26/05/2015 10:51 GMT+7

Y Nôn trở về từ cõi chết

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Người Mơ Nâm ở Kon Plông (tỉnh Kon Tum) hiện sống dọc các thung lũng giữa lưng chừng núi chủ yếu trên các xã Đắk Long, xã Hiếu.

Đời sống đồng bào nơi đây còn nghèo nàn, kham khổ và đặc biệt vẫn còn nhiều hủ tục hà khắc, ám ảnh giữa đại ngàn.     

Chiếc chòi đặt ở bìa rừng mà gia đình đã làm cho Y Nôn, sau khi được thầy cúng phán rằng đã bị con ma ăn mất quả tim - Ảnh: T.B.D.
Chiếc chòi đặt ở bìa rừng mà gia đình đã làm cho Y Nôn, sau khi được thầy cúng phán rằng đã bị con ma ăn mất quả tim - Ảnh: T.B.D.

Câu chuyện của Y Nôn xảy ra vào tháng 2-2014 gây chấn động đối với cán bộ lẫn các bác sĩ.

Chờ chết ở bìa rừng

Tháng 2-2014, làng Nước La (xã Đắk Long, huyện Kon Plông) xáo trộn bởi câu chuyện Y Nôn, con gái của A Hành, bị bệnh. Đang học lớp 5, khắp cơ thể  Y Nôn bỗng xuất hiện những đốm da đổi màu, mưng mủ rồi lan rộng. Chỉ sau một tháng, cô bé phải nghỉ học để về nhà điều trị.

Hai ba lần đưa lên trạm xá, các bác sĩ đều yêu cầu gia đình chuyển viện nhưng bố mẹ Y Nôn quyết đưa con trở về làng để nhờ thầy cúng. Giữa căn nhà nằm bên bìa rừng, thầy cúng cắt tiết gà trét lên những vết thương, dùng gậy đập vào người Y Nôn rồi nhìn ra dãy núi phán mơ màng: linh hồn Y Nôn bị ma rừng bắt đi rồi, chỉ còn cái xác, trước sau gì nó cũng phải chết.

Lời thầy cúng như mệnh lệnh cuối cùng, bố mẹ Y Nôn mất hết hi vọng, đưa con gái ra bìa rừng dựng chòi rồi mỗi ngày cắt cử mấy đứa con đưa cơm, chờ Y Nôn chết để đưa ra nhà mả.

Nằm giữa bìa rừng, những vết đau đớn trên thân thể Y Nôn lở loét dần, giòi bọ ăn kín phần da trên thân thể, ăn hư hẳn một con mắt bên phải. Y Nôn nằm rưng rưng nước mắt đợi chờ cái chết như định mệnh mà hủ tục ngàn đời của người Mơ Nâm phải gánh chịu.

Rồi sáng ấy, vô tình cán bộ xã xuống làm đường thấy cô bé nằm thoi thóp đã bế xốc Y Nôn đưa thẳng lên bệnh viện, rồi xuống Quy Nhơn để giành giật sự sống.

Y Nôn được cứu, trở về làng như một nhân chứng sống thách đố lại hủ tục. Nhưng hành trình trở lại của Y Nôn cũng thấm đẫm tủi hờn.

A Đruế - cán bộ xã Đắk Long - kể lại khi Y Nôn được đưa từ nhà ân nhân trở về: “Sau khi được bí thư Đảng ủy xã Đắk Long Võ Thị Lễ cưu mang suốt những ngày chữa trị cho đến lúc lành lặn, đầu năm học Y Nôn được đưa về thăm nhà. Cô bé trở về làng trong sự hoang mang. Các thầy cô, cả chính quyền xã xuống nhà bảo phải cho Y Nôn trở lại trường, không thể để việc học hành đứt đoạn. Nghe tin Y Nôn trở lại trường, thầy cô Trường bán trú Đắk Long háo hức chuẩn bị chăn màn, sắp xếp cho Y Nôn một chiếc giường đẹp nhất, trang trí đầy hoa”.

Chiều đó, cuối giờ A Đruế chạy xe máy vượt rừng đến nhà Y Nôn chở cô bé về trường, nhưng vừa thấy Y Nôn hàng trăm học sinh ở trường bỗng dưng bỏ chạy tán loạn. Chuyện Y Nôn bị ma rừng bắt tội đã được kể ở buôn làng khiến các bạn của Y Nôn ám ảnh.

Đứng giữa sân trường, cô bé người Mơ Nâm ngày nào bệnh tật hành hạ giờ bỗng rơi nước mắt hờn tủi vì bị bạn bè xa lánh.

Y Nôn (bìa trái) khỏe mạnh, vui vẻ và trở lại trường sau khi được những người tốt bụng cứu chữa - Ảnh: T.B.D.
Y Nôn (bìa trái) khỏe mạnh, vui vẻ và trở lại trường sau khi được những người tốt bụng cứu chữa - Ảnh: T.B.D.

Trong vòng tay thầy cô

Thầy giáo Nguyễn Như Tuấn - giáo viên Trường bán trú Đắk Long - nói: “Lúc đó cuối tuần, lẽ ra thầy cô giáo được về nhà với gia đình nhưng không ai muốn về. Tất cả tập trung ở lại để động viên Y Nôn. Các cô bế em lên, người lau mặt, người đưa sữa tình cảm như mẹ con. Tuy nhiên khi thấy học trò xa lánh, thầy cô phải mất hai ba ngày vận động, giải thích cho các em”.

Thầy Tuấn cho biết Y Nôn được thầy cô dành riêng chiếc giường đẹp nhất, trải tấm ra sạch sẽ trang trí đầy màu sắc - chiếc giường mà Y Nôn chưa bao giờ được nằm lên. Thế nhưng Y Nôn đi đâu học trò cũng không chịu tiếp xúc, tới giờ ăn các bạn bưng bát bỏ đi nơi khác vì sợ “con ma lây qua người”.

“Những đêm đó chúng tôi phải yêu cầu các em ở tại chỗ, một giáo viên nữ bế Y Nôn lên giường rồi nằm cạnh ôm ấp Y Nôn giúp em vượt qua những giây phút khó khăn. Ba bốn ngày trôi qua, lũ học trò thấy cô giáo nằm với Y Nôn nhưng vẫn mạnh khỏe nên bắt đầu lại gần, sờ vào người, vuốt lên đầu Y Nôn trong dè dặt. Chẳng ai bị gì, lúc đó học sinh mới biết Y Nôn cũng là con người bình thường.

Việc Y Nôn từ cõi chết trở về như một nhân chứng sống để chống lại hủ tục ngàn đời. Cán bộ xã Đắk Long cho biết câu chuyện của Y Nôn đã khiến người làng Nước La, cả bố mẹ Y Nôn lẫn thầy cúng phải hối lỗi.

Tuy nhiên số phận lại thử thách Y Nôn một lần nữa! Bà Võ Thị Lễ, bí thư Đảng ủy Đắk Long - người nhận cưu mang Y Nôn từ ngày Y Nôn lâm bệnh, nói trong buồn bã:

“Do điều trị thuốc nhiều nên giờ đây bệnh viêm da đã gần hết, nhưng Y Nôn lại có biểu hiện của bệnh phù nề cộng với viêm cột sống. Bằng mọi cách, tốn kém bao nhiêu, đi đến đâu chúng tôi cũng muốn giữ cháu ở lại”.

Ám ảnh thầy cúng

Y Nôn không phải là nạn nhân duy nhất của tục cúng bái dai dẳng, ám ảnh giữa đại ngàn. Nhiều cán bộ ở xã Đắk Long cho biết người Mơ Nâm ở các ngôi làng có một thói quen là hễ có người thân đau yếu là tìm đến thầy cúng để bắt bệnh. Thầy cúng đối với người Mơ Nâm còn linh thiêng hơn cả bác sĩ.

Người bệnh được đặt nằm trên nền đất, thầy cúng cắt tiết gà, ngâm máu heo trét lên người rồi phán thế nào thì gia đình phải chịu như thế. Những trường hợp như vậy, cán bộ thôn hoặc cán bộ trên xã nếu biết chuyện sẽ đánh đường đến can thiệp, nhưng các vụ như vậy rất khó nắm bắt vì gia đình gần như giấu hẳn để thầy cúng can thiệp.

Bà Võ Thị Lễ nhớ lại câu chuyện của một cậu học trò ở làng Kon Ke 1 (xã Đắk Long) xảy ra trước thời gian Y Nôn bị bệnh vài tuần.

“Hôm đó chúng tôi đi qua làng thấy một cháu bé nằm ở chòi rẫy bên đám ruộng. Cháu bé cũng bị bệnh ngoài da như Y Nôn, khắp người lở loét và đã rất yếu. Dừng xe lại hỏi chuyện thì gia đình bảo: Đã mời thầy cúng về làm lễ, cắt gà và mổ heo rồi, thầy cúng nói đã đuổi con ma ra khỏi người nên vài tuần sau sẽ khỏi”.

Cán bộ xã giật mình nhìn cháu bé bệnh tình như có biểu hiện nặng thêm, bảo: “Phải khẩn trương đưa cháu đi bệnh viện ngay”. Cặp vợ chồng người Mơ Nâm vẫn cúi đầu làm ruộng, không tin lời cán bộ.

Ngày hôm sau, cán bộ thôn được triệu tập, lãnh đạo xã yêu cầu bằng mọi cách phải đưa cháu bé bị bệnh ra viện điều trị, nếu không trưởng thôn sẽ phải chịu trách nhiệm.

“Thật may là nhiều lần thuyết phục, dùng cán bộ tại chỗ vận động, gia đình đã đưa con đi viện điều trị và chữa khỏi bệnh trước khi quá nặng chứ không cũng sẽ như cháu Y Nôn” - bà Lễ nói.

Nỗi ám ảnh về thầy cúng dai dẳng và ăn sâu vào đời sống hằng ngày không chỉ đối với người dân mà ngay cả những cán bộ người Mơ Nâm - những người được đi học đàng hoàng - cũng khẳng định với chúng tôi rằng: “Đồng bào người ta tin thầy cúng ít nhiều cũng đúng đấy”.

Cán bộ này kể lại câu chuyện của chính bản thân với niềm tin không lay chuyển: “Hồi nhỏ mình bị đau yếu miết, người mãi không lớn được. Cha mẹ đưa mình đi thầy cúng, thầy luồn tay trong người lôi ra một ốc vít bằng sắt, rồi bảo mình bị lũ bạn hãm hại, bỏ cái thuốc thư vào trong người”.

____________

Kỳ tới: Một chàng trai Mơ Nâm đặc biệt

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên