TTCT - Cuộc đàm phán về nội chiến Yemen tại Stockholm (Thụy Điển) vào trung tuần tháng 12 đột nhiên đạt kết quả khả quan ngoài sự mong đợi. Trẻ em Yemen giúp đào hố chôn những người chết vì chiến tranh và thảm họa nhân đạo. Ảnh: Reuters Trước hết là thỏa thuận trao đổi 16.000 tù binh giữa hai bên tham chiến. Thứ nhì là thỏa thuận ngưng bắn tạm thời tại cảng Hodeida dưới sự giám sát của quốc tế để thực phẩm cứu trợ tức tốc đến 11 triệu người đang lâm vào cảnh đói kém cùng cực, đe dọa sinh mạng 5 triệu trẻ em và được Liên Hiệp Quốc coi là khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất từ trước đến giờ. Nội chiến tại Yemen nổ ra đã 4 năm, nhưng đến giờ rất ít được dư luận quốc tế quan tâm. Truyền thông đại chúng quốc tế và truyền thông chủ lưu phương Tây chỉ đề cập đến những vấn đề liên quan xa gần đến phương Tây. Xin nhắc lại châm ngôn của báo chí Hoa Kỳ là 1 người chết ở New York bằng 10 người chết ở London, 100 người ở châu Âu và 1.000 người ở nơi khác. Diệt chủng tại Rwanda chỉ được biết đến sau khi đã xảy ra, và hàng triệu người mất mạng một cách thầm kín trong bất an liên tục tại Congo là hai ví dụ. Xó hẻo lánh của Trung Đông Yemen ở một xó Trung Đông hẻo lánh, không có tài nguyên dầu khí và hiện không phải tuyến đọ sức hay thử lửa giữa các thế lực siêu cường. Cộng hòa dân chủ Congo đã nói đến, từ hai thập niên nay là “bãi tập võ” của 7-8 quốc gia châu Phi và 10 năm đầu gây tổn thất 2,8 triệu hay 5,4 triệu nhân mạng chẳng ai rõ, vì chẳng ai đếm kỹ làm gì. Khác biệt giữa hai ước tính này là 2,6 triệu con người, việc họ còn sống hay đã chết hẳn là quan trọng với chính bản thân họ và gia đình họ, nhưng không đáng nhìn kỹ bởi truyền thông thế giới. 28 triệu dân của nước nghèo nhất Trung Đông này tuyệt đại đa số là dân tộc Ả Rập và tôn giáo đạo Hồi. 12 thế kỷ trước, núi đồi trùng điệp miền bắc quốc gia này là cứ địa của một nhánh Hồi giáo Shia ly khai, dòng Zaydi. Hồi giáo có hai ngành chính đối chọi nhau. Zaydi là một nhánh ly khai Shia, yên thân mà trú trong khu vực đất đá miền bắc. Hiện tượng này khá phổ biến tại Trung Đông, địa lý sa mạc và núi đồi cách trở là nơi dung thân của các hệ phái thiểu số ly khai, như người Druze ở đồi Golan (Syria - Israel), người Kitô ở rặng Lebanon hay người Yazidi (“tôn giáo của quỷ”) ở Iraq. Các vương triều Zaydi tại Bắc Yemen là nòng cốt của quốc gia này trong lịch sử, nhưng khi đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) tan rã 100 năm trước, đế quốc Anh chiếm cảng Aden tại miền nam và kinh tế đi vào một giai đoạn khác. Aden là chặng nghỉ và kho hàng trên trục biển Anh - Ấn Độ và khu vực Hồi Sunni này phát triển nhanh chóng. Như vậy, ngoài mâu thuẫn hệ phái Shia - Sunni, còn thêm mâu thuẫn kinh tế giữa hai khu vực miền núi (bắc) và miền biển (nam). Yemen trở thành hai nước sau khi giải thực dân (1967) và Anh Quốc ra đi. Thuộc địa cũ của họ ở miền nam trở thành nước xã hội chủ nghĩa, được khối Liên Xô ủng hộ. Trong tranh chấp hai miền (nội chiến 1972 và 1978), vương triều Saudi Arabia là đồng minh của miền nam xã hội chủ nghĩa vì hiềm khích lâu đời với vương triều Zaydi (Shia) miền bắc! Đến khi Liên Xô lung lay, Yemen thống nhất năm 1990, nhưng các mâu thuẫn đã nói đến không phải vì thế mà biến mất. Người Sunni (nam) là đa số 55% và Zaydi - Shia (bắc) là thiểu số 45%. Thành phần Zaydi này tuy lãnh đạo quốc gia trong 1.000 năm lịch sử nhưng lại yếu kém hơn về kinh tế trong thời hiện đại, phố núi tiêu điều so với phố cảng. Zaydi mất kiểm soát Sanaa là thủ đô của miền bắc, chỉ duy trì ảnh hưởng ở mỗi một tỉnh thượng du. Từ đó họ dấy loạn chống lại “trung ương” mới dưới tên gọi phong trào Houthi. Năm 2011, hòa cùng làn sóng Mùa xuân Ả Rập, ở Yemen, chính quyền tổng thống Ali Abdullah Saleh phải ra đi. Giải pháp của phương Tây và tiểu bá quyền khu vực Saudi là Phó tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi. Ông này được bầu lên với 100% số phiếu, phá kỷ lục Guinness trong một cuộc bầu cử được quốc tế (tức cả phương Tây, Saudi và Liên Hiệp Quốc) công nhận. Nhưng nếu không có tiếng nói trong bầu cử bằng phiếu thì đối lập lên tiếng bằng súng đạn. Cựu tổng thống Saleh trong 33 năm tại chức có nhiều gốc rễ và đệ tử, ông liền liên minh với phiến loạn địa phương Houthi cho khỏi phí và đe dọa chính quyền Hadi. Liên minh này chiếm thủ đô Sanaa và cảng Aden, đuổi Hadi chạy sang Saudi để giữ mạng trong khi quân của ông, tức chính quyền “hợp pháp” của quốc gia, vẫn đây kia chống cự. Đầu năm 2015, vua Salman lên ngôi tại Saudi. Hoàng tử Mohammad bin Salman (MBS), con ông, “xếp bút nghiên” để trở thành bộ trưởng quốc phòng năm 29 tuổi. Ông này “thành liền mong tiến bệ rồng”, đã lên ngựa vung đao, gửi quân sang trực tiếp can thiệp vào nội chiến Yemen, kéo theo các bạn UAE, Bahrain ở vùng Vịnh, dùng quân đánh thuê theo nghĩa “đồng minh” của Sudan, Ai Cập... lẫn đánh thuê “chuyên nghiệp” - 7.000 quân của tổ chức quân sự tư nhân Hoa Kỳ Academi. Cuộc chiến quốc tế hóa Cuộc nội chiến được quốc tế hóa. Một bên là phiến loạn Houthi (Zaydi - Shia) liên minh với cựu tổng thống Saleh (Sunni). Bên kia là quân đội quốc gia của Hadi (Sunni) và lực lượng quốc tế Sunni của mấy nước nhà giàu vùng Vịnh (Saudi - UAE - Bahrain - Qatar) dùng nhân lực Sudan (Sunni) và Academi (theo đạo Benjamin Franklin) với yểm trợ kỹ thuật và cố vấn Mỹ, Anh, Pháp. Lợi dụng rối ren, Al Qaeda và ISIL cũng chen chân tìm đường gây ảnh hưởng. Al Qaeda là đồng minh khách quan của Saudi nhưng ăn bom Mỹ. ISIL chẳng cần ai và đánh tất. Một tác nhân khác hay được truyền thông nhắc đến là Iran, nhìn thấy cơ hội cũng đã tiếp cận và trợ giúp Houthi trong khả năng của họ, một vai trò được Saudi và truyền thông phương Tây thổi phồng lên nhằm dựng ngọn cờ “chính nghĩa” cho riêng họ trong cuộc bình định Yemen và giành giật với Iran của tân thái tử MBS. Nhưng cuộc chiến đã không như ý thái tử. Ba năm sau, Tổng thống Hadi vẫn chưa về nước được và tình hình quân sự vẫn giằng co bấp bênh. Năm 2017, Saudi chiêu dụ được Saleh, nhưng ông bị Houthi giết ngay và biến cố không đủ làm lung lay liên minh của Houthi với các đồ đệ của cựu tổng thống. Ngược lại, mâu thuẫn tiểu cường khiến Qatar bất bình ra khỏi liên minh, rồi bị phong tỏa. Tại Saudi, ông MBS quá bận rộn với những sự vụ trong nước: xáo trộn trật tự cũ của hoàng tộc, chiếm đoạt tiền bạc và ảnh hưởng, rồi bắt giam hàng loạt hoàng thân quốc thích. Mới đây, ông MBS lại bị điều tiếng trong việc sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ, người là tiếng nói của các hoàng thân đối lập. Chuyện vỡ lở rồi rối beng, ầm ĩ khắp các mặt báo phương Tây. Câu chuyện nhà báo thiệt mạng cũng tác động đến toàn cảnh Yemen. Thượng viện Hoa Kỳ mới biểu quyết cấm hỗ trợ chiến tranh Yemen một cách tượng trưng (vì không thể thông qua Hạ viện trước cuối năm). Cũng tượng trưng nữa là Thượng viện Mỹ đồng tâm biểu quyết lên án việc sát hại ông Khashoggi, dù MBS có vẻ được Tổng thống Mỹ Donald Trump che chở. Kết quả tích cực (cho đến giờ) của đàm phán tại Thụy Điển là do sự mất thế của thái tử MBS trên chính trường quốc tế, nếu không muốn nói là ông đang bị đe dọa ngay tại quê nhà. Khi Thượng viện Mỹ biểu quyết 100/100, họ không lên án Vương quốc Saudi, mà chỉ lên án MBS, áp lực “thay người”, vì thế, là không thể coi thường. Nếu thái tử MBS đeo vòng nguyệt quế và ngồi xe tăng chễm chệ vào Sanaa thì đi một nhẽ. Đằng này hao tốn bao nhiêu tiền của ngần ấy năm trời mà vẫn không xử lý nổi đội quân Houthi. Tình thế Yemen cũng là một vũ khí khác với phe đối lập chống MBS. Phải nói, với một số thay đổi như mở cửa rạp phim, diễn nhạc, đô vật và cho phép phụ nữ cầm lái, MBS được lòng quần chúng trẻ trong nước. Còn khi ông bắt giam họ hàng anh em trong khách sạn Ritz Carlton, nhiều người hả dạ hay cười mỉm vì họ cũng chẳng ưa gì các hoàng thân quốc thích ăn xài sa đọa. Nhưng nếu cũng những người trẻ đó mà bắt họ sang xứ Yemen để chơi trò cút bắt tử thần với dân Houthi không có gì để mất thì lại là chuyện khác. Yemen từng là lá bài tẩy của thái tử MBS. Thắng tại đây thì đã chẳng ai trách ông củng cố vị trí sắp làm vua của mình. Nhưng khổ nỗi ông đã không thắng. Tất nhiên, thái tử rêu rao đàm phán thành công với Houthi là một thắng lợi, nhưng e rằng không đơn giản như thế. Cuộc đàm phán sẽ còn lâu dài, không biết chừng còn dài hơn cả ngôi thái tử của MBS cũng nên!■ Chiến tranh hiện nay theo chiều hướng là số chết trực tiếp vì bom đạn quân sự thì ít mà vì khủng hoảng dân sự thì nhiều. Phong tỏa Iraq dưới thời Bush cha và Clinton đã khiến nửa triệu trẻ em thiệt mạng. Tương tự, nếu có 10.000 người tử trận tại Yemen thì đến 85.000 trẻ em chết vì đói và bệnh, 5 triệu trẻ em lâm vào nguy cơ này nếu cảng tiếp tế Hodeida tiếp tục bị phong tỏa. Tags: Nội chiến YemenCuộc chiến bị lãng quên
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Chủ tịch TP Hội An nói gì về thông tin chung chi 1,6-1,8 tỉ đồng mỗi suất xích lô, ghe du lịch? LINH TRANG 23/11/2024 Một tài khoản Facebook vừa đăng tải clip người đàn ông tự cầm điện thoại selfie ở Hội An. Trong clip người này nói "nghe được thông tin mỗi suất đạp xích lô, chèo ghe bơi có giá 1,6 - 1,8 tỉ đồng".