Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội - Ảnh: TTO |
Thật ra, đây không phải là một hoạt động mới bởi đã được quy định trong Luật tiếp công dân. Cái mới là lần này Ban Dân nguyện có kế hoạch cụ thể để chủ động phối hợp thực hiện cùng Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan chức năng.
Địa điểm vẫn là tại trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước ở Hà Nội và TP.HCM. Và việc tiếp dân không chỉ để tiếp nhận, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo mà còn lắng nghe ý kiến cử tri và nhân dân gửi đến Quốc hội.
Chưa biết kết quả cụ thể thế nào, bởi hôm nay (20-5) Quốc hội mới khai mạc kỳ họp thứ 9, nhưng việc cải tiến cách thức tiếp dân như vậy chắc chắn sẽ khiến không ít cử tri hài lòng. Ít nhất khi cần, họ có thể đến gặp cơ quan chức năng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại một địa điểm cụ thể được công bố.
Đại biểu đại diện tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Muốn nắm bắt chính xác người dân đang nghĩ gì, muốn gì thì các vị đại diện họ phải gần gũi với nhân dân, mở cửa mở lòng để lắng nghe ngàn vạn tiếng nói giữa cuộc đời.
Mới đây, khi nghe báo cáo của Chính phủ liên quan đến điều 60 Luật bảo hiểm xã hội - một điều luật chưa có hiệu lực thi hành nhưng đã có nhiều ý kiến không đồng tình, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trăn trở liệu sự phản ứng của một bộ phận công nhân ở một vài nhà máy có đại diện cho đa số người lao động hay không?
Bởi qua phân tích thì quy định tại điều này đem lại quyền lợi lâu dài cho người lao động là về già sẽ có lương hưu, chứ nộp bảo hiểm thời gian ngắn mà rút ra thì chỉ người lao động thiệt thòi.
Nhưng phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Mai Đức Chính cho biết không ít người lao động hiểu là vậy nhưng cái khó bó cái khôn, khi con cái thiếu tiền học phí, ốm đau không có tiền chữa bệnh thì người lao động buộc phải nghĩ tới cái trước mắt.
Đây là một thực tế, mà chỉ khi đến với phòng trọ công nhân thì có thể một vị đại biểu Quốc hội mới nắm bắt được đúng tình hình.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét, quyết định nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến dân như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật trưng cầu ý dân...
Trong đó dự án Luật trưng cầu ý dân là “món nợ” của Quốc hội với cử tri từ rất lâu rồi. Mới đây, khi thảo luận dự án luật này, có ý kiến còn băn khoăn một vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân thì Quốc hội có cần phải xem xét là chấp thuận hay không chấp thuận thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lập tức khẳng định: đã hỏi ý dân là để thực hiện chứ không phải để tham khảo.
Chắc hẳn khi phát biểu điều này, Chủ tịch Quốc hội hiểu rõ ý nhân dân là trên hết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận