Một tàu dùng điện ba pha đánh bắt tận diệt ở Vũng Áng - Kỳ Anh (Hà Tĩnh) - Ảnh: VŨ TUẤN
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc ngăn chặn tình trạng sử dụng điện, chất độc, chất nổ, nghề và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản sau phản ánh của báo Tuổi Trẻ.
Văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại bến và trên biển, phối hợp tổ chức các đợt cao điểm để phát hiện xử lý hành vi sử dụng điện, chất độc, chất nổ, nghề và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị các ngành chức năng ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản hoặc điều 242 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trước đó, từ ngày 7 đến ngày 9-8-2022, loạt phóng sự điều tra "Tàu ma hoành hành" của báo Tuổi Trẻ đã phản ánh tình trạng hàng chục tàu cá dùng máy phát điện ba pha công suất lớn càn quét ở vùng biển Hà Tĩnh.
Khu neo đậu của hàng chục tàu đánh cá bằng điện ba pha ở Vũng Áng - Kỳ Anh (Hà Tĩnh) - Ảnh: VŨ TUẤN
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát tại các địa điểm xảy ra tình trạng ngư dân dùng chất nổ, xung điện, nghề cấm, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo Vụ Thanh tra - pháp chế, Tổng cục Thủy sản, năm 2021 lực lượng chức năng đã tổ chức hơn 1.600 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua đó phát hiện gần 38.000 phương tiện vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 89 tỉ đồng, chuyển cơ quan điều tra 450 vụ.
Tuy nhiên, theo Vụ Thanh Tra - pháp chế, do địa bàn hoạt động chủ yếu trên biển, trên sông rất khó khăn cho lực lượng kiểm tra. Thời gian hoạt động của những người đánh bắt bằng phương pháp cấm thường vào ban đêm, khó phát hiện. Nhiều vụ tấn công, chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.
Trả lời báo Tuổi Trẻ về các giải pháp ngăn chặn tình trạng đánh bắt tận diệt thủy sản ở khắp nơi, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho hay chính quyền các địa phương phải vào cuộc rốt ráo, nguyên nhân ở đâu khắc phục ở đó.
Hệ thống văn bản pháp luật, chế tài xử phạt đã được quy định rõ trong Bộ luật hình sự năm 2015, Luật thủy sản, nghị định 42/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.
Tuy nhiên, nếu buông lỏng quản lý, vào cuộc chưa quyết liệt thì khó ngăn chặn tình trạng đánh bắt tận diệt thủy sản.
Ngoài các biện pháp về tuyên truyền, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong việc nắm bắt thông tin về các đối tượng đã thực hiện hoặc có nguy cơ dùng các hình thức cấm, khai thác tận diệt, hủy diệt để ngăn chặn và xử lý.
Các lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển cần phối hợp tổ chức các đợt cao điểm để phát hiện và xử lý hành vi sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận