09/12/2017 12:16 GMT+7

Xưởng may của những nụ cười kỳ lạ

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Lần lượt gần chục người khẽ khàng lách qua khe cửa. Họ chào nhau bằng những nụ cười. Không gian lặng tờ. Tuyệt không một câu nói.

Đấy là khung cảnh một buổi sáng lạnh hun hút bên bờ sông Gianh. Một phụ nữ trung niên hé nhẹ cánh cửa của ngôi nhà hướng mặt ra sông. 

Vô cùng khó trong việc chỉ dẫn các em câm điếc, nhưng tôi thấy thương các em quá, nên tự dặn lòng phải cố gắng. Rất may là đến nay cả 8 em đều đã cơ bản biết việc cả rồi

Chị Phạm Thị Luyện

Xưởng may của những nụ cười kỳ lạ - Ảnh 2.

Nhân viên của xưởng đa số là những bạn khuyết tật câm điếc, nên chị Luyện phải dày công sức chỉ dạy từng đường kim mũi chỉ - Ảnh: Q.NAM

Vô cùng khó trong việc chỉ dẫn các em câm điếc, nhưng tôi thấy thương các em quá, nên tự dặn lòng phải cố gắng. Rất may là đến nay cả 8 em đều đã cơ bản biết việc cả rồi

Chị Phạm Thị Luyện

Căn nhà bề bộn các đống vải vóc dưới chân những chiếc máy may san sát. Những người vừa vào là thợ, đa số trong đó đều bị câm điếc bẩm sinh.

Người phụ nữ trung niên là chị Phạm Thị Luyện, mới qua tuổi 38, là chủ xưởng may nhỏ Hồng Luyện ở thôn Phú Trịch, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

Đi tìm học trò khuyết tật

Trong nhóm thợ vừa đến có ba chị em ruột là Trần Thị Lan, Trần Thị Hương, Trần Thị Thương. Cả ba ở tận xã miền núi Quảng Tiên, giáp huyện Tuyên Hóa và đều bị câm điếc. Đây cũng là ba học trò mà chị Luyện thương nhất và ngày thường chị nuôi luôn việc ăn ở trong nhà.

Hai tháng trước, chị Luyện có việc đi ngược lên vùng núi xã Quảng Tiên. Nhớ mang máng từng nghe những người ở vùng này kể loáng thoáng câu chuyện về một gia đình có đến mấy người con bị di chứng chất độc da cam, đều tật nguyền nên chị cất công đi tìm.

Đó là một căn nhà xập xệ. Trong nhà có ba chị em đang ngồi ở góc nhà phụ mẹ đan nón. Ông bố là Trần Văn Phượng, nằm trên giường ho sù sụ. Ông Phượng mới phát hiện bị ung thư mấy tháng nay, nên mọi gánh nặng đều dồn lên vai người mẹ.

Ở miền núi, ngoài vài ba sào ruộng cũng không biết làm chi hơn. Bà Hạnh, mẹ của ba chị em, mới đi xin nhận nón về nhà làm kiếm thêm, mỗi cái tiền công vài ngàn đồng, để có tiền cơm nước cho cả nhà và lo thuốc thang cho chồng. 

Ba chị em câm điếc cũng phải lao vào giúp mẹ dù thân cũng mang tật nguyền từ nhỏ vì di chứng da cam. Gia đình mà chị Luyện cần tìm là đây.

Nói chuyện với gia đình, chị Luyện thương quá, nhận cả ba chị em Lan, Hương, Thương về xưởng may của mình cho học nghề và nuôi ăn ở.

Ba chị em theo chị Luyện về xưởng may từ ngày đó. Thi thoảng mấy chị em thay nhau về nhà thăm cha mẹ. Luyện tính sau khi học nghề sẽ cho các em làm việc tại xưởng luôn. 

"Nghe cô Luyện nói rứa, cả hai vợ chồng tui đều mừng ứa nước mắt. Tui không ngờ con cái không may tật nguyền mà vẫn còn người chấp nhận đứng ra cưu mang, rồi còn dạy nghề đàng hoàng" - ông Phượng xúc động.

Xưởng may của những nụ cười kỳ lạ - Ảnh 4.

Có 8/12 bạn trẻ bị câm điếc trong xưởng may và chị Luyện kiên trì truyền nghề cho từng bạn một để giúp họ có một công việc - Ảnh: Q.N.

Giúp các em tự sống được

Thật ra xưởng may của chị Luyện hoạt động từ hơn một năm trước. Khi mới thành lập, chị Luyện thuê hơn mười nhân công là người bình thường về làm. 

Nhưng hai tháng gần đây, chị bắt đầu nghĩ đến việc đi tìm những em bị khuyết tật câm điếc trong vùng về để dạy nghề và tạo điều kiện cho làm việc luôn tại xưởng.

Đó là một quyết định khó khăn, nhưng không phải ngẫu nhiên. Chị Luyện có một chị gái và một em trai cũng chịu tật nguyền nặng vì di chứng chất độc da cam. "Cứ nhìn vào gia đình mình sẽ hiểu những gia đình có người khuyết tật sẽ khó khăn như thế nào..." - chị nói.

Chính vì suy nghĩ đó nên dù biết rất rõ rằng khi nhận về đến 2/3 công nhân làm trong xưởng may là người khuyết tật thì năng suất lao động sẽ giảm xuống rất nhiều, chị Luyện vẫn quyết tâm làm. Để cân bằng năng suất lao động, chị phải nhận thêm vài công nhân bình thường.

Nhận người khuyết tật câm điếc vào học việc đã khó vì truyền đạt khó khăn, rất khó truyền nghề, chứ chưa nói đến hiệu quả công việc. Người câm điếc rất hạn chế trong việc giao tiếp, nên những ngày đầu chị phải bắt tay chỉ từng chi tiết. 

Chị phải ngồi vào làm từng việc một. Từ cắt đến may. Sau đó hướng dẫn từng em làm theo, tỉ mỉ từng chút. "Vô cùng khó trong việc chỉ dẫn các em câm điếc, nhưng tôi thấy thương các em quá nên tự dặn lòng phải cố gắng. Rất may là đến nay cả 8 em đều đã cơ bản biết việc cả rồi" - chị kể mà mừng.

Để đảm bảo duy trì công việc ổn định cho công nhân trong xưởng, chị Luyện đã chủ động tìm kiếm đối tác và làm các sản phẩm phù hợp với khả năng của người khuyết tật. 

Hiện xưởng may của chị đang được một đối tác ở TP.HCM cung cấp nguồn vải, cũng như nhận tiêu thụ sản phẩm do công nhân làm ra.

Chị nói đi theo cách này - cách tiếp nhận lao động khuyết tật - khó khăn nhiều lắm. Dù vậy, chị Luyện muốn nhận thêm vài em khuyết tật vào làm vì trong vùng vẫn còn nhiều người khuyết tật câm điếc chưa có nghề nghiệp, chưa tự nuôi sống bản thân được. 

Tuy nhiên, vì quy mô xưởng nhỏ, máy móc còn ít nên chị Luyện đang suy tính, chờ khi đầu tư thêm mới dám gật đầu với các em đang đến gõ cửa xin việc.

"Hiện mới chỉ được 9 máy may. Tui mới đặt thêm một máy, đang trên đường về nên dự kiến nhận thêm được một người khuyết tật. Hiện còn một số người đang chờ..." - chị Luyện nói.

Trả lương 3 triệu đồng/tháng

1

Chị Luyện còn nuôi luôn những bạn khuyết tật ở xa ở ngay trong nhà. Bữa cơm không có tiếng nói, chỉ có tiếng cười và nói chuyện bằng tay - Ảnh: QUỐC NAM

Ba chị em Lan, Hương, Thương chỉ là một trong số nhiều trường hợp mà chị Luyện đi tìm về xưởng may.

Hiện xưởng có 12 người thì 8 người trong số đó là những người câm điếc. Cả 8 người đều do chị Luyện cất công đi tìm ở mấy xã trong vùng rồi đưa về dạy nghề may cho.

Trong số này có một người hiện đã thành thạo nghề là Trần Văn Đức. Đức hiện tại được chị Luyện trả lương 3 triệu đồng/tháng.

"Tui dự tính những em còn lại đây khoảng hai, ba tháng nữa là thành thạo việc. Tui cũng sẽ trả lương như thế để các em có thể tự nuôi sống bản thân" - cô chủ cơ sở may tâm tình.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên