Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) bắt tay Phó thủ tướng Ý kiêm Bộ trưởng Lao động và công nghiệp Luigi Di Maio sau khi ký kết thỏa thuận thương mại ngày 23-3 - Ảnh: REUTERS
Việc ký kết này diễn ra ngày 23-3, là trọng tâm trong chuyến đi ba ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới nước Ý.
Ý là thành viên đầu tiên trong nhóm các cường quốc công nghiệp G7 ủng hộ sáng kiến của Trung Quốc và tính đến nay là nền kinh tế lớn nhất thế giới ủng hộ dự án tham vọng này của Bắc Kinh.
Động thái trên đã khiến Mỹ phản đối, đồng thời dấy lên lo ngại cho một số đồng minh của Rome ở Liên minh châu Âu (EU).
Hiện nay, Mỹ và EU vẫn chưa an tâm về khả năng Trung Quốc có thể dùng - cũng như các khoản đầu tư nói chung để tiếp cận công nghệ, các dự án hạ tầng nhạy cảm của phương Tây.
Nhưng vừa qua, trong lễ ký kết biên bản ghi nhớ với Trung Quốc, Phó thủ tướng Ý Luigi Di Maio tìm cách xoa dịu các lo ngại ấy.
Ông Di Maio - lãnh đạo Đảng Phong trào 5 Sao đang có vị thế lớn trong liên minh cầm quyền ở Ý, nói với các phóng viên rằng dù Rome duy trì cam kết toàn diện với các đối tác phương Tây thì họ cũng phải đặt lợi ích quốc gia của Ý lên trên hết khi xét tới góc độ thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte - Ảnh: REUTERS
Di Maio, người trước sau ủng hộ mạnh mẽ Vành đai - Con đường, nói: "Đây là ngày rất quan trọng với chúng tôi, một ngày mà mục tiêu Made-in-Italy (hàng sản xuất ở Ý) đã chiến thắng, nước Ý chiến thắng và các công ty Ý chiến thắng".
Trong lần đón tiếp ông Tập Cận Bình này, các công ty Ý đã ký kết hàng loạt hợp đồng với đối tác từ phía Trung Quốc, trị giá ban đầu 2,5 tỉ euro (2,8 tỉ USD). Theo ông Di Maio, các hợp đồng này có tiềm năng và tương lai sẽ mang giá trị 20 tỉ euro.
Vành đai - Con đường là trọng tâm trong chiến lược chính sách đối ngoại của Trung Quốc với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành lãnh đạo toàn cầu.
Nó được cụ thể hóa bằng những khoản đầu tư hạ tầng nhằm kết nối Trung Quốc tới châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ… trên lý thuyết sẽ tạo ra một "con đường tơ lụa" nhằm thông thương, thúc đẩy thương mại toàn cầu.
Nhưng trong mắt phương Tây, tham vọng của Trung Quốc không chỉ được quan sát qua lăng kính kinh tế - thương mại.
Lấy ví dụ Mỹ lo ngại Trung Quốc dùng Vành đai - Con đường để tăng cường ảnh hưởng quân sự và có thể sử dụng hạ tầng công nghệ để do thám phương Tây.
Ngay cả nội bộ chính quyền Ý cũng chia rẽ xung quanh việc nên hay không tham gia dự án của Trung Quốc.
Trong khi phe Phong trào 5 Sao - bị coi là cánh dân túy, rất ủng hộ Vành đai - Con đường, thì Liên minh cực hữu do Phó thủ tướng Matteo Salvini lãnh đạo lại cảnh báo nguy cơ "thực dân hóa" nhằm vào thị trường Ý.
Đây là cách nói khác về khái niệm "ngoại giao bẫy nợ" mà phương Tây hay dùng khi nói về chiến lược của Trung Quốc.
Theo Reuters, ông Salvini không gặp ông Tập vừa qua và cũng từ chối tham dự bữa ăn tối chào đón vị Chủ tịch Trung Quốc ngày 22-3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận