Ruộng bậc thang Yên Bái - Ảnh: NGỌC QUANG
Tân Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: “Yên Bái không cố tạo ra sự khác biệt mà mục tiêu rõ ràng là tạo ra triết lý phát triển cho riêng mình”. Đã tìm được mối quan hệ hữu cơ sống còn giữa môi trường và sản phẩm, từ đó tạo nên hiệu quả môi trường cho con người, gìn giữ được rừng, được ruộng, được mây trời. Chừng đó đã đủ để chờ đợi...
Đến Bhutan một lần 10 năm trước, những thôn làng yên ả cheo leo sườn núi, bên cánh rừng bạt ngàn nhiều lần trở đi trở lại trong những giấc mơ và cả những ước mơ tôi. Việt Nam của chúng ta đâu thiếu cơ hội để có những Bhutan.
Vậy nên khi nghe về "chỉ số hạnh phúc" mà tỉnh Yên Bái vừa đưa vào nghị quyết đại hội Đảng với những tiêu chí khá cụ thể: "sự hài lòng về cuộc sống, tuổi thọ trung bình, sự hài lòng về môi trường sống", giấc mơ Bhutan chợt náo nức sống dậy, thôi thúc chúng tôi lên đường, trở lại với những cánh rừng, bản làng Yên Bái…
Chúng tôi được chứng kiến những bước đi đầy hi vọng.
Hạnh phúc giữa những bậc thang
Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải đã được công nhận là danh thắng quốc gia từ lâu, những tấm ảnh mê hồn chụp những bậc thang vàng lúa chín đã thu hút hàng vạn du khách quốc tế đến với Mù Cang Chải.
Những ngày cuối năm, hết mùa lúa chín lại đến mùa đổ nước, nguồn thu từ du khách đến ngắm ruộng có khi còn lớn hơn nguồn lợi từ lúa được thu hoạch. Những cư dân nhanh nhạy của Mù Cang Chải đã kịp làm du lịch với những homestay đơn sơ giàu bản sắc.
Chúng tôi ghé vào homestay của Giàng A Dê, một chàng trai người Mông ở xã La Pán Tẩn. Từ chỗ đỗ xe ôtô phải leo bộ lên con dốc dựng đứng, và như để đền bù cho chặng đường thở dốc, khi đứng trước sân nhà A Dê, tầm mắt tôi được phóng ra khung trời khoáng đạt của lớp lớp ruộng bậc thang.
Sau ngàn bậc ruộng kia là dãy núi xanh lơ, sau dãy núi là mây trắng và nắng vàng chan hòa trên thung lũng. Hôm nay mùa gặt đã đi qua, những bậc thang chỉ còn trơ gốc rạ mà vẫn đẹp mê hồn. Màu sắc như mách rằng vào mùa đổ nước hay vụ gặt nơi này còn long lanh xiết bao.
Giàng A Dê kể năm nay nguồn thu tụt hẳn vì đại dịch COVID-19, du khách quốc tế không có. Nhưng tranh thủ lúc vắng khách anh đã dốc sức làm thêm được hai cái bungalow để chuẩn bị cho mùa du lịch năm sau.
Ngắm tác phẩm, biết anh chàng này có năng khiếu bẩm sinh về văn hóa kiến trúc. Mấy năm qua, trong vùng có nhiều người làm nhà mới, những mái nhà lợp bằng gỗ pơ mu được họ gỡ ra thay bằng mái ngói. Dê âm thầm đi mua những mảnh gỗ pơ mu đẫm màu thời gian ấy về, tích lũy đến khi đủ thì dùng nó dựng hai căn bungalow này.
Giữa không gian của núi rừng, của mênh mông bậc thang ruộng lúa, được ở trong căn phòng có mùi hương gỗ pơ mu hàng chục năm, ngồi trước hàng hiên với một ly trà shan tuyết hay chén rượu ngô, có lẽ địa đàng trần gian cũng chỉ đến thế này.
Những homestay như của Giàng A Dê đang mọc lên ngày càng nhiều ở Mù Cang Chải. Sau những phút khinh khoái, chúng tôi chỉ còn một ước mong homestay hãy cứ chân chất thế này thôi, để Mù Cang Chải giữ được thiên nhiên trong lành, và rừng, và ruộng, để tiếng khèn Mông không bị lọt thỏm trong bêtông và đèn màu.
Kinh nghiệm bêtông hóa, phôi phai văn hóa bản địa từ những địa chỉ du lịch trứ danh đã không còn thiếu. Mù Cang Chải, hãy cứ bạt ngàn lúa, bạt ngàn cây, bạt ngàn rừng... Chúng tôi hỏi A Dê: "Khách du lịch thì quá vui, quá sướng rồi, còn A Dê thì sao? Coi bộ giữ rừng, ruộng, bản làng không dễ dàng cho những người như A Dê?".
Anh cười hóm hỉnh: "Trước đây cái ruộng lúa chỉ cho lúa cho gạo để no cái bụng. Giờ lại có thêm khách tới ngắm nhìn, chụp ảnh no con mắt. Vậy là cũng ruộng lúa đó, chỉ cần thêm chỗ cho khách đến ở ngắm lúa là mình tăng thu nhập. Dưới xuôi người ta phải bỏ hàng trăm tỉ đồng xây dựng kỳ quan cho khách tới ngắm mới thu được tiền mà…". A Dê cười sảng khoái, rồi hạ giọng nghiêm túc: "Khách nhà Dê mấy năm nay đến từ nhiều nước lắm. Mình không chỉ có thêm thu nhập mà còn được họ dạy tiếng Anh, dạy nấu các món ăn mới, vui lắm. Bù lại, họ cũng học thêm về văn hóa tập quán người Mông ta. Khách vui mình vui, khỏe. Cái này bây giờ gọi là kinh tế win-win đó. Vì thế mình càng phải giữ ruộng, giữ rừng, giữ thiên nhiên này. Không chăm giữ mà chỉ phá đi thì không có khách đến. Khách không đến thì không còn vui nữa đâu".
"Rừng và ruộng với chúng tôi là vấn đề sống còn" - bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên khẳng định. Ngay khi nhậm chức 2 năm trước, ông đã đặt mục tiêu số 1 là chăm lo rừng và ruộng. Để giữ môi trường thì cần giữ rừng là điều ai cũng đã biết, nhưng với người dân Mù Cang Chải, để chống sạt đất còn có ruộng bậc thang.
"Lên đây, tôi phát hiện người Mông ở Mù Cang Chải là những nghệ nhân làm ruộng bậc thang. Không chỉ làm ruộng ở quê nhà, họ còn đi sang tận Bắc Hà (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang) để làm ruộng bậc thang giúp dân bên ấy. Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải không chỉ là ruộng lúa mà góp phần rất quan trọng để giữ đất.
Vùng đồi núi được dân canh tác thành ruộng bậc thang hầu như không xảy ra tình trạng sạt lở đất. Vì thế ở Mù Cang Chải để giữ đất không chỉ trồng rừng mà còn phải giữ và phát triển ruộng. Thuận lợi lớn hơn khi ruộng bậc thang là danh thắng, là nguồn lực để phát triển du lịch".
Đi tiếp những cung đường quanh co đèo dốc, những đồi ruộng bậc thang sắc màu dần nhường chỗ cho những cánh rừng bạt ngàn xanh. Chủ tịch huyện Mù Cang Chải Lê Trọng Khang tự hào kể: "Tỉ lệ che phủ rừng của Mù Cang Chải là 67%.
Nhiều năm trước, mỗi lần qua cung đường này, từ Khau Phạ đi lên, không chuyến đi nào chúng tôi không chứng kiến những trận cháy rừng. Nhưng mấy năm gần đây, những trận cháy rừng đã hiếm".
Chỉ vào mảng xanh mịt mùng trước mặt, ông Khang cặn kẽ: "Đây là khu rừng thông lớn nhất Tây Bắc, trước đây thuộc Lâm trường Púng Luông, giờ đổi thành Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải. Ở địa bàn các xã như Púng Luông, Nậm Khắt… gần mười năm nay không xảy ra vụ cháy rừng nào, có thể gọi đó là kỳ tích".
Ngày Tết ở Mù Cang Chải - Ảnh: NGỌC QUANG
Giữ hương cho rừng
Thật tình cờ, những sản vật, cây trồng đang trở thành những hình mẫu cho Yên Bái phát triển đều rất đậm hương: hương bưởi ở Đại Minh (huyện Yên Bình), hương quế ở Văn Yên, hương chè ở Suối Giàng (Văn Chấn), hương hoa hồng ở Nậm Khắt (Mù Cang Chải)...
Chúng tôi vào Đại Minh, một xã trứ danh về bưởi của huyện Yên Bình. Chủ tịch xã - anh Tạ Quang Công - là thạc sĩ về môi trường. Trong câu chuyện về phát triển cây bưởi ở Đại Minh, anh Công đưa ra mối quan hệ hữu cơ khá thú vị.
"Nguồn thu từ bưởi của Đại Minh mỗi năm tầm 50 tỉ đồng. Với một xã miền núi như thế này, đó là một con số lớn. Nhưng phải hiểu rộng hơn nữa: doanh thu 50 tỉ đồng từ bưởi có lợi cho môi trường sinh thái hơn 50 tỉ đồng doanh thu từ khai thác cát sạn hay khai khoáng".
Và quan trọng hơn nữa là vùng bưởi Đại Minh đã được cấp chứng nhận VietGap, sản phẩm bưởi đã vào được các siêu thị Vinmart hay Big C. Điều đó có nghĩa rằng người dân quê phải bảo vệ môi trường của mình thực sự tinh khôi. Bởi chỉ cần một nhà máy có khí thải, xí nghiệp có lò đốt... chắc chắn sẽ gây ô nhiễm môi trường, và như thế hàng trăm hecta bưởi Đại Minh sẽ không còn đạt tiêu chuẩn VietGap, sẽ bị "dội chợ" ngay. Vì chất lượng sản phẩm, chỗ đứng trên thị trường của mình, tự thân người dân có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái hơn bất cứ sự chỉ đạo nào.
Anh Tạ Quang Công dẫn chúng tôi vào vườn bưởi nhà ông Nguyễn Văn Định ở thôn Minh Thân. Đang mùa thu hoạch, sắc vàng của những quả bưởi lung linh bao nhiêu thì hương bưởi chín quyến rũ bấy nhiêu.
Với vườn bưởi này, gia đình ông Định thu mỗi năm tầm 400 triệu đồng. Xã Đại Minh còn nhiều hộ dân có thu nhập rất cao và ổn định từ bưởi như gia đình ông Trần Kim Tiến ở thôn Đại Thân, ông Tạ Minh Tân ở thôn Khả Lĩnh. Cái sự ràng rịt hữu cơ của thị trường thật là hữu hiệu.
Yên Bái còn nổi tiếng với vườn chè, đồi quế, những sản vật giá trị cao đòi hỏi môi trường phải tuyệt đối sạch. Và môi trường không chỉ mang lại chất lượng cho sản phẩm mà cho cả cuộc sống con người.
Chúng tôi không thể quên một đêm ngủ lại vương quốc chè Suối Giàng trong ngôi nhà lợp bằng gỗ pơ mu của người Mông dưới chân đỉnh núi Chông Páo Mùa. Tấm "ngói" bằng gỗ pơ mu ấy biết cong lên dưới ánh nắng trưa cho những tia nắng lọt vào nhà, soi "những hạt bụi thành hạt vàng".
Khi mưa xuống, mái gỗ ấy lại biết khép lại úp khít lên che những hạt mưa xiên khoai. Giữa rừng chè cổ thụ đẹp như bon sai, trong nếp nhà thơm mùi nhựa pơ mu và hương hoa chè dịu ngọt, ngồi bên bếp lửa, tự tay pha ấm trà với những búp móc câu phủ lớp tuyết óng ánh bạc, nhìn qua cửa sổ mây đang giăng màn trên đỉnh núi, hay phóng tầm mắt qua lan can hiên nhà sàn để thấy cánh đồng Nghĩa Lộ - Văn Chấn huyền ảo trong sương sớm, ngộ ra vì sao tên đất này là Suối Giàng. Giàng - đó là "miền Trời".
Rồi sẽ đến một ngày Tây Bắc của chúng ta cũng được gọi là "xứ sở hạnh phúc". Tại sao không?
Sải bước GNH
So sánh giữa GDP (tổng sản phẩm quốc nội) và GNH (tổng hạnh phúc quốc gia) để diễn dịch cụ thể, ta tạm hãy tưởng tượng một con người nơi đô thị, đầy đủ tiện nghi, đi trong chiếc xe hạng sang nhưng phải chờ hàng giờ vì tắc đường, mở cửa xe thì tắc phổi vì khói bụi, uống ly rượu đắt tiền nhưng tâm hồn trĩu nặng lo toan.
Còn ở một nơi chốn khác, người ấy cưỡi chiếc đạp, xe máy hay thậm chí đi bộ trên cung đường núi non, nâng chén rượu ngô không hóa chất, khinh khoái nhìn mây trên núi xa rồi ngồi xuống bên đường, rút từ balô ra cây sáo trúc để tấu lên những giai điệu tha thiết với quê hương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận