Phóng to |
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Ngọc Toản và cuốn sách Biển đông yêu dấu của ông - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Ngay thời chiến tranh, ông đã dự cảm tiến ra biển chính là mở cánh cửa phát triển đất nước. Và tình yêu biển đã cháy bỏng suốt đời ông để không chỉ làm khoa học tìm kiếm dầu khí, mà còn viết những trang sách đi vào lòng người.
Một tối mùa đông ở Hà Nội, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Ngọc Toản cười thật tươi, mở cửa đón khách. Từng đọc những bài viết thú vị về đại dương của ông, nhưng tôi vẫn bất ngờ với tác phong giản dị, thân tình của nhà khoa học đã bước qua tuổi 74, là chứng nhân bao sự kiện trọng đại của đất nước và đã từng đi nhiều nơi để đào tạo nên nhiều nhà khoa học nổi tiếng...
Phóng to |
Cả cuộc đời ông Toản gắn liền với sự nghiệp dầu khí và biển Đông của Tổ quốc -Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Ngang dọc biển Đông
Pha vội ấm trà nóng để xua bớt hơi lạnh đêm đông, ông Toản đưa quyển sổ tay cho tôi xem. Đó là quyển sổ nhỏ, bìa da sờn rách với những trang giấy đã ngả màu vàng thời gian như bao cuốn sổ bình thường khác. Nhưng mới lật những trang đầu tiên, tôi đã giật mình với ghi chép mà không phải ai cũng được tiếp cận: “Ngày 2-5-1975, bay vào Sài Gòn. Sân bay còn ngổn ngang dấu tích chiến tranh. Không có người phục vụ cầu thang máy bay, phải leo xuống bằng thang dây. Chiều 3-5, gặp nhân viên Tổng cuộc Dầu hỏa Sài Gòn, gặp GS Trần Kim Thạch để hỏi về tuyên bố của ông rằng miền Nam không có dầu. GS Thạch trả lời phải nói vậy vì chính trị, vì không muốn kéo dài cuộc chiến. Đêm ngủ ở trại Davis, tìm được nhiều thùng tài liệu mật là băng từ khảo sát địa chấn biển của chính quyền cũ. Thông tin tình báo việc chính quyền Sài Gòn tìm thấy dấu dầu năm 1974 là chính xác...”.
Nhìn tôi say sưa với quyển sổ tay đặc biệt, ông Toản chỉ trầm ngâm uống trà. Hình như ông muốn tôi cảm nhận được chút nào đó không khí những sự kiện trọng đại mà chính ông là chứng nhân một thời. Mãi sau ông mới kể mình sinh năm 1937, quê xưa ở Hòa Vang, Đà Nẵng. Từng tham gia chiến đấu, bị tù đày rồi được ra Bắc, lẽ ra ông đã đi con đường binh nghiệp nếu không vì cả chiều cao lẫn cân nặng đều không đạt để vào trường sĩ quan lục quân.
“Anh lính” đam mê dầu khí Đất nước vừa thống nhất, ông Toản có mặt trên một trong những chuyến bay quân sự đầu tiên vào Sài Gòn. Ngoài công việc chính thức, ông còn nhiệm vụ bí mật phải nắm bắt bằng được quá trình thăm dò dầu khí miền Nam. Trong bộ quân phục miền Bắc, ông đã làm giáo sư Trần Kim Thạch và các chuyên gia Tổng cuộc dầu hỏa Sài Gòn rất ngạc nhiên khi “anh lính” có thể trao đổi chuyên sâu về lĩnh vực này. Sự thật lúc ấy ông đã có bằng tiến sĩ địa vật lý từ năm năm trước. Ngoài thăm dò dầu khí, ông còn là giảng viên đào tạo nhiều thế hệ chuyên gia dầu khí thời kỳ đầu ở miền Bắc. |
Những kết quả tìm thấy dầu năm 1974 của chính quyền Sài Gòn ở khu vực Bạch Hổ làm ông Toản rất vui. Nó đúng với tình yêu biển cháy bỏng và dự cảm tương lai dân tộc tiến ra đại dương của ông. “Từ trước năm 1975, mũi tên trên bản đồ tìm kiếm dầu khí ở miền Bắc cũng đã tiến ra biển. VN là một quốc gia biển, và tôi hiểu rằng tương lai phát triển của dân tộc sẽ phụ thuộc vào chúng ta làm chủ và khai thác tài nguyên biển như thế nào. Con đường này không chỉ là trách nhiệm và cơ hội của chúng ta hôm nay mà còn là của con cháu đời sau”. Ông Toản tâm sự ông quê ở vùng biển, vì chiến tranh phải lên rừng, nhưng biển đã như một phần máu thịt trong con người ông.
Thời kỳ còn đảm nhiệm các trọng trách trong Tổng cục Dầu khí, rồi viện trưởng Viện Dầu khí, ông Toản đã ngang dọc khắp biển Đông. Có chuyến ông được đi máy bay trực thăng, mải mê ngắm biển trời mênh mông của Tổ quốc từ trên cao. Nhưng nhiều chuyến ông đi tàu, trong tình yêu vị mặn nồng của đại dương có cả vị đắng... của những trận ói ra mật vì bão biển. Thời gian được mời giảng dạy ở đại học Constantine, Algeria, ông cũng hay tranh thủ kể cho sinh viên nghe nước VN vươn mình trước đại dương, đã từng chiến thắng bao trận thủy chiến hiển hách, đã từng buộc bao đoàn quân xâm lược từ phương Bắc phải quay đầu bỏ chạy, và có chủ quyền lịch sử sâu xa với biển của mình.
Ông Toản có nhiều kỷ niệm thú vị khi sinh viên Algeria ngưỡng mộ lịch sử vệ quốc VN. Nhiều người còn biết rõ vương triều nhà Trần đã mấy lần đánh bại vó ngựa quân Nguyên Mông từng chinh phục nửa thế giới. Họ cũng rất phục đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo cuộc chiến đấu và chiến thắng oanh liệt ở Điện Biên Phủ. Họ hay nói điều mà chính trái tim người thầy Việt luôn cháy bỏng: “VN là một đất nước nhỏ, nhưng người Việt là một dân tộc rất lớn”.
Phóng to |
Xúc động trước bia chủ quyền
Châm lại ấm trà đã vơi trong đêm đông se lạnh, ông Toản tâm sự kỷ niệm lần đầu đi biển: “Đó là ngày 5-1-1955, tôi lên tàu từ Sầm Sơn, Thanh Hóa vào Quy Nhơn, Bình Định để tăng cường cho kháng chiến miền Trung. Biển động, tôi say sóng vật vã nhưng mắt không thể rời khỏi mặt biển xinh đẹp quê hương mình. Cùng đi với tôi còn bốn anh em khác. Họ tâm sự ước mơ ngày thống nhất đất nước sẽ theo ngành hải dương để gắn liền với biển”. Riêng tình yêu biển của ông Toản cháy bỏng đến mức ông nghĩ mình không chỉ làm khoa học dầu khí, mà còn phải viết gì đó để tuổi trẻ mai sau hiểu biết hơn về biển Tổ quốc mình.
"Tôi tin rằng chính tình yêu và trách nhiệm của từng người dân Việt với Tổ quốc đã giúp đất nước này vượt qua bao cơn nguy biến trong lịch sử. Và chắc chắn sẽ không phải ai khác, mà chính là tình yêu và trách nhiệm của nhân dân sẽ đưa Tổ quốc này đến một tương lai mới tốt đẹp hơn" |
Rồi chiến tranh, công việc đã cuốn ông Toản. Nhưng hễ có dịp ông lại dành thời gian nghiên cứu biển với thói quen đi thực địa tận nơi, ghi chép tỉ mỉ cả những gì mắt thấy và cảm xúc trái tim. Và cuốn sách Biển Đông yêu dấu (Nhà xuất bản Trẻ, năm 2008) của Trần Ngọc Toản đã ra đời từ chính tình yêu cùng ước nguyện đó. Không ghi chép lại các số liệu khoa học khô khan mà mình là người trong cuộc, ông lấy chính những hiểu biết, trải nghiệm và tình yêu biển của cuộc đời để văn học hóa tác phẩm đi vào lòng người.
Cậu bé Minh Sơn trên tàu khảo sát hải dương Bình Minh là hư cấu nhưng ẩn đậm hình bóng của chính tác giả. Còn Bình Minh là chiếc tàu có thật gắn liền với chương trình khảo sát địa chấn biển thời kỳ đầu ở miền Bắc. Hải trình lênh đênh của Minh Sơn từ vịnh Bắc bộ vào biển miền Trung, miền Nam, rồi ra Trường Sa..., ghé thăm các giàn khoan dầu khí cũng đều là trải nghiệm, cảm xúc rất thật của ông.
“Khoảng 10g ngày tiếp theo, chúng tôi đã bắt đầu nhìn thấy Trường Sa Lớn... Trước khi đến đây, tôi hình dung Trường Sa là một vùng có nắng, gió, bão, san hô, cát sỏi... Chúng tôi lên bờ giữa vòng tay chào đón thân thương của người lính đảo và vô cùng xúc động khi đứng trước bia chủ quyền ghi tên đảo dưới ngôi sao vàng lớn rạng rỡ”. Dưới ngòi bút trải nghiệm của ông Toản, tình yêu biển của cậu bé Minh Sơn rất giản dị nhưng cũng nồng nàn, tinh tế: “Cây bàng vuông xù xì, lá to, bóng tỏa xum xuê. Hoa bàng vuông màu trắng, mỏng manh và chỉ nở về đêm như để tặng riêng cho những anh bộ đội gác đảo trong những đêm dài, vắng bóng trăng sao”.
Và ước mơ của cậu bé Minh Sơn có lẽ cũng chính là ước mơ của ông: “Trường Sa chắc chắn sẽ có trung tâm dịch vụ biển, các cảng cá, nhà máy sản xuất nước đá, nhà máy chế biến hải sản, các nhà hàng du lịch... Và xa hơn nữa, chúng ta có thể lấn biển, xây dựng nhiều đảo nổi, bắc cầu nối các đảo, xây dựng sân bay, nhà máy điện..., cư dân sẽ đông đúc hơn”.
Cùng tôi ôn lại bao kỷ niệm ngược xuôi trên biển, ông Toản tâm sự có đồng nghiệp hỏi sao ông không viết nghiên cứu khoa học biển Đông cho phù hợp với tầm mình. Ông nhẹ nhàng cười trả lời rằng ông chỉ là một người yêu biển Tổ quốc như hàng triệu người dân VN khác, và những điều ông viết chảy ra từ chính trái tim mình...
Ông nói rất hạnh phúc vì các con đều có tình yêu biển và theo nghiệp dầu khí như cha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận