16/07/2021 15:40 GMT+7

Yêu cầu tàu chở than cho Vĩnh Tân 4 quay về do có thuyền viên mắc COVID-19

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận phát hiện 3 thuyền viên trên tàu Fareast Honesty (Hong Kong) chuẩn bị nhập than vào Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 thì mắc COVID-19 nên yêu cầu quay lại nước sở tại hoặc nơi xuất phát.

Yêu cầu tàu chở than cho Vĩnh Tân 4 quay về do có thuyền viên mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Tàu Fareast Honesty neo đậu tại cảng Vĩnh Tân, Bình Thuận - Ảnh chủ tàu cung cấp

Ngày 16-7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện để Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời đảm bảo đủ nhiên liệu cho công tác sản xuất điện tại đây.

Trước đó, ngày 13-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Thuận phát hiện 3 thuyền viên trên tàu Fareast Honesty (Hong Kong) mắc COVID-19.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, không để lây lan vào đất liền, CDC Bình Thuận đề nghị không tiếp nhận tàu cập cảng và đề nghị chủ tàu quay lại nơi xuất phát hoặc về nước sở tại để điều trị.

Cụ thể, con tàu trên xuất bến từ Indonesia ngày 8-7 và đến cảng Vĩnh Tân (Bình Thuận) ngày 12-7. Trên tàu gồm có 21 thuyền viên chở theo 55.000 tấn than để cung cấp cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4.

Theo quy định, trước khi bốc dỡ hàng hóa, CDC Bình Thuận phải xét nghiệm trước cho tất cả thuyền viên trên tàu. 

Đại diện Suek AG (văn phòng tại Hà Nội) cho biết mình là đơn vị chủ của lô hàng trên con tàu này.

Khi có kết quả 3 thuyền viên dương tính, đơn vị đã nhận được thông báo của CDC Bình Thuận là không tiếp nhận tàu Fareast Honesty cập cảng bốc dỡ hàng hóa và đề nghị tàu quay lại nơi xuất phát hoặc về nước sở tại để thực hiện đổi thuyền viên, phun khử trùng.

Theo Suek AG, yêu cầu trên đã làm phát sinh rất nhiều khó khăn và tổn thất cho các bên liên quan.

Suek AG đề nghị theo hướng lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ các thuyền viên có mặt trên tàu Fareast Honesty đang neo đậu tại khu neo Bình Thuận để xác định chính xác số thuyền viên mắc COVID-19. 

Cách ly những người đã mắc COVID-19 ra địa điểm được chỉ định bởi CDC Bình Thuận. Tiến hành xét nghiệm lại 3 lần đối với những thuyền viên còn lại. Phun khử trùng toàn bộ tàu. 

Cho phép tàu vào cảng dỡ hàng nếu không phát hiện trường hợp dương tính. Việc triển khai dỡ hàng hóa trên tàu phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch của Bộ Y tế.

Trong trường hợp toàn bộ thuyền viên trên tàu mắc COVID-19, đơn vị đề xuất đưa toàn bộ những người này đi cách ly, sau đó phun khử trùng toàn tàu và chủ tàu sẽ thuê một đội thuyền viên mới tại Việt Nam để đảm nhận việc dỡ hàng.

Toàn bộ chi phí xét nghiệm và tất cả các chi phí liên quan đến hướng xử lý trên sẽ do Suek AG phối hợp cùng chủ tàu để chi trả.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận cho biết hiện vẫn chưa có phương án nào ngoài yêu cầu như cũ, bởi việc này đang ảnh hưởng đến an ninh, dịch bệnh. Vị này cho biết địa phương đã làm đúng quy định về dịch tễ.

Trừ khi thuyền viên trên tàu có sức khỏe nguy kịch, không chỉ là trường hợp do dịch COVID-19 thì địa phương sẽ có phương án đưa vào đất liền điều trị.

Vụ tàu có 12 thuyền viên dương tính: Long An xin lỗi, Vũng Tàu Vụ tàu có 12 thuyền viên dương tính: Long An xin lỗi, Vũng Tàu 'hỏa tốc' tiếp nhận

TTO - Tối 28-4, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn hỏa tốc gửi các ngành chức năng, đồng ý tiếp nhận 12 thuyền viên tàu Dai Duong Sea dương tính với COVID-19. Còn tỉnh Long An xin lỗi tàu này và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vì 'lúng túng'.

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên