TTCT - Các bệnh không lây nhiễm tác động qua lại trong mối quan hệ nhân quả và tạo thành một "vòng xoắn bệnh lý chuyển hóa". Mỗi "mắt xích" này cần được phá vỡ bằng các đột phá. Và năm 2024 sẽ là năm tiếp bước các đột phá đã đạt được. Ảnh: LaBioLabKhi đưa ra dự đoán về năm 2024 với lĩnh vực y tế, trang tin công nghệ sinh học châu Âu LaBioTech nhận định có thể lạc quan một cách thận trọng rằng đây sẽ là năm tươi sáng, khi các đột phá đã đạt được trong nghiên cứu lâm sàng và công nghệ sẽ được nối tiếp.Mặc dù không phải là bệnh mới, các bệnh không lây nhiễm (NCD) - bao gồm tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, ung thư và bệnh hô hấp mạn tính - vẫn gây ra 41 triệu ca tử vong mỗi năm, nhiều hơn bất kỳ dịch bệnh nào, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong đó, bệnh tiểu đường và béo phì đang thuộc nhóm bệnh có tỉ lệ mắc cao nhất thế giới.Các bệnh NCD tác động qua lại trong mối quan hệ nhân quả và tạo thành một "vòng xoắn bệnh lý chuyển hóa". Mỗi "mắt xích" này cần được phá vỡ bằng các đột phá. Và năm 2024 sẽ là năm tiếp bước các đột phá đã đạt được.Từ thuốc trị tiểu đường và béo phìNhờ có thị trường rộng lớn (hơn 500 triệu người mắc bệnh tiểu đường loại 2, hơn 1 tỉ người mắc béo phì), trang tin y khoa uy tín StatNews nhận định 2024 sẽ là năm "năng suất" của thuốc trị tiểu đường và béo phì.Sử dụng peptide giống glucagon 1 (GLP-1) - một hormone do ruột non tiết ra khi có thức ăn, có tác dụng kích thích tụy tiết ra hormone insulin làm giảm đường máu - đang là hướng đi mới trong nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh tiểu đường và béo phì.Tháng 9-2023, Hãng dược Novo Nordisk (Đan Mạch) đã tung ra thuốc trị béo phì mới Wegovi và Ozempic và gây "bão" trên toàn thế giới. Loại thuốc này có thành phần Semaglutize, thuộc nhóm thuốc đồng vận GLP-1 (tức tương tự GLP-1) đã được dùng trong điều trị tiểu đường từ năm 2017. Trong vài năm gần đây, thuốc được khám phá có tác dụng giảm cân thông qua việc làm chậm quá trình rỗng dạ dày, giảm cảm giác thèm ăn và tăng cường giải phóng insulin. Do vậy, chúng được dùng trong điều trị béo phì, kể cả cho người không mắc tiểu đường.Tuy nhiên, một phát hiện mang tính đột phá khác, đã được GS.TS Daniel Drucker và các cộng sự tại Viện nghiên cứu Lunenfeld-Tanenbaum (Canada), công bố trên tập san Cell Metabolism ngày 18-12. Thông qua thử nghiệm trên chuột, nhóm của ông lần đầu tiên phát hiện mạng lưới miễn dịch ruột - não, giúp kiểm soát tình trạng viêm khắp cơ thể mà GLP-1 đóng vai trò như "chìa khóa" - nghĩa là chất đồng vận GLP-1 làm giảm tình trạng viêm khi các thụ thể GLP-1 trong não hoạt động và ngược lại.Yếu tố viêm là nguyên nhân chính gây tổn thương các tạng, do đó một trong những điều thực sự thú vị về GLP-1 là ngoài khả năng kiểm soát đường máu và trọng lượng cơ thể, "chúng dường như còn làm giảm các biến chứng của bệnh chuyển hóa mạn tính", tiến sĩ Drucker nói với trang MirageNews.Vị giáo sư này nhấn mạnh thuốc còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim (suy tim, đau tim), đột quỵ, bệnh gan nhiễm mỡ và bệnh thận ở những người bị béo phì, kể cả họ không mắc bệnh tiểu đường. Đây là lý do khiến thuốc được săn lùng đến vậy.Khám phá mới về thuốc trị tiểu đường dựa trên GLP-1 bắt nguồn từ các nghiên cứu tiên phong của Drucker, được tạp chí Science Magazine vinh danh là bước đột phá của năm 2023. Drucker cùng với Joel Habener (Bệnh viện Đa khoa Massachusetts) và Jens Juul Holst (Đại học Copenhagen) là bộ ba nhà khoa học miệt mài nghiên cứu GLP-1 trong nhiều năm qua. Nỗ lực của họ đã được ghi nhận với hàng loạt giải thưởng - 3 giải (Giải thưởng Harrington cho sự đổi mới trong y học của Mỹ, Giải thưởng Quỹ Warren Alpert của Trường Y Harvard và Giải thưởng quốc tế Gairdner của Canada) trong 4 năm (2017-2021) và gần nhất là VinFuture 2023 (giải dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới).Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn tiếp tục công việc trong năm tới, với hai câu hỏi lớn: các tế bào não tương tác với GLP-1 thế nào, và liệu GLP-1 có hiệu quả trong điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu - một bệnh lý đang gia tăng ở phụ nữ và người trẻ.Đến thuốc kìm hãm tăng huyết ápTrong "vòng xoắn" ảnh hưởng qua lại của các bệnh NCD, mỗi "mắt xích" cần có đột phá riêng. "Huyết áp cao không được kiểm soát là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật, do đó cần có các phương pháp điều trị mới giúp kiểm soát huyết áp bền vững trong thời gian dài hơn" - GS George L. Bakris tại Đại học Y Chicago nói.Tiêm Zilebesiran - một chất điều chỉnh RNA ức chế tổng hợp angiotensinogen (chất có vai trò chính gây tăng huyết áp) ở gan - để giảm huyết áp là một trong những đột phá quan trọng nhất năm 2023 mà Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) nêu trong bài tổng kết ngày 19-12.Theo công bố của AHA, một mũi tiêm thử nghiệm Zilebesiran đã cho kết quả an toàn và hiệu quả trong giảm huyết áp tâm thu ở người bị tăng huyết áp từ nhẹ đến trung bình, trong tối đa 6 tháng.Zilebesiran còn có một triển vọng hứa hẹn khác: nó có thể điều trị bệnh thận và tim, trong khi số lần dùng thuốc giảm đáng kể (chỉ cần tiêm thuốc 2 lần mỗi năm). Nghiên cứu sẽ được tiếp tục trong năm tới, khi đối tượng đánh giá được mở rộng và thời gian theo dõi kéo dài hơn.Với những người bị tiểu đường, nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến suy thận và giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ hoặc phải ghép thận. Hiện nay, thuốc ức chế men chuyển (ACE) - vốn dùng để hạ huyết áp - được dùng chính trong điều trị bệnh thận mạn. Tuy nhiên, tác động của nó lên thận "thực sự rất nhỏ" khi không ngăn được sự tiến triển đến suy thận - tiến sĩ Katherine Tuttle, chuyên gia về bệnh thận tại Spokane (Hoa Kỳ), cho biết.Do vậy, Tuttle đã thử nghiệm một phương pháp điều trị mới, khi kết hợp ba loại thuốc gồm thuốc ức chế men chuyển (ACE), thuốc ức chế SGLP2 - một nhóm thuốc điều trị tiểu đường và thuốc kháng Aldosterone, với 714 bệnh nhân tham gia theo dõi trong 1,5 năm, đã cho kết quả "thật đáng kinh ngạc" khi một nửa số bệnh nhân được điều trị có tổn thương ở thận giảm có ý nghĩa.Năm 2024, thử nghiệm này sẽ được nhân rộng toàn cầu với quy mô 11.000 người, trong vòng 4 năm, do Đại học Oxford (Anh) dẫn đầu. Nếu thành công, đây là "cơ hội ngang tầm với những đột phá lớn nhất trong y học" - Tuttle lạc quan nói với The Spokesman Review.Bước sang năm 2024, chúng ta lạc quan khi những bệnh mạn tính đã có bước đột phá trong chẩn đoán, điều trị và tiếp tục được đầu tư nghiên cứu, cùng với sự chú trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần và toàn diện của mỗi cá nhân.Tạm trích lời dạy của cụ Hải Thượng Lãn Ông - người vừa được UNESCO vinh danh, để có một sức khỏe tốt thì nuôi dưỡng tinh thần, ăn uống có tiết chế, ngủ nghỉ có giờ giấc, chú trọng vận động kết hợp với lao động, tinh thần và thể chất luôn luôn khang kiện thì sẽ tận hưởng tuổi thọ ngoài 100. Thiết nghĩ đây là điều thời nào cũng cần.■ AI giúp chẩn đoán tốt hơnTrang Nature Medicine ngày 7-12 đã yêu cầu 11 chuyên gia hàng đầu nêu tên các thử nghiệm lâm sàng có thể tác động lớn đến y học trong năm 2024. Trong số đó có thử nghiệm ứng dụng AI trong chẩn đoán sớm ung thư phổi. Hay LaBioTech ngày 18-12 dự đoán AI sẽ tiếp tục định hình nghiên cứu lâm sàng, và ứng dụng AI trong chẩn đoán ung thư sẽ là lĩnh vực có sự tiến bộ vào năm 2024.AI sẽ tiếp tục được ứng dụng trong hình ảnh học, đặc biệt với ung thư và đột quỵ não - nhóm bệnh đang có xu hướng "trẻ hóa" và hiệu quả điều trị phụ thuộc rất lớn vào thời điểm xác định bệnh, trong đó yếu tố "hình ảnh sớm" đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, hiện nay việc nhận định này còn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ.Với đột quỵ não, AI được triển khai vào thực hành lâm sàng thường quy tại nhiều trung tâm đột quỵ để đẩy nhanh việc phát hiện bệnh. Các thuật toán và mạng lưới thần kinh được phân tích, sử dụng trong tiên lượng và hướng bệnh nhân đến quy trình điều trị phù hợp nhất với tốc độ nhanh nhất. Chúng bao gồm dự đoán nguyên tắc mạch máu não, khả năng khối máu tụ lan rộng, nguy cơ vỡ phình động mạch hay chảy máu dị dạng động - tĩnh mạch (AVM) cũng như dự báo kết quả điều trị.Với ung thư, điển hình như ung thư phổi, AI sẽ dựa vào hình ảnh X-quang ngực hoặc cắt lớp vi tính lồng ngực để dự đoán, giải thích hình ảnh và sàng lọc các dấu hiệu khối u ở cả người khỏe mạnh và người có nguy cơ cao. Từ đó có khả năng phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và tăng khả năng khỏi bệnh. Trong những năm qua, dịch bệnh, chiến tranh xung đột, kinh tế khó khăn và áp lực cuộc sống bủa vây, khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, thậm chí trầm cảm. Cụm từ "chữa lành" đã tràn ngập đời sống và mạng xã hội trong năm qua, và người ta sẽ tiếp tục tìm kiếm liều thuốc chữa lành trong năm 2024. Một số xu hướng được cho là sẽ phổ biến khác: ăn uống dựa trên thực vật, ưu tiên các thực phẩm bảo vệ sức khỏe đường ruột; tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện trí não; chú trọng vẻ đẹp tâm trí - cơ thể với lối tư duy tối giản và chú trọng tinh thần (sự phát triển mạnh mẽ của thiền định, chánh niệm, yoga hay giấc ngủ phục hồi). Tags: Công nghệ sinh họcTổ chức Y tế thế giớiBệnh tiểu đườngY tế thế giớiPhương pháp điều trị
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả tại TP.HCM: Giải pháp thiết thực cho giai đoạn mới CẨM NƯƠNG 22/11/2024 TP.HCM tổ chức hội thảo trọng điểm, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn bộ máy, hướng tới kỷ nguyên mới quản lý hiệu quả và phát triển bền vững.
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?