Cảnh sát canh gác hiện trường với các toa xe dúm dó trong vụ tai nạn thảm khốc ngày 20-11 tại Pukhrayan, phía nam thành phố Kanpur, Ấn Độ - Ảnh: Reuters |
Hệ thống đang bị quá tải và phải hoạt động quá công suất, gây hậu quả trực tiếp đến an toàn đường sắt |
Bà Debolina Kundu (phó giáo sư tại Học viện Đô thị quốc gia Ấn Độ) |
Vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng tại Ấn Độ hôm 20-11 khiến 150 người thiệt mạng khi một chiếc xe lửa chở đầy hành khách bị trật đường ray gần thành phố Kanpur ở miền trung nước này một lần nữa khơi lại vấn đề nhức nhối của ngành đường sắt Ấn Độ: hệ thống cũ kỹ, xuống cấp và không được bảo dưỡng thường xuyên.
Theo Reuters, thậm chí có thông tin cho biết đoạn đường sắt gây ra tai nạn vừa được kiểm tra trước đó hai ngày và được ghi nhận là “trong tình trạng hoạt động tốt”!
Trong một bài phỏng vấn với Đài CNN (Mỹ) sau vụ tai nạn, cựu bộ trưởng đường sắt Ấn Độ Dinesh Trivedi thừa nhận hệ thống đường sắt tại quốc gia này “đã sống quá tuổi thọ” của nó và đang rất cần được “lên đời”.
Chở 23 triệu khách mỗi ngày
Thường được ví von là “xương sống của quốc gia”, hệ thống đường sắt khổng lồ của Ấn Độ với 8.000 nhà ga cùng chiều dài tuyến hơn 67.000km đang phải “gánh” xấp xỉ 12.000 chuyến xe lửa mỗi ngày.
Hơn 23 triệu người dân Ấn Độ chọn xe lửa làm phương tiện di chuyển hằng ngày của mình.
Đường sắt Ấn Độ cũng là một trong những hệ thống đường sắt lâu đời nhất thế giới, được chính quyền thực dân Anh cho xây dựng vào khoảng 163 năm về trước.
Tuổi đời quá cao cùng tình trạng thiếu vốn bảo dưỡng liên miên khiến đường sắt tại Ấn Độ thường xuyên bị chỉ trích là hoạt động kém hiệu quả, quá tải và không an toàn.
Bà Debolina Kundu, phó giáo sư tại Học viện Đô thị quốc gia Ấn Độ, cho biết ngành đường sắt nước này liên tục tăng cường những chuyến tàu mới để tăng doanh thu mà không chú trọng đến việc thay thế những đầu máy, toa xe “quá đát” hay bảo dưỡng đường ray.
Bà Kundu nói với Đài CNN: “Hầu hết các cầu và hầm chui đường sắt đều đang trở nên yếu ớt do bị khai thác quá tuổi thọ của chúng”.
Trước tình cảnh đó thì tai nạn dường như là chuyện “thường ngày ở huyện”. Theo số liệu do Cục Lưu trữ quốc gia Ấn Độ công bố, hơn 27.000 người Ấn Độ đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn đường sắt ở nước này chỉ tính riêng trong năm 2014.
Phần lớn các nạn nhân thiệt mạng do bị tàu hỏa đâm vào khi đang băng ngang những đường ray chằng chịt bao quanh các cộng đồng dân cư, nhà cửa và làng mạc, trong khi chỉ một số nhỏ thiệt mạng từ những vụ tai nạn trật đường ray.
Ngay cả ở những đoạn đường sắt ngang khu dân sinh có cầu vượt bộ hành, người dân địa phương vẫn “thấy tiện là băng” mà không mấy quan tâm đến sự an toàn của chính mình, Đài CNN ghi nhận.
Các chuyên gia Ấn Độ vẫn đang ra sức tuyên truyền giáo dục người dân cách băng ngang đường sắt sao cho an toàn nhất, nhưng nhiệm vụ này có vẻ vẫn khó khăn khi có quá nhiều người dân sinh sống và mưu sinh ngay sát đường ray.
Thiếu vốn “mãn tính”
Một trong những nguyên nhân gây xuống cấp hệ thống đường sắt ở Ấn Độ là tình trạng thiếu vốn triền miên, một phần do chính sách trợ giá (vào vé) quá cao, tạo gánh nặng lên ngân sách của chính phủ.
Một mặt, chính sách này giúp hàng triệu người dân Ấn Độ có đủ khả năng chi trả cho phương tiện đi lại gần như là duy nhất của họ.
Mặt khác, nó khiến hầu hết doanh thu có được từ dịch vụ chuyên chở hàng hóa bị dùng để trang trải cho chi phí trợ giá vé hành khách, mà chẳng còn lại bao nhiêu để phục vụ công tác bảo dưỡng.
“Đường sắt Ấn Độ đã chịu tình cảnh thiếu vốn trầm trọng trong vòng vài năm trở lại đây” - Bộ trưởng Đường sắt Suresh Prabhu thừa nhận trong một báo cáo hồi tháng 2 năm ngoái, đồng thời nhận định sự hài lòng của khách hàng đối với ngành đường sắt nước này cũng theo đó mà tuột dốc.
Chính phủ Nhật Bản và Tập đoàn công nghệ Google hồi năm ngoái đã thông báo kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống đường sắt cao tốc hiện đại cùng những điểm phát WiFi tại các nhà ga xe lửa Ấn Độ.
Trong khi đó, chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng hứa hẹn trong kế hoạch ngân sách hồi tháng 3 rằng nước này sẽ đầu tư kỷ lục cho ngành đường sắt - 124 tỉ USD trong năm năm tới - nhằm cải thiện an toàn, an ninh và chất lượng dịch vụ.
Số vụ thiệt mạng liên quan đến đường sắt ở Ấn Độ là rất lớn nếu đem so sánh với các quốc gia có ngành đường sắt phát triển khác. Cũng trong năm 2014, tại Mỹ chỉ có tổng cộng 827 người chết trong các vụ tai nạn đường sắt, trong khi con số này của Đức, Tây Ban Nha và Anh lần lượt là 172, 27 và 24. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận