07/07/2019 10:39 GMT+7

Ý chí mạnh mẽ ở một ngôi trường vùng núi Afghanistan

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Không hệ thống sưởi, không máy tính, nhưng rất nhiều học sinh của ngôi trường này, hầu hết là nữ sinh, đã thi đỗ đại học.

Ý chí mạnh mẽ ở một ngôi trường vùng núi Afghanistan - Ảnh 1.

Các em nữ sinh Trường Rustam đi bộ trên con đường độc đạo xuyên qua núi từ trường về nhà sau buổi học - Ảnh: NYT

Câu chuyện trên báo New York Times về một ngôi trường nghèo khó ở vùng núi xa xôi của Afghanistan khiến ta nghĩ nhiều hơn về sức mạnh của ý chí và nỗ lực.

Điều em mong muốn nhất trên đời là có một chiếc laptop.

Hakimi

Bóng dáng các em gái bắt đầu hiện ra từ lúc 7h sáng. Từ xa, trông các em như những đường chỉ mảnh màu xanh lá uốn lượn theo lối mòn trên sườn núi, tụ lại từ nhiều hướng ở một ngôi trường nhỏ nằm dưới thung lũng. Mặc đồng phục màu xanh và trùm khăn trắng trên đầu, nhiều em gái trong đó, tuổi 7-18, đã phải lội bộ cả giờ đồng hồ trước đó hoặc lâu hơn thế để tới trường. Ngoài các em gái, còn một số nhóm nhỏ nam sinh đi gần đó.

Tới 7h45, tất cả cùng tập trung ở sân Trường Rustam, ngôi trường ở một góc xa xôi của huyện Yakawlang, tỉnh Bamiyan, Afghanistan. 

Đó là ngôi trường trung học duy nhất trong vùng, có các lớp 1-12. Trường có 330 em gái và 146 em trai, đó là tỉ lệ vô cùng ấn tượng ở một đất nước như Afghanistan, nơi thường chỉ có 1/3 các em gái đi học.

Thầy hiệu trưởng Mohammad Sadiq Nasiri, 49 tuổi, sẽ lại chia sẻ với các học sinh một lời nhắn nhủ quen thuộc của ông: "Năm nay vào đại học sẽ khó hơn nhiều, vậy nên thầy mong các em phải nỗ lực nhiều hơn bao giờ hết".

Nếu nhìn vào cơ sở vật chất, có lẽ Trường Rustam không phải nơi lý tưởng để nhen lên những giấc mơ đại học. Với 7 lớp học xây bằng đá cộng thêm 6 gian lều lớn bổ sung, vì học trò quá đông nên trường phải chia thành các buổi học sáng và chiều trong bốn tiếng. Các em học sinh lớp 1 cũng phải học ở một lớp ngoài trời.

Nhiều tài liệu học tập trong trường thầy cô phải chép tay. Một cô giáo nói thậm chí cô còn có ít sách hơn cả học trò. Thầy Nasiri cho biết chỉ 5% các em học sinh của thầy có cha mẹ là những người biết đọc và viết. Hầu hết là con em các gia đình nông dân có mức sống rất eo hẹp.

Thế nhưng bất chấp tất cả khó khăn, trong năm học 2017 có tới 60/65 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông của Trường Rustam đã trúng tuyển vào các trường đại học công lập của Afghanistan, tỉ lệ đậu đại học là 92%. Đáng nói hơn, 2/3 trong số các em đỗ đại học là nữ. Vài năm trước, tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn: 97%.

Không giống như hầu hết ngôi trường khác của Afghanistan, Trường Rustam cho các học sinh nam, nữ học chung. "Nam giới và nữ giới là bình đẳng - thầy hiệu trưởng Nasiri nói - Họ đều có khối óc và cơ thể như nhau. Chúng tôi nói với các em không có sự khác biệt nào giữa chúng, các em sẽ học cùng nhau khi vào đại học, vì vậy cần học cách tôn trọng nhau".

Có một điều thú vị nữa ở ngôi trường này là các em học sinh, đặc biệt nữ sinh, rất thích môn toán. 40% các câu hỏi trong kỳ thi đầu vào đại học liên quan tới toán, nhiều hơn bất cứ môn nào khác. Và các nữ sinh của trường đã rất xuất sắc. 

Người giỏi nhất môn toán, dựa trên điểm thi, là nữ sinh 17 tuổi Shahrbano Hakimi đang học lớp 11. Mãi tới gần đây, các em vẫn phải học "chay" về hệ điều hành Windows trên sách vì hầu như không ai có máy tính ở nhà.

"Điều em mong muốn nhất trên đời là có một chiếc laptop" - Hakimi nói. Dù là người đứng đầu trong lớp học máy tính, cô bé vẫn chưa có một chiếc máy tính để học.

Trước đây, ở giai đoạn Taliban cai trị Afghanistan, các bé gái bị cấm đi học và chỉ quanh quẩn trong nhà. Việc cấm đoán này ngặt nghèo hơn tại các vùng nông thôn như huyện Yakawlang. 

Song, theo các giáo viên ở Rustam, có lẽ chính hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt đã thôi thúc thêm niềm đam mê học tập với người dân địa phương, đặc biệt là các em gái. Ngay chính cô giáo Joya, 28 tuổi, đang dạy môn toán lớp 4, chỉ được đi học từ năm 11 tuổi, khi Taliban sụp đổ.

Các cô bé ở Trường Rustam có động lực học tập rất mạnh mẽ. "Thực sự các em gái học giỏi hơn các em trai vì các em ấy nghiêm túc hơn - thầy Nasiri nhận xét - Tất cả đứa trẻ ở đây đều biết rằng người ta không thể bắt một ai đó có giáo dục trở thành nô lệ".

Kết quả học tập trên thực tế đúng là như vậy. Ngoại trừ các môn nghiên cứu đạo Hồi, gần như tất cả môn khác, các cô gái đều đứng đầu. Em Amina, gần 18 tuổi, là học sinh xuất sắc nhất trường. Cô bé khiêm tốn nói có được điều đó là nhờ cha em được đi học, mặc dù mẹ em mù chữ. 

Amina cũng là người đầu tiên trong số 8 anh chị em sẽ học xong trung học và đang ấp ủ mơ ước đỗ vào Học viện Mawoud tại Kabul, một trường dự bị đại học. Amina thích học toán nhất và em muốn trở thành bác sĩ.

"Tôi không muốn chúng có cuộc đời giống mình"

Giống như Amina, em Hakimi cũng muốn sau này làm bác sĩ, một phần vì mẹ em đang bị bệnh về mắt, còn cha em gần như điếc ở tuổi 65. Cả cha lẫn mẹ em đều mù chữ. Trong ngôi nhà vách đất của gia đình Hakimi, điện chỉ có một chút vào ban đêm, cốt để cho em học.

"Tôi không được đi học - cha Hakimi, ông Ghulam Hussein, nói - Tôi chỉ là nông dân. Tôi không muốn chúng có cuộc đời giống mình". Trong số 11 đứa con của ông, đã có một con trai và hai con gái vào được đại học. "Tôi rất tự hào về chúng" - bà Zenat, mẹ Hakimi, nói.

Ông bố người Nhật và ngôi trường ở Quảng Nam

TTO - Sau 10 năm, một người đàn ông Nhật Bản đã ngoài 70 tuổi lặn lội từ Nhật tới xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) thăm lại ngôi trường mang tên con gái mình.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên