Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, chất cực độc xyanua hiện được rao bán công khai trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, các website và thậm chí là các sàn thương mại điện tử...
Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm "mua xyanua giá rẻ", hàng chục trang mạng rao bán loại hóa chất "xổ" ra mời chào ngay trước mặt khách hàng.
Khi chất độc... lên sàn
Tại một trang web của công ty A đang rao bán các hóa chất như Kali xyanua, Potassium xyanua, Potassium cyanide... với khối lượng 50kg/thùng, các loại chất này được quảng cáo có xuất xứ từ USA (Mỹ).
Theo nội dung quảng cáo, Kali xyanua được sử dụng nhằm chiết tách vàng và các kim loại quý khác từ quặng, xi mạ. Qua số điện thoại được niêm yết, ban đầu người bán tỏ vẻ dè chừng, tuy vậy chỉ cần khách hàng ngỏ ý muốn mua hai thùng xyanua, người này liền chốt "bán không giới hạn số lượng".
Không chỉ được rao bán bởi các công ty, chúng tôi khá bất ngờ khi sản phẩm cực độc này còn lên hẳn các sàn thương mại điện tử nổi tiếng. "Xyanua giá tốt tháng 7-2024", "Mua xyanua giá tốt, uy tín, chất lượng"... Chỉ cần ấn lệnh đặt hàng, đơn vị bán hàng đồng ý giao hàng trong vài ngày với giá vài trăm ngàn đồng.
Tại một sàn thương mại điện tử nổi tiếng khác, chúng tôi thấy đang rao bán thuốc thử Mclean 95% Natri xyanua borohydride với giá gần 400.000 đồng/lọ, khối lượng đủ loại từ 5 gam, 25 gam và 100 gam. Sản phẩm được đăng tải bán ghi rõ "không có thương hiệu", toàn bộ bao bì dán chữ nước ngoài.
Thông qua một số điện thoại công khai trên mạng, chúng tôi tiếp tục liên hệ liền được một nam nhân viên hứa cung ứng "uy tín chất lượng". Người này không cần quan tâm khách hàng sử dụng xyanua vào mục đích gì. "Sản phẩm bên em đảm bảo chất lượng, giá mềm và bao nhiêu cũng có", người này quảng cáo.
Không chỉ xyanua, một số sàn thương mại điện tử hiện nay còn rao bán một số các chất diệt chuột dạng lỏng không màu, không mùi, uống vào chuột có thể "chết ngay tại chỗ".
Tại sàn thương mại điện tử S đang rao bán "hàng cực độc" thuốc diệt chuột xuất xứ từ nước ngoài, loại đậm đặc chết cực nhanh với giá 10.000 đồng/ống. Theo quan sát, loại chất này có màu đỏ, dạng nước được đựng trong ống nhựa nhãn mác nước ngoài, đáng nói sản phẩm không có bất kỳ thông tin nào về nguồn gốc, xuất xứ, thành phần hóa học.
Nói về việc mua bán xyanua tràn lan, một bác sĩ làm trong ngành y tế ở Đồng Nai chia sẻ: "Tôi băn khoăn về câu chuyện quản lý. Lên mạng tìm kiếm, tôi giả vờ mua chất này thì thấy rao bán đầy trên mạng, điều này cho thấy quản lý chất cấm còn lỏng lẻo".
Phải quy định rõ điều kiện người mua chất xyanua
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia hóa học Trần Hồng Côn cho biết xyanua được xếp vào loại "chất độc đầu bảng" có thể gây nguy hiểm chết người dù với lượng rất nhỏ. Loại chất này thường tồn tại ở dạng tinh thể như muối, khi ra ngoài không khí có thể ngửi mùi tương tự như hạnh nhân.
Người ngộ độc xyanua có thể đau bụng, nôn ói... Đây là loại chất hấp thụ trong cơ thể rất nhanh, đi theo máu gây tổn thương các cơ quan, nhất là hệ thần kinh.
"Hàng nghìn năm cho đến nay, xyanua được xếp vào loại chất độc hàng đầu với câu nói: "Thứ nhất là nhân ngôn (xyanua), thứ nhì là thạch tín (asen)". Ngộ độc xyanua là vô phương cứu chữa. Một người 50kg chỉ cần ăn một lượng xyanua bằng hạt đậu xanh có thể tử vong", chuyên gia hóa học Hồng Côn cho biết.
Theo ông Côn, xyanua là loại hóa chất đang được sử dụng rất nhiều trong khai thác vàng. Ở một số quốc gia vẫn cho phép sử dụng loại chất này để khai thác vàng do mang lại hiệu quả cao.
"Thị trường xuất hiện tình trạng rao bán một số loại chất như Potassium cyanide, Sodium cyanide ở dạng viên hoặc tinh thể đều có gốc xyanua nếu không may bị hít hoặc ăn phải rất nguy hiểm.
Ngoài xyanua, một số chất khác cũng nguy hiểm nhưng hiện nay đang được rao bán như asen, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... Đối với các loại chất cần phải tăng cường công tác quản lý từ các ngành chức năng, quản lý thị trường", ông Côn kiến nghị.
Việc ngộ độc xyanua không phải hiếm. TS.BS Nguyễn Thị Thủy Ngân, phó khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh viện đã từng tiếp nhận một số bệnh nhân bị ngộ độc xyanua trong tình trạng nguy kịch.
Các trường hợp này qua khai thác bệnh sử, theo bác sĩ Ngân, đa phần là tiếp cận với nguồn xyanua được mua từ các trang mạng không chính thống. "Xyanua là chất khí hoặc chất lỏng không màu hoặc cũng có thể ở dạng tinh thể rắn. Vì vậy nạn nhân khó nhận ra nếu chất này hòa trong thức ăn, nước uống ở các trường hợp bị đầu độc", bác sĩ Ngân nói.
Từ vụ đầu độc bằng xyanua tại Đồng Nai, bác sĩ Ngân nói đây là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc. Tình trạng này càng trở nên nguy hiểm hơn, khi đã xuất hiện ngày càng nở rộ bằng các con đường giao dịch trên không gian mạng, sàn thương mại điện tử, các kênh mua bán không chính thống.
"Do vậy, chúng ta phải tìm cách kiểm soát được các nguồn thuốc không chính thống từ những nơi này. Đặc biệt khi có bất kỳ ca ngộ độc nào xảy ra cần kiểm soát, truy được nguồn gốc nơi bán, xử phạt nặng tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra", bác sĩ Ngân nói.
Trao đổi thêm, luật sư Trương Hồng Điền, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết chất xyanua không thuộc danh mục hóa chất bị cấm bán mà nằm trong danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.
Theo đó, cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh, mua bán hóa chất này cần phải tuân thủ các quy định tại Luật Hóa chất 2007 và nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9-10-2017 của Chính phủ. Việc mua bán chất xyanua phải có phiếu kiểm soát.
Tuy nhiên, hiện nay pháp luật lại không quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua, sử dụng chất xyanua. Đồng thời, cũng không có quy định về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua mới được bán. Điều này đã dẫn đến tình trạng mua bán chất xyanua diễn ra phổ biến, tràn lan trên thị trường.
Để hạn chế tình trạng này, theo ông Điền, pháp luật cần quy định rõ việc mua bán chất xyanua cần có điều kiện, người mua phải đáp ứng các điều kiện cụ thể mới được phép mua, sử dụng hóa chất trên.
"Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cũng cần thường xuyên tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, mua bán chất xyanua, kịp thời có biện pháp xử lý đối với những trường hợp không tuân thủ quy định pháp luật", luật sư Điền đề nghị.
Ám ảnh những vụ giết người bằng xyanua
* Tháng 12-2022, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên án vụ Tống Thị Tùng Linh (21 tuổi, trú TP Bà Rịa) đầu độc giết cha bằng chất độc xyanua. Theo đó, hội đồng xét xử tuyên bị cáo Linh chung thân về tội "giết người", 3 năm tù về tội "mua bán trái phép chất độc", 3 năm tù về tội "hủy hoại tài sản".
Linh khai do mâu thuẫn với cha nên lên chợ hóa chất mua được chất độc xyanua rồi bỏ vào ba chai nước trong tủ lạnh với mục đích để cha mình khát nước sẽ lấy uống. Sau đó, cha Linh lấy nước có pha xyanua uống và tử vong.
* Tháng 7-2020, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Lại Thị Kiều Trang mức án tử hình về tội "giết người" vì dùng xyanua bỏ vào trà sữa.
Trang khai do nảy sinh tình cảm, ghen tuông với người chị họ Y. nên lên mạng mua xyanua rồi bơm vào bốn ly trà sữa. Sau đó, một người làm chung với chị Y. lấy trà sữa từ tủ lạnh uống đã tử vong...
Nhiều câu hỏi từ vụ giết người
Chiều 8-7, phóng viên Tuổi Trẻ đã đến xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) nơi xảy ra câu chuyện đau lòng sau khi nghi phạm Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, trú xã Vĩnh Thanh) lần lượt giết hại bốn người thân bằng chất độc xyanua.
Bà H. (ngụ ấp Thanh Minh, xã Vĩnh Thanh) nói với giọng bực tức: "Tôi năm nay hơn 70 tuổi mới thấy cảnh đau thương này. Nợ nần, mâu thuẫn gì mà sao lại nỡ đầu độc chết chồng, chết cháu như thế cơ chứ".
Bà H. bảo rằng mình cùng làm nghề bán cơm trong xã nên biết đến Bích nhưng không thân. Bích sống với gia đình anh trai tại nhà cha mẹ ở mặt tiền đường Hùng Vương (ấp Sơn Hà, xã Vĩnh Thanh), hằng ngày mưu sinh bằng nghề bán cơm.
Trước khi bị đầu độc chết, anh N.T.T.T. (39 tuổi, chồng Bích) từng nhiều lần vào bệnh viện điều trị bệnh. Đây cũng là lý do mà cái chết của anh T. không khiến nhiều người hoài nghi.
Sự việc không dừng lại đó, chỉ trong thời gian ngắn Bích dùng chất xyanua lần lượt đầu độc hai cháu ruột gồm bé N.K.D. (7 tuổi, con của em gái) và bé N.H.N. (12 tuổi, con của anh trai). Và đến ngày 22-6, Bích tiếp tục bỏ xyanua vào viên con nhộng rồi đưa cho cháu N.H.B.T. (18 tuổi, con của anh trai Bích) uống.
Sau khi uống thuốc, T. rơi vào hôn mê, mất tri giác, được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Kết quả xét nghiệm cho thấy T. bị ngộ độc chất xyanua. Và cũng từ đây, sự thật về các cái chết bí ẩn của những người trong một gia đình mới dần được hé lộ.
"Bích mượn tiền của rất nhiều người. Dù vậy, không ai nghĩ Bích lại ra tay tàn độc với người thân như vậy. Sau khi công an thông tin vụ việc, cả xóm mới "ngã ngửa" chết lặng không tin vào tai mình", một người dân gần đó nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
Xử nghiêm cơ quan, cá nhân "nhắm mắt làm ngơ"
Không chỉ vụ đầu độc xyanua hàng loạt chấn động ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), trước nay đã có nhiều vụ án nghiêm trọng, hậu quả đau lòng liên quan đến việc sử dụng các chất độc, chất cấm. Dù vậy, đến nay việc quản lý mua bán hóa chất còn lỏng lẻo.
Lượng hóa chất trôi nổi trên thị trường chưa được thống kê, quản lý, trong đó có những loại hóa chất cực độc dễ dàng cướp đi sinh mạng hoặc gây thương tật cho con người dù chỉ một lượng nhỏ.
Từ thực trạng trên cần giải pháp quản lý nghiêm việc mua bán hóa chất. Trước hết quan trọng nhất là rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm quản lý chặt hơn. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy lượng hóa chất mua bán trên thị trường được kiểm soát chặt chẽ ngay từ cửa khẩu cho tới lúc chạm đến tay người dùng.
Nhiều nước quy định người dân thường rất khó để mua bán hóa chất, chỉ có các phòng thí nghiệm nghiên cứu và các công ty đúng chức năng mới có thể mua hóa chất. Thậm chí có nước quy định hóa chất chỉ được chuyển đến địa chỉ các cơ quan có thẩm quyền sử dụng hóa chất.
Người dân chỉ được mua hóa chất thông qua các tổ chức đủ điều kiện, với những khai báo rất chi tiết về những rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng hóa chất đó. Như vậy, dù chỉ sử dụng hay bán ra một liều lượng rất nhỏ hóa chất cũng phải khai báo rõ ràng và trung thực.
Cùng với quản lý nghiêm mua bán, cần đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, phối hợp quản lý giữa các bộ, ban ngành và địa phương hạn chế tối đa tình trạng mua bán hóa chất lậu, trái pháp luật. Xử lý nghiêm các cơ quan, cá nhân cố tình nhắm mắt làm ngơ cho vi phạm.
Cũng cần phải nói, ngoài hệ thống quản lý chặt, chính người dân cũng phải có ý thức về hệ lụy nguy hiểm của việc mua bán hóa chất dễ dãi.
Đại biểu Phạm Khánh Thu (Thái Bình):
Bộ Công Thương phải quản chặt hơn
Hiện nay việc quản lý hoạt động mua bán xyanua đều đã được quy định khá cụ thể tại Luật Hóa chất 2007, sửa đổi bổ sung năm 2018 và nghị định 113/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 71/2019/ NĐ-CP.
Cụ thể, căn cứ điều 14 Luật Hóa chất 2007, sửa đổi bổ sung 2018, chủ thể kinh doanh xyanua phải đáp ứng hàng loạt điều kiện kinh doanh như bảo đảm an toàn trong kinh doanh hóa chất; cơ sở vật chất - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh hóa chất phải phù hợp với quy mô hoạt động, đặc tính của hóa chất và phải có năng lực chuyên môn đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, cần bảo đảm yêu cầu về chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất; có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy chứng nhận hoặc giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.
Trong trường hợp bên bán không có giấy phép kinh doanh, giấy phép hạn chế kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp có thể bị xử lý về tội "mua bán trái phép chất độc" theo quy định tại điều 311 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tùy vào mức độ gây thiệt hại mà người thực hiện hành vi này có thể đối diện với mức phạt tù cao nhất là chung thân.
Nhưng theo quy định tại khoản 1 điều 18, phụ lục I, II, III nghị định 113/2017/NĐ-CP và khoản 3 điều 9 nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung nghị định 113/2017/NĐ-CP, một số hợp chất xyanua, cụ thể Acetonitrile (Metyl xyanua); 3,5-Diclo phenyl isoxyanat không thuộc danh mục hóa chất bị cấm bán theo quy định.
Và dù pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép, giấy chứng nhận cho các chủ thể kinh doanh cũng như quy định về việc kiểm soát hoạt động mua bán nhưng trên thực tế việc kiểm soát hoạt động mua bán các hóa chất độc nói chung, xyanua nói riêng vẫn chưa thực sự đủ chặt chẽ. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng các hóa chất độc được mua bán khá phổ biến và dễ dàng trên thị trường.
Tôi đề nghị các cơ quan được giao như Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Hóa chất hoặc tất cả các ngành có liên quan phải quản lý chặt chẽ hơn bởi các quy định cụ thể; nếu sử dụng đúng mục đích thì có thể, còn nếu không phải nghiêm cấm. Bởi chuyện này không đơn giản là hóa chất đơn thuần mà nó là hóa chất độc hại, giết người nên phải quản lý rất chặt và nghiêm.
Trung Quốc: không được bán chất độc hại cho cá nhân
Trung Quốc đã thiết lập một chế độ quản lý chặt chẽ hơn nhiều đối với hóa chất cực độc so với hóa chất nguy hiểm thông thường, đồng thời đặt ra các yêu cầu về giấy phép sản xuất, vận hành, sử dụng an toàn, cũng như yêu cầu bổ sung về lưu trữ và mua bán các loại chất này.
Đối với người bán, nước này quy định phải kiểm tra người mua có giấy phép mua hàng hợp lệ trước khi bán; phải duy trì hồ sơ bán hàng bao gồm các hóa chất đã bán, số lượng, mục đích sử dụng, tên người mua, bản sao giấy phép mua hàng và thẻ căn cước của người mua; giữ các hồ sơ này ít nhất một năm. Đặc biệt, không được bán hóa chất độc hại cao cho người mua là cá nhân (trừ thuốc trừ sâu).
Còn với người mua phải cung cấp giấy phép sản xuất/ vận hành/ sử dụng an toàn hoặc giấy phép mua hàng do cơ quan công an địa phương cấp trước khi mua; đồng thời khai báo các hóa chất độc hại cao đã mua, số lượng và thông tin tới cơ quan công an địa phương trong vòng năm ngày kể từ ngày mua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận