Vi Văn Mằn tên thường gọi là Hai, nghi can giết 4 người trong gia đình tại Nghệ An |
Các bậc phụ huynh cảm thấy bất an khi biết con em mình đang yêu.
Bản thân của nhiều bạn nữ cũng bày tỏ quan điểm lo lắng khi tiếp xúc với một người mà mình có cảm tình.
Bình thường lúc mới yêu, bất thường khi sâu đậm
Bạn Huỳnh Thư (22 tuổi, TPHCM) kể trong lo lắng: "Lúc mới yêu, anh ấy biểu hiện rất bình thường, tôn trọng và yêu thương mình. Nhưng yêu nhau được 4-5 tháng rồi, anh ấy ngày càng bộc lộ xu hướng kiểm soát mình, cứ hễ mình gặp gỡ hay tiếp xúc với đồng nghiệp nam hay một người bạn bình thường nào anh ấy cũng ghen và không muốn mình tiếp xúc".
Huỳnh Thư cho biết bạn đã thẳng thắn nói chuyện và đề nghị bạn trai phải lí trí và hiểu chuyện nếu không sẽ nói lời chia tay.
Trong khi đó Tâm Anh (25 tuổi, Đồng Nai) chia sẻ rằng, người yêu bạn là một người rất hiền và thương bạn. Anh ấy luôn dành mọi thứ cho Tâm Anh và cô nàng rất vui vì mình đã tìm được một người hết lòng như vậy.
Nhưng rồi Tâm Anh bắt đầu phát hoảng khi chàng trai của mình ngày càng yếu đuối, luôn cho Tâm Anh thấy nếu chia tay, hoặc nếu Tâm Anh đối xử không tốt anh ta sẽ tự sát.
“Tôi quá mệt và lo sợ vì anh ta có những biểu hiện nhịn ăn mấy ngày liền, có những suy nghĩ rất bi quan, thậm chí đòi chết khi tôi phải đi công tác mấy ngày và ít liên lạc. Đàn ông gì lạ quá. Tôi lo nếu anh ta có những hành động dại dột không biết mọi thứ sẽ thế nào”, Tâm Anh nói.
Cẩn thận với những người có hành vi kiểm soát người yêu thái quá
Thạc sĩ (ThS) tâm lý Đào Lê Hòa An phân tích những dấu hiệu để mỗi người suy nghĩ cách ứng xử khi một nửa của mình là người có tính chiếm hữu trong tình yêu một cách quá mức:
Thứ nhất là người đó kiểm soát người yêu gần như tuyệt đối, không cho gặp gỡ giao tiếp với người khác giới, tâm lý lo sợ, bứt rứt khi người yêu tiếp xúc với những người lạ mà họ không có cảm giác yên tâm.
Thứ hai là can thiệp sâu vào quyền riêng tư của người yêu, bắt họ gần như phải báo cáo mọi hoạt động của mình cho người đó biết như đang ở đâu, làm gì, với ai..., thậm chí phải chụp hình, quay phim những hoạt động của mình gửi cho họ.
Khi gặp và yêu những người có biểu hiện như thế này, ThS Đào Lê Hòa An cho rằng người còn lại ngoài việc bị kiểm soát chặt chẽ còn có khả năng gặp nguy hiểm nếu người đó không kiểm soát được người yêu như cách họ muốn.
Các chuyên gia cho rằng nên cẩn thận quan sát biểu hiện của người yêu để tránh nguy hiểm xảy ra |
Và khi đó, những người này dễ dẫn đến việc không khống chế được hành vi của mình,có những biểu hiện xâm hại bằng bạo lực, bạo hành tinh thần người yêu của họ.
Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, hiện nay do việc tiếp cận phim ảnh, mạng xã hội quá dễ dàng nên các bạn trẻ ảnh hưởng rất nhanh những gì mình xem và quan sát được trên internet, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, hành vi của mình khi bản thân xảy ra những sự việc tương tự.
Chuyên gia Minh Huệ phân tích việc chia sẻ quá nhiều thông tin của mình lên mạng xã hội và sau đó nhận được nhiều ý kiến bình luận cũng góp phần kích động tâm lý, khiến nhiều người cảm thấy tự ái cao hơn, dễ dẫn đến những hành vi tàn bạo để trả thù, giải tỏa tâm lý của mình,
Đừng dại dột: Yêu + không yêu = Giết
Nguyễn Hải Dương (nghi can vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước) |
Tiến sĩ (TS) tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TP.HCM) đã chia sẻ một video clip và những lời khuyên về cách chia tay sao cho êm đẹp, văn minh và giảm thiểu tối đa những hiểm nguy có thể xảy ra với bản thân và gia đình trên Facebook của chuyên trang dạy kỹ năng sống hanhtrangsong.vn.
Theo TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: “Lòng người khó đoán, bởi vậy sau khi chia tay xong, gia đình cần phải cẩn thận dù mình không làm gì sai, việc tự vệ sẽ góp phần hạn chế thấp nhất những việc không may xảy đến với gia đình mình”.
Đồng tình với quan điểm trên, ThS Đào Lê Hòa An cũng đưa ra lời khuyên trong trường hợp người yêu của mình có những hành vi kiểm soát quá mức về đời sống riêng tư của mình và thể hiện ý thức chiếm hữu cao, hai người nên ngồi lại nói rõ ràng và thẳng thắn để giải quyết.
Nhiều người bị dọa sẽ tung hình ảnh, video nhạy cảm lên mạng sau khi chia tay |
Nếu khéo léo hơn, bạn có thể tìm cách để người yêu mình có dịp gặp gỡ chuyên gia tâm lý đế nghe họ phân tích và đưa ra những liệu pháp điều trị tâm lý phù hợp cho người kia.
Và trong trường hợp cuối cùng, khi bạn nhận ra không thể tiếp tục mối quan hệ với người này thì không nên có hành động chia tay rạch ròi, dứt khoát, sẽ làm cho tâm lý đối phương bị kích động và dễ dẫn đến những hành xử gây hậu quả xấu.
Trong trường hợp đó, bạn hãy chọn phương án giãn cách, từ từ tìm cách chia tay trong êm thấm, đừng để người kia cảm thấy họ bị tổn thương tâm lý và có những suy nghĩ tiêu cực. Nên cho cả hai có thời gian để cùng suy nghĩ và giải quyết vấn đề, trong thời gian đó, bạn sẽ suy nghĩ hoặc nhờ chuyên gia tâm lý tư vấn những cách thức để chia tay sao cho nhẹ nhàng và an toàn nhất, ThS Hòa An kết luận.
Nghe các phát biểu trong bài:
>> Thạc sĩ Đào Lê Hòa An
>> Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận