Chị Mullings bị cưa cả tứ chi và mù một mắt - Ảnh: New York Daily |
Do chẩn đoán kém và làm việc thiếu trách nhiệm của bệnh viện Brooklyn, chị Tabitha Mullings, 32 tuổi, bị cưa cả tứ chi, mù một mắt. Vụ việc xảy ra vào năm 2008 này được gọi là ác mộng trong lịch sử y khoa Mỹ.
Sau ba năm theo đuổi vụ kiện, chị Mullings nhận được 18 triệu USD tiền bồi thường. Trong số này, bệnh viện Brooklyn cùng hai bác sĩ của họ phải trả 9,5 triệu USD còn thành phố New York bồi thường 8,5 triệu USD.
Chị Mullings cùng hai con trai và bạn trai chụp năm 2010 - Ảnh: New York Daily |
Năm 2008 khi chị Mullings được đưa vào bệnh viện Brooklyn, bác sĩ chẩn đoán sỏi thận, cho chị xuất viện kèm theo thuốc giảm đau. Qua ngày hôm sau, chị Mullings bị đau dữ dội, không cử động được tứ chi nhưng bộ phận cấp cứu của thành phố New York từ chối đưa chị trở vào bệnh viện Brooklyn.
Thêm một ngày nằm nhà, tình hình chị Mullings xấu hơn khiến bạn trai buộc phải đưa chị cấp cứu vào bệnh viện Fort Green. Tại đây chị Mullings hôn mê sâu và bị hoại tử khắp người. Khi tỉnh dậy, chị Mullings không còn tứ chi và mù một mắt.
Chị Mullings nói khi thắng phiên tòa năm 2012, được bồi thường 18 triệu USD: “Tôi cầu nguyện rằng điều này không xảy ra với bất kỳ ai khác”.
Rõ ràng số tiền 18 triệu USD không thể bù đắp được những mất mát này. Chị Mullings nói: “Tôi sẽ như vầy đến cuối cuộc đời. Tôi không thể tự mình làm gì. Tôi phải nhờ mọi người làm giúp từ những thứ nhỏ nhặt như đánh răng, tắm rửa... Tôi ngủ mơ thấy mình được chạy, được nhảy dây nhưng khi tỉnh dậy, thực tại không phải như vậy”.
Bé Pringle chụp năm 2014 - Ảnh: sunderlandecho |
Trước Mullings, vào năm 2004 một bé gái hai tuổi tại Anh bị cưa cả hai chân, cũng vì tắc trách của y tá. Sự việc xảy ra vào khuya ngày 17-11-2004 khi bé Chantelle Pringle sốt cao và ói. Mẹ bé, bà Keely Grotz, gọi đến dịch vụ y tế ngoài giờ Nestor Prime Care và được y tá tư vấn dùng thuốc hạ sốt.
Thực tế, bé Pringle bị viêm màng não. Sau đó, trên người bé bắt đầu xuất hiện nhiều đốm đỏ và 11 giờ sau, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ phải dùng kháng sinh để chữa trị nhưng mọi thứ đã quá muộn và họ buộc phải cưa hai chân của Pringle để giữ tính mạng.
Tòa án năm 2014 phán rằng người y tá trong ca trực này tắc trách vì không sắp xếp cho bé nhập viện. Phòng khám Nestor Prime Care cũng thừa nhận y tá sai sót khi không báo với bác sĩ trực để gọi điện tư vấn cho gia đình.
Theo luật sư, nếu bé Pringle được nhập viện vào đúng tối hôm đó, cả hai chân của cô bé đã được cứu. Chính điều này khiến thẩm phán ra quyết định Nestor Prime Care phải bồi thường 1 triệu bảng Anh cho Pringle. Khi nhận số tiền này, bé Pringle đã sống 9 năm, cụt cả hai chân.
Trường hợp tắc trách dẫn đến cưa chân bệnh nhân đầu tiên khiến báo giới quan tâm diễn ra năm 1995, tại bệnh viện Đại học cộng đồng Florida, Mỹ. Bệnh viện lẫn kíp phẫu thuật cưa nhầm chân bệnh nhân phải bồi thường cho ông Willie King 1,15 triệu USD. Trong số này, bệnh viện chịu 900.000 USD còn hai bác sĩ phẫu thuật đền 250.000 USD. Sự việc xảy ra khi Willie King, 52 tuổi, được chỉ định cưa chân phải do di chứng tiểu đường khiến chân bị hoại tử. Tuy nhiên, khi lên bàn mổ, các bác sĩ đã cưa chân trái của ông. Theo tờ New York Times, trường hợp này, toàn thể kíp liên quan đều sai. Theo báo cáo, bước sai đầu tiên là ở khâu chuẩn bị bởi tất cả hồ sơ, hình ảnh… trong phòng mổ đều ghi là cưa chân trái. Và khi bác sĩ vào bàn mổ, ông tự tin cưa chân trái mà không hề biết mình đang làm sai. Bản thân hai bác sĩ đứng mổ cũng cho biết do hai chân của ông King đều phù nề như nhau nên nhìn bằng mắt thường, cả hai chân đều “có thể phải cưa bỏ”. Sau trường hợp của Willie King, hệ thống y tế của Mỹ đã có thay đổi. Đến năm 2004, luật được đưa ra trong đó bác sĩ phẫu thuật phải có thời gian “tĩnh tâm” trước ca mổ và phải ký xác nhận tất cả giấy tờ liên quan: đúng bệnh nhân, đúng quy trình, đúng vị trí cần mổ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận