mẹ khi đọc những chia sẻ của tôi, hiểu rằng con mình sẽ cả đời ám ảnh khi bị đánh đập, chửi mắng từ cha mẹ; nhớ rằng cha mẹ là người mà đứa con nào cũng dành tình yêu thương và tin tưởng tuyệt đối.
Nguyễn Thục Phi
Trải qua những năm tháng sống trong sợ hãi, Thục Phi đã bước qua ám ảnh và trở thành sinh viên khoa chính trị hành chính Đại học Quốc gia TP.HCM.
Bây giờ Thục Phi đã tự tin để lên tiếng về nạn bạo hành và giáo dục bằng đòn roi. "Sau những trận đòn roi, tôi cảm thấy rụt rè, sợ hãi mọi người xung quanh tôi.
Trong những năm qua tôi ít tiếp xúc với mọi người, không chia sẻ gì hết. Đến tận bây giờ tôi đủ mạnh mẽ để chia sẻ câu chuyện của mình cho mọi người, góp tiếng nói chống lại bạo hành trẻ em", Thục Phi nói.
Tôi đã sống trong sợ hãi
* Thục Phi còn nhớ câu chuyện của 10 năm trước?
- Tôi nhớ rất rõ, lúc đó tôi sống cùng bố mẹ nuôi và hy vọng rất nhiều về tổ ấm. Tôi nghĩ bố mẹ nuôi sẽ yêu thương, chăm sóc tôi, bù đắp những gì tôi bị thiệt thòi.
Nhưng không, tôi được giao rất nhiều việc mỗi ngày, không có giờ học bài hay vui chơi như bạn bè. Tôi luôn bị bố mẹ nuôi đánh đập vô cớ. Những trận đòn nhiều lần và gần như tôi trở thành nơi trút bực bội của bố mẹ nuôi.
Tôi vẫn nhớ mình nhiều lần bị bố mẹ nuôi tát vào mặt, lấy dây điện quất vào người, lột quần áo nhốt vào chuồng gà, dùng dây xích sắt trói trước cột nhà...
Lần tôi bị đánh nặng nhất và được giải cứu chỉ vì bố mẹ nuôi nghi ngờ tôi lấy cắp 500.000 đồng và thay nhau đánh đập, tra khảo. Lần đó tôi bị đánh cả ngày, cơ thể chằng chịt vết bầm, hai mắt tôi sưng húp, không thấy gì nữa.
* Thục Phi có giãi bày hay chia sẻ với bố mẹ nuôi?
- Thật sự tôi rất muốn được chia sẻ với bố mẹ nuôi, chỉ có điều tôi không được quyền đó và cũng không có ai lắng nghe tôi.
Gần như tôi làm gì cũng sai, lời gì tôi nói ra cũng không đúng, đến nỗi cây bút, cuốn sách đã cũ, tôi muốn mua cây bút, cuốn sách mới cũng bị gạt phăng bằng lời nạt nộ, khi tôi tỏ ra buồn vì điều đó sẽ bị đánh vì cái tội ngang bướng.
Vậy đó, khi đòn roi đã có trong tư tưởng thì việc đánh con cái chẳng cần lý do nào cả.
* Thục Phi bị bạo hành như vậy hàng xóm có biết không?
- Có chứ, mọi người điều biết tôi bị đánh, biết rất rõ. Tôi nghĩ mọi người không thờ ơ đâu, chỉ là ai cũng nghĩ đó là việc dạy con của người khác.
Lúc đó việc đánh con là chuyện bình thường, chẳng ai quan tâm lắm, mà nếu có can ngăn cũng không thể can ngăn mãi được. Mọi người chỉ thật sự quan tâm khi tôi không còn sức chịu đựng nữa, nhưng sự can ngăn lúc đó đã quá muộn rồi.
* Trải qua câu chuyện bạo hành, nỗi đau lớn nhất của Phi là gì?
- Nỗi đau thể xác đã lành rồi, chẳng còn vết bầm nào cả. Nhưng tinh thần vẫn hỗn loạn mỗi khi có ai nhắc đến hoặc vô tình thấy hình ảnh một đứa trẻ bị đánh trên mạng xã hội hay trên đường.
Tổn thương lớn nhất là mất hết niềm tin, chẳng có gì đau bằng khi người mình tin tưởng nhất và nghĩ sẽ lắng nghe, che chở, yêu thương, bảo bọc mình lại là người gây ra tổn thương cho mình nhiều nhất.
Đứa trẻ nào cũng vậy thôi, chúng đặt toàn bộ niềm tin vào cha mẹ, khi niềm tin đó mất thì cuộc đời về sau niềm tin cũng ít dần.
Chống lại bạo hành không chỉ đến từ luật
* Vụ bạo hành khiến bé V.A. qua đời ở TP.HCM, Thục Phi có biết không?
- Có chứ, biết nên tôi mới ngồi đây lên tiếng. Nhưng thú thật tôi không dám xem. Tôi không đủ can đảm để đọc và nhìn kỹ bức ảnh của cháu bé.
Tôi vô tình lướt qua tin tức vụ việc thôi nhưng trong đầu ngay lập tức hiện về chuyện của mình dù đã 10 năm rồi. Quá ám ảnh, 10 năm rồi tôi chẳng quên được những ký ức đau buồn đó và chẳng đứa trẻ nào có thể quên được những trận đòn thừa sống thiếu chết của bố mẹ.
* Là một người liên quan đến nạn bạo hành trẻ em, bạn nghĩ cần làm gì để xóa bỏ những sự việc đau lòng tương tự?
- Tôi nghĩ luật pháp cần nghiêm minh và hình phạt thích đáng cha mẹ có hành vi bạo lực với con cái.
Nhưng chống lại bạo hành không chỉ từ luật, tất cả phải khởi đầu từ ý thức của toàn xã hội. Không ai có thể xem việc đánh đập trẻ con là chuyện riêng của nhà người ta mà phải can ngăn kịp thời và báo ngay với hội đoàn thể và những cơ quan pháp luật can thiệp. Can thiệp phải đủ mạnh chứ không thể qua loa được.
Các cơ quan bảo vệ phụ nữ, trẻ em phải lập danh sách những cha mẹ có hành vi bạo hành, phải theo dõi trực tiếp và gián tiếp qua hàng xóm, người thân... và phải qua lại, thăm hỏi đứa trẻ từng bị bạo hành xem chúng nghĩ gì và làm việc với cha mẹ. Luật pháp nghiêm minh phải đi đôi với trách nhiệm và tình thương thật sự từ hội đoàn thể mới mong chấm dứt nạn bạo hành.
* Nếu có một lời nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ, nhất là những cha mẹ đang có tư tưởng "thương cho roi vọt, ghét cho ngọt ngào", Thục Phi muốn gửi điều gì?
- Bất kể một người lớn nào đều từng là đứa trẻ, trước khi làm cha mẹ thì cũng làm một đứa con. Tôi mong các bậc cha mẹ nhớ lại những suy nghĩ khi mình hình thành tính cách đến khi dậy thì, khi bắt đầu trưởng thành.
Lúc đó cha mẹ sẽ thấy mỗi lứa tuổi có suy nghĩ riêng của mình, phù hợp với lứa tuổi đó. Không thể bắt đứa trẻ 5 tuổi suy nghĩ như đứa trẻ 10 tuổi, người 15 tuổi trưởng thành như lúc 30 tuổi được.
Cha mẹ cần tôn trọng những suy nghĩ ấy, có thương con cũng không thể ép con theo suy nghĩ của mình ngay lập tức dù điều đó là đúng.
Cha mẹ cần làm gương cho con, không bạo lực với con cái. Còn rất nhiều cha mẹ thích giáo dục con theo tư tưởng đòn roi, họ không biết mình đang kích thích tính cách bạo lực cho con.
Có lẽ tôi may mắn đón nhận sự yêu thương của rất nhiều người nên bây giờ tư tưởng bạo lực không có. Lúc tôi ở với cha mẹ nuôi, thật sự bị đánh quá nhiều đã nảy sinh trong đầu tôi suy nghĩ bạo lực.
* Những yêu thương Phi nhận được thế nào? Có vẻ như đó là thuốc chữa lành tốt để có được Phi ngày hôm nay?
- Tôi về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi sau vụ việc năm đó. Ở đây, các mẹ rất thương yêu tôi. Chính tình yêu thương đó giúp tôi tự tin hơn.
Tôi học từ các mẹ sự dịu dàng, hiền lành và tôi thấy mình có một gia đình để về. Ở đó tôi không còn phải lo sợ mình làm gì đó không đúng sẽ bị đánh hoặc vô cớ bị hành hạ nữa.
Ngoài ra tôi còn nhận được những tình cảm, chia sẻ của nhiều cô chú mà tôi chưa biết mặt. Chính điều đó đã nâng tôi đứng dậy và bước đi xa dần. Tôi có những người bạn học tuyệt vời, các bạn luôn cho tôi cảm giác tốt.
Bây giờ tôi bước vào giảng đường đại học, nhận được học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ. Nhiều cô chú biết câu chuyện của tôi thông qua báo Tuổi Trẻ đã điện thoại động viên, chia sẻ khó khăn và giúp đỡ tôi trong những năm học sắp đến. Yêu thương mình đón nhận những năm qua thật sự giúp tôi cân bằng trong suy nghĩ và lấy lại niềm tin sau những nỗi sợ.
Tháng 2-2012, cha mẹ nuôi của Nguyễn Thục Phi (sinh năm 2004) là Nguyễn Mùi và Đoàn Thị Hồng Yến (thôn Hiệp Phổ Tây, xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) phát hiện mất 500.000 đồng và nghi ngờ bé Phi lấy, cả hai đánh đập.
Dù có sự can ngăn của hàng xóm và Công an Hành Trung đến làm việc nhưng họ khóa trái cửa, không hợp tác và tiếp tục đánh đập Thục Phi. Sau 1 ngày, ông Mùi mới đưa bé Phi đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi nhập viện với các thương tích, ngoài ra còn nhiều vết thương cũ khắp người bé Phi.
Ông Mùi, bà Yến sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam. Tháng 6-2012 Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hành tuyên ông Mùi 24 tháng tù, bà Yến 12 tháng tù.
Sau vụ bạo hành, Thục Phi được đưa về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi sinh sống, học tập.
Sống ở môi trường mới Thục Phi nhận được sự yêu thương và học rất giỏi. Thục Phi học chuyên sử - địa tại Trường THPT chuyên Lê Khiết, năm 2021 đậu vào khoa chính trị hành chính Đại học Quốc gia TP.HCM.
Với hoàn cảnh khó khăn và nỗ lực liên tục, Thục Phi được chương trình "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ trao suất học bổng đặc biệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận