04/06/2019 10:35 GMT+7

Ý kiến khác nhau quanh dự thảo Luật rượu bia

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Có một điều rất nhiều đại biểu đã nhận thấy: Luật phòng chống tác hại rượu bia dù rất được kỳ vọng nhưng đã được cho là "giảm sức mạnh" khi càng cận kề tới ngày thông qua.

Ý kiến khác nhau quanh dự thảo Luật rượu bia  - Ảnh 1.

Phố đi bộ Bùi Viện, TP.HCM thu hút rất đông bạn trẻ vui chơi và đến uống bia - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau khi Quốc hội tổ chức lấy ý kiến của đại biểu về 3 nội dung để đưa vào dự thảo luật, chỉ có một nội dung về khung thời gian không được quảng cáo rượu bia trên báo nói, báo hình là tạo được sự đồng thuận, sẽ đưa vào luật. Hai phương án còn lại do chưa quá bán nên vẫn chưa thể "chốt".

Đó là các nội dung siết quy định đối với người sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông, và hạn chế thời gian bán rượu bia để tiêu dùng tại chỗ.

Ý kiến khác nhau quanh dự thảo Luật rượu bia  - Ảnh 2.

Ngược lại với bỏ phiếu của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường, thăm dò bạn đọc trên Tuổi Trẻ Online cho thấy với câu hỏi “Có nên cấm bán rượu bia sau 22h?”, trong số 475 bạn đọc trả lời thì có đến hơn 300 bạn đọc chọn “có”, chiếm hơn 60%, chỉ 150 bạn đọc chọn “không”, chiếm hơn 30%! - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Điều này dường như đã được các đại biểu chỉ thẳng khi thảo luận về luật này vào ngày 23-5. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng những khuôn pháp lý từng được xem như xương sống, bánh lái tạo sự cứng rắn của luật gần như bị mất đi so với dự thảo ban đầu.

Bà bất ngờ vì dự thảo này không còn cấm bán rượu bia trên 15% độ cồn trên Internet. Trong khi nội dung này đã được quy định tại nghị định số 105 năm 2017 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu.

Nhìn ở một góc độ khác, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng đang có sự "giằng xé" giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng liên quan dự thảo luật này. Từ dự luật khá chặt chẽ, được xây dựng trên các căn cứ khoa học nhưng qua nhiều lần trình các chế định "xương sống" của dự luật đã dần bị "đẩy" ra ngoài.

Cùng chung quan điểm, bà Trần Thị Thu Trang - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - cũng từng cho rằng so với dự thảo ban đầu, đúng là dự thảo càng về gần tới đích thì có chiều hướng suy giảm sức mạnh hơn. Đặc biệt là về các quy định hạn chế tính sẵn có của bia rượu.

Theo bà Trang, mức thuế rượu bia ở Việt Nam mới bằng khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi khu vực thu 48-85%.

Bà Trang nói những lo lắng về việc thất thu thuế một khi siết luật là không hợp lý bởi thuế rượu bia chưa bằng các tổn thất liên quan đến rượu bia về sức khỏe, về suy giảm khả năng lao động, gây tai nạn giao thông... mà tổn thất về con người không có gì đong đếm được.

Ý kiến khác nhau quanh dự thảo Luật rượu bia  - Ảnh 3.

Sau 22h vào ngày cuối tuần, phố đi bộ Bùi Viện, TP.HCM trở thành “phố đi nhậu”! - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Tôi rất buồn"

bui sy loi

Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi

Sau khi có kết quả lấy ý kiến, phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã thốt lên: "Tôi rất buồn!".

Ông Lợi nói thêm: "Tôi là người ủng hộ phương án 1. Ngay khi Quốc hội cho hiển thị bảng kết quả biểu quyết, không tin rằng số đại biểu không đồng tình với phương án theo hướng tăng nặng chế tài lại nhiều như thế nên tôi nghĩ rằng các đại biểu đã chưa hiểu đầy đủ hàm ý của câu từ trong hai phương án.

Lúc đó tôi mới lên tiếng giải thích và đề nghị cho bấm lại. Tôi cũng thấy tiếc với kết quả, nhưng đó là lựa chọn của các đại biểu, trước mắt thì quy định chế tài người sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông được áp dụng theo Luật Giao thông đường bộ".

"Luật phải tạo ra nền tảng để ngăn chặn sự lạm dụng"

nguyenthanhhiennghean

Phó trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền

ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng chia sẻ: "Tôi rất lấy làm tiếc trước kết quả thăm dò ý kiến đại biểu ở hai nội dung mà Quốc hội đã công bố. Khi bấm nút tôi đã lựa chọn phương án 1 - đã lái xe thì tuyệt đối không sử dụng bia rượu.

Thời gian qua có rất nhiều vụ tai nạn giao thông mà chúng ta đều biết nguyên nhân sâu xa là từ bia rượu. Việc cấm sử dụng bia rượu khi lái xe ở nhiều nước đã làm từ lâu, người lái xe không gây tai nạn nhưng nếu có sử dụng bia rượu thì bị phạt rất nặng, thậm chí người biết tài xế trước khi lái xe đã uống bia rượu cũng có thể bị phạt lây.

Có quy định cấm uống rượu bia khi lái xe thì lợi nhuận kinh tế của ngành sản xuất bia rượu vẫn không giảm. Chúng ta chỉ cấm uống khi lái xe, trong đời sống thường ngày thì vẫn sử dụng chứ luật không cấm triệt.

Vấn đề quan trọng ở đây là chống lạm dụng, bảo vệ tính mạng, tài sản của mọi người dân. Chúng ta không cấm sử dụng, nhưng cấm lạm dụng là điều cần phải làm".

Đại biểu

TTO - Phần lấy ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến một số nội dung tại dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia chiều 3-6 đã chứng kiến sự giằng co chưa có tiền lệ khi các ý kiến đồng ý và phản đối việc siết luật đều không quá bán.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên