Y bác sĩ tại bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán kiểm tra tình trạng của một bệnh nhân nhiễm COVID-19. Không ít người đã phải đọc kết quả xét nghiệm dương tính của chính bạn, đồng nghiệp mình - Ảnh: REUTERS
Hôm 13-2, tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong tiết lộ có từ 500-600 nhân viên y tế ở Trung Quốc đại lục đã nhiễm bệnh nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19). Tờ báo được tỉ phú Jack Ma của Trung Quốc mua lại năm 2016 cảnh báo tình hình thực tế có thể nghiêm trọng hơn nhiều.
Đúng 1 ngày sau đó, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) xác nhận 1.716 nhân viên y tế đã mắc COVID-19, với 6 người trong đó đã chết. Con số này cao gấp 2 lần số y bác sĩ bị lây nhiễm trong dịch SARS năm 2003.
Không hề biết bị lây nhiễm
Trong 1.716 y bác sĩ nhiễm bệnh, 1.502 người đến từ Hồ Bắc và trong số đó Vũ Hán - vùng tâm dịch, chiếm tới 1.102 người. Quy mô và mức độ lây nhiễm chéo trong bệnh viện ở Trung Quốc vẫn còn là điều bí ẩn nhưng nó đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo từ trung tuần tháng 1, khi người ta vẫn gọi đây là "bệnh viêm phổi lạ ở Vũ Hán" thay vì nCoV và bây giờ là COVID-19.
Nhiều nhân viên y tế đã bị lây nhiễm từ tháng 1, thời điểm dịch bệnh nhen nhóm bùng phát trong khi các cơ quan y tế Trung Quốc một mực khẳng định không có dấu hiệu lây từ người sang người. Một bác sĩ giấu tên ở Vũ Hán đã tiết lộ với SCMP rằng vào thời điểm đó đã có 500 nhân viên y tế nhiễm bệnh, 600 người khác bị nghi nhiễm.
Bà Cai Haodong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Bắc Kinh, nhận định số nhân viên y tế mắc COVID-19 cao hơn SARS là do nhiều bệnh nhân đã tiếp xúc với họ không có triệu chứng gì.
"Virus corona ở trong bóng tối, các y bác sĩ ở ngoài sáng. Họ có thể đã mất cảnh giác vì các bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng gì. Khi các bác sĩ nhiễm bệnh, họ có thể sẽ lây cho những người khỏe mạnh và tạo ra ổ dịch trong bệnh viện thông qua lây nhiễm chéo các đồng nghiệp khác", bà Cai lập luận.
Lực lượng quân y tăng cường đợt 2 vừa đến sân bay quốc tế Thiên Hà ở TP Vũ Hán ngày 17-2 - Ảnh: REUTERS
Tổng giám đốc WHO bày tỏ sự kính trọng các y tá ở tuyến đầu
Ngày 17-2, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ lòng kính trọng dành cho những y tá ở tuyến đầu chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhấn mạnh hơn bao giờ hết thế giới lúc này cần thể hiện tinh thần đoàn kết với đội ngũ nhân viên y tế.
Trong phát biểu của mình, tổng giám đốc WHO cho biết các nhân viên y tế, trong đó có y tá, là những người đang phải chịu áp lực lớn nhất trong cuộc chiến chống COVID-19.
Ông đề cập tới đoạn video được Tân Hoa xã đăng tải trên Twitter trước đó, trong đó kể về câu chuyện của 6 y tá tại một điểm cách ly ở tỉnh An Huy đang chăm sóc 2 đứa trẻ có cha mẹ nhiễm virus corona chủng mới.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh đoạn video đã cho thấy những nỗ lực và sự tận tụy của những y tá đối với công việc của mình và bệnh nhân. Vì thế, hơn bao giờ hết, cộng đồng quốc tế cần thể hiện tinh thần đoàn kết và ủng hộ dành cho những y tá và nữ hộ sinh.
Hai nhân viên y tế Vũ Hán hỗ trợ một bệnh nhân COVID-19 gặp vấn đề về hô hấp - Ảnh: REUTERS
Ông Huang Chaolin, phó giám đốc bệnh viện Jinyintan Vũ Hán, người đã xuất bản một bài báo trên tờ The Lancet về các triệu chứng của COVID-19, bắt đầu phát hiện bản thân mình có những dấu hiệu tương tự vào ngày 17-1 và được xác nhận dương tính với virus corona mới 5 ngày sau đó.
Ban đầu ông chỉ nghĩ mình bị cảm lạnh nên vẫn tiếp tục tới bệnh viện làm việc, thậm chí tổ chức một cuộc họp báo và đón các chuyên gia y tế từ Bắc Kinh ngày 19-1. Viết trên tờ China Newsweek, Huang tin rằng hai bệnh nhân không có triệu chứng gì mà ông đã khám ngày 10-1 là những người đã lây bệnh cho ông.
Trung Quốc tăng tiền thưởng, ca ngợi như anh hùng
Khi số bệnh nhân tăng đột biến tại Hồ Bắc và Vũ Hán, đội ngũ y bác sĩ nhanh chóng bị quá tải. Họ phải làm việc liên tục và căng thẳng dẫn tới hệ miễn dịch bị suy yếu, biến họ trở thành mục tiêu dễ bị virus corona mới tấn công nhất.
"Chúng tôi gần như ngã quỵ khi đọc kết quả CT của các đồng nghiệp bị nhiễm bệnh. Chúng tôi đã khóc, cầu xin mọi người quyên góp đồ bảo hộ cho những khu cách ly. Có quá nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã ngã xuống vì thiếu đồ bảo hộ đúng cách", một bác sĩ giấu tên ở Vũ Hán chia sẻ với báo SCMP.
Một nhân viên y tế Vũ Hán tranh thủ chợp mắt ngay trong lúc đứng - Ảnh: REUTERS
Để trấn an lòng dân, Trung Quốc đã liên tục đưa người tới giải vây cho Vũ Hán và Hồ Bắc. Khoảng 20.000 nhân viên y tế, chưa tính gần 9.000 lính quân y, đã được đưa tới vùng tâm dịch.
NHC cam kết sẽ cho các y bác sĩ nghỉ bù sau khi hết dịch đồng thời tăng thêm tiền phụ cấp cho mỗi người từ 200-300 nhân dân tệ/ngày. Các khoản phụ cấp này cùng với tiền thưởng (nếu có) sẽ được miễn thuế thu nhập, theo Tân Hoa xã.
Một vấn đề quan trọng khác là tâm lý của các y bác sĩ, đặc biệt là những người tuyến đầu. NHC chỉ đạo cần phải có các đội ngũ bác sĩ tâm lý để giải tỏa căng thẳng. Tân Hoa xã thừa nhận sự thiếu thốn về đồ bảo hộ y tế và cho biết nhiều trường hợp y bác sĩ phải mặc tã để làm việc để tiết kiệm đồ bảo hộ, có người không ăn uống và làm việc liên tục 10 tiếng.
Chính quyền Bắc Kinh đang không tiếc tiền thưởng và lời khen dành cho các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Nhưng nói như tờ SCMP, mọi thứ chỉ được đẩy mạnh và công khai sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh nhưng bị trù dập và khiển trách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận