17/08/2024 11:36 GMT+7

Ý tưởng 'hồi sinh' thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ để vững vàng trước thiên tai

Kế hoạch tái thiết TP Antakya sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu năm 2023 cho thấy ý tưởng thiết kế còn nhằm bảo vệ thành phố trước những thảm họa thiên tai tương tự trong tương lai.

Ý tưởng 'hồi sinh' thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ để vững vàng trước thiên tai - Ảnh 1.

Bản vẽ về thành phố Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi được "hồi sinh" - Ảnh: CNN/Türkiye Design Council

Hơn 50.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa khi hai trận động đất có cường độ 7,8 và 7,5 rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria vào ngày 6-2-2023.

Theo Đài CNN, Liên Hiệp Quốc ước tính chi phí tái thiết cho khu vực này lên tới hơn 100 tỉ USD.

Thành phố Antakya, thủ phủ của tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở đất nước này sau trận động đất. Báo cáo cho thấy khoảng 80% tòa nhà ở thành phố đã hư hỏng và không thể sửa chữa.

6 tháng sau động đất, Công ty kiến trúc Foster + Partners đã được tổ chức phi chính phủ Turkiye Design Council ủy nhiệm dẫn đầu một nhóm quốc tế để phát triển chiến lược tái thiết Antakya.

Mới đây, công ty đã công bố quy hoạch tổng thể để tái thiết thành phố. Điểm đặc biệt là thiết kế không chỉ để “hồi sinh” mà còn có khả năng “bảo vệ” thành phố trước thảm họa động đất hay lũ lụt trong tương lai.

Ý tưởng 'hồi sinh' thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ để vững vàng trước thiên tai - Ảnh 2.

Thành phố Antakya bị tàn phá nặng nề sau trận động đất hồi đầu năm 2023 - Ảnh: CNN/AFP

Kiến trúc và thiết kế đường phố sẽ đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại tác động của động đất. Các tòa nhà nhỏ gọn sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn trước các cơn địa chấn so với những công trình hình chữ L lớn và dài trước đây.

Các khu dân cư sẽ được quy hoạch thành những "siêu khối", lấy cảm hứng từ các khu phố ở Barcelona, giúp giảm thiểu mật độ giao thông. Điều này cũng sẽ giúp người dân thuận lợi sơ tán khi xảy ra thiên tai.

Theo kiến trúc sư Nicola Scaranaro, thiết kế này cũng tạo nhiều không gian xanh cho đô thị, từ đó đem đến chất lượng sống tốt hơn cho người dân.

Không gian xanh còn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chống lũ lụt. Do quy định không được tái xây dựng trên một diện tích đáng kể dọc theo sông, các kiến trúc sư có ý tưởng xây dựng các công viên và khu vực xanh dọc theo bờ, tạo thành một "vùng đệm" hấp thụ nước và ngăn lũ lụt.

Ý tưởng 'hồi sinh' thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ để vững vàng trước thiên tai- Ảnh 3.

Những người dân Antakya bị ảnh hưởng sau thảm họa động đất năm 2023 vẫn đang ở trong các căn nhà dựng tạm, ảnh chụp vào tháng 1-2024 - Ảnh: AFP

Dù vậy, ông Scaranaro thừa nhận mục tiêu tái thiết TP này là "nói dễ hơn làm", do đây vốn là khu vực dễ xảy ra động đất.

Kế hoạch tổng thể vẫn đang được thiết lập nhưng một số công tác xây dựng đã bắt đầu. Công ty tư vấn kỹ thuật Buro Happold dự báo việc tái thiết hoàn toàn Antakya sẽ mất tới 10 năm.

Ngoài việc tái thiết thành phố theo hướng hiện đại với những chức năng chống thiên tai quan trọng thì mục tiêu cốt lõi vẫn là bảo tồn "tinh thần" của nó.

Theo Đài CNN, một số công dân lớn tuổi đã được mời phỏng vấn trực tiếp để kể lại những ký ức và hy vọng của họ về thành phố.

Ý tưởng 'hồi sinh' thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ để vững vàng trước thiên tai- Ảnh 4.Tokyo triển khai hệ thống AI ứng phó nhanh với động đất

Thông tin về việc triển khai hệ thống AI được đăng tải trong bối cảnh Nhật Bản vừa đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra siêu động đất dọc theo rãnh Nankai.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên