Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) cho rằng việc dự thảo luật yêu cầu các tổ chức cơ quan ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng tại Việt Nam là không phù hợp với tình hình thực tiễn, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dùng Việt Nam.
"Đi ngược với cam kết của Việt Nam với quốc tế"
Hiện máy chủ các dịch vụ mà người Việt Nam thường xuyên sử dụng như Facebook, Youtube... đều đặt tại nước ngoài. Với công nghệ hiện đại, máy chủ không phải là máy cụ thể, theo thuật toán đám mây máy chủ là máy ảo, cho phép người sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào đó, là xu hướng của thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo đại biểu Thủy, một khi các doanh nghiệp không chấp thuận yêu cầu của Việt Nam về việc đặt văn phòng, có nghĩa là doanh nghiệp đó sẽ không được cung cấp dịch vụ, điều này trái ngược với các cam kết của Việt Nam với các nước trên thế giới.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) cho rằng việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam là khó khả thi. Thay vào đó, chỉ nên quy định các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tạm dừng khi có yêu cầu của nhà chức trách trong trường hợp chính đáng liên quan đến quốc phòng an ninh...
Trái với quan điểm này, một số đại biểu cho rằng quy định buộc nhà cung cấp đặt văn phòng, dữ liệu người dùng tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo quyền lợi người dùng cũng như giúp việc xử lý các vấn đề phát sinh dễ dàng hơn.
Thực tế hiện nay một số công ty cung cấp dịch vụ lớn như Facebook cũng đã đặt trụ sở tại 80 nước, các nước này đặt vấn đề an ninh quốc gia lên trên hết và buộc nhà cung cấp dịch vụ phải chấp hành.
Tại sao các doanh nghiệp khác đặt văn phòng tại VN mà doanh nghiệp viễn thông lại đặt vấn đề là không nên yêu cầu đặt? Luật Thương mại và các luật khác cũng đã có quy định rõ rồi, thực tế là đã rất nhiều nước cũng yêu cầu Facebook, Google đặt máy chủ tại nước họ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An)
Thế nào là "xâm phạm an ninh quốc gia"?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng Luật An ninh mạng ra đời nhằm lấp lỗ hổng pháp lý mà các luật hiện nay chưa có chế tài. Tuy nhiên ông Nhưỡng cho rằng cần giải thích rõ như thế nào là các hành vi sử dụng mạng để xâm phạm an ninh quốc gia.
Hiện nay các hành vi bị cấm trên mạng cũng chưa rõ ràng, bởi vậy nếu quy định thì cần cụ thể rõ các hành vi, đảm bảo được quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Theo đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương), đang có tình trạng sử dụng mạng để bôi nhọ Đảng, Nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia. Đặc biệt, việc tấn công mạng đang là một mối nguy cơ lớn.
"Giả sử hệ thống quản lý mạng của các hãng hàng không, các cơ quan trọng yếu của Chính phủ... bị tấn công thì không biết hậu quả sẽ như thế nào", đại biểu Quân cho rằng hiện các quy định chế tài đối với các hành vi tiêu cực này chưa được rõ ràng, luật còn chậm bắt nhịp.
Các đại biểu cũng cho rằng cần làm rõ thế nào là các thông tin xấu, bôi nhọ, làm ảnh hưởng uy tín của tổ chức cá nhân, các thông tin cần hạn chế... để từ đó cơ quan quản lý đưa ra yêu cầu gỡ bỏ khỏi hệ thống.
Cơ quan nào sẽ là đơn vị đứng ra đánh giá các thông tin ấy và kết quả có thật sự chính xác hay không, cũng là vấn đề các đại biểu băn khoăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội Võ Trọng Việt - Ảnh: Quochoi.vn
'Chúng ta phải trả giá vì lộ lọt thông tin từ nhập khẩu linh kiện'
Tiếp thu ý kiến tranh luận của các đại biểu về dự Luật An ninh mạng, ông Võ Trọng Việt - chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Quốc hội - giải trình về thông tin quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Ông Việt cho rằng lực lượng bảo vệ an ninh mạng không thể làm hết tất cả các công việc, nhưng đối với những vấn đề quan trọng và thiết yếu thì cần phải có quy định rõ.
"Chúng ta đã phải trả giá cho một số nơi, một số vụ việc và một số cơ quan do nhập khẩu linh kiện. Việc xác định thông tin quan trọng đối với an ninh quốc gia là cần thiết - vì sự sinh tồn của đất nước, từ đó chúng ta tập trung đầu mối giải quyết từ cơ bản", ông Võ Trọng Việt nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Quốc hội cũng nói quy định các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt máy chủ, văn phòng ở Việt Nam không vi phạm các quy ước, cam kết mà nước ta đã ký.
"Hiện nay vấn đề an ninh mạng rất phức tạp và sẽ còn phức tạp hơn, các thế lực lợi dụng yếu tố này để tấn công phá hoại. Chính vì lẽ đó mà Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng trực thuộc Bộ Quốc phòng. Vì thế thì không có lí do gì mà chúng ta buông lỏng", ông Võ Trọng Việt nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận