Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo nguyên tắc suy đoán vô tội, không ai bị xem là có tội khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án.
Vì vậy, các bị can bị khởi tố, truy tố trong các vụ án chưa bị coi là người phạm tội.
Vấn đề đặt ra là khi một người bị khởi tố, truy tố do có dấu hiệu vi phạm luật hình sự thì người sử dụng lao động có buộc phải cho thôi việc bị can đó không?
Luật sư Thanh cho rằng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị can thì người sử dụng lao động có thể tạm hoãn hợp đồng lao động đối với người lao động là bị can bị tạm giam.
Bộ luật lao động quy định hợp đồng lao động chỉ bị chấm dứt khi người lao động bị kết án tù giam hoặc bị cấm làm công việc cũ theo quyết định của tòa án.
Do đó, đối với bị can được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, về nguyên tắc hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động vẫn còn hiệu lực nên người lao động vẫn có thể tiếp tục làm việc.
Do đó, một số nhân viên ở Cục Đăng kiểm dù đã bị khởi tố nhưng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thì vẫn đi làm được.
Tuy nhiên, do người lao động này đã bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú nên việc đi lại sẽ gặp nhiều khó khăn.
"Theo tôi, nếu nơi làm việc và nơi bị can cư trú cùng một xã, phường thì người bị khởi tố vẫn có thể đi làm bình thường. Còn nếu nơi làm việc và nơi cư trú của bị can ở hai tỉnh khác thì khi đi khỏi nơi cư trú, bị can phải xin phép và được sự cho phép của chính quyền địa phương nơi bị can cư trú" - luật sư Thanh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận