Phóng to |
Xuồng CQ chở khách đến thăm đảo Đá Lớn A (quần đảo Trường Sa, Việt Nam) - Ảnh: T.T.D. |
Từ sự khởi đầu nhiệt tình và kịp thời này, sẽ có thêm nhiều chiếc xuồng CQ mang nặng tấm lòng của đất liền ra với đảo xa, cũng như những tấm pin mặt trời ra với nhà giàn DK1, những viên đá nhỏ từ tấm lòng bạn đọc Tuổi Trẻ đã góp lại làm nên công trình bề thế trên đảo Đá Tây.
Câu chuyện chiếc xuồng CQ hôm nay khiến chúng tôi nhớ lại hình ảnh nấm mộ người chiến sĩ hải quân trên đảo Nam Yết hi sinh khi vừa tròn 20 tuổi. Người lính trẻ ấy tên là Hoàng Đặng Hùng, khẩu đội trưởng DKZ trên đảo Đá Lớn. Ngày 25-7-2004, Hùng đã hi sinh khi cùng đồng đội lao ra biển cứu chiếc xuồng máy của đảo bị dông lốc cuốn trôi. Đá Lớn là đảo chìm, không có đất để mai táng nên thi hài của Hùng được đồng đội đưa về yên nghỉ tại góc đảo Nam Yết. Và sau tám năm hi sinh, hơn một tháng trước đây, đúng dịp 27-7, hài cốt của liệt sĩ Hùng mới được cất bốc từ Trường Sa đưa về quê nhà và an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của thành phố biển Hải Phòng.
Có ra Trường Sa mới cảm nhận hết tầm quan trọng của những chiếc xuồng đối với người lính đảo, bởi thế, để cứu xuồng, người lính có khi hi sinh cả tính mạng. Và ở Trường Sa không chỉ có Hùng là người lính duy nhất hi sinh khi cứu xuồng. Câu chuyện cứu phương tiện, khí tài chiến đấu trong điều kiện đất nước còn khó khăn của những người lính đã từng đi vào lịch sử.
Cũng vào những ngày này, trong âm hưởng của mùa thu đất nước, của xúc cảm chủ quyền, tròn một năm trước (10-9-2011), tại Cam Ranh - thủ phủ của Vùng 4 hải quân, những người làm báo Tuổi Trẻ thay mặt cho hàng triệu bạn đọc đã long trọng bàn giao 17 tỉ đồng đầu tiên của chương trình “Góp đá xây Trường Sa” đến UBND huyện Trường Sa để rồi tám tháng sau đó, một công trình bề thế đã mọc lên trên đảo Đá Tây, mang tấm lòng của hàng triệu người Việt nơi đất liền như một gửi gắm tin yêu với những người lính đảo.
Và tháng 9 này, khởi đi từ chiếc xuồng CQ trĩu nặng tấm lòng của những cán bộ, công nhân Công ty Trường Hải được góp cho Trường Sa vào sáng 12-9, chắc chắn sẽ có thêm nhiều chiếc xuồng nữa được góp bởi tấm lòng bạn đọc Tuổi Trẻ, những người Việt tha thiết với biển đảo yêu thương. Không phải ngẫu nhiên mà những chiếc xuồng được thiết kế với tính năng đặc biệt, chịu được va đập với đá ngầm, có thể lao qua sóng to gió lớn này được đặt tên là CQ - viết tắt của từ “chủ quyền”.
Chiếc xuồng nhỏ ấy là một ngụ ngôn về hình ảnh đất nước và người lính, nhẹ nhàng nhưng cơ động, gọn gàng mà can trường. Đặt tên “Chủ Quyền - CQ” cho chiếc xuồng cũng là cách nhắc nhở trách nhiệm với Tổ quốc. Những chiếc xuồng ấy được thiết kế không bao giờ chìm giữa sóng to gió lớn đại dương. Cũng như niềm tin chủ quyền trong lòng mỗi con dân nước Việt sẽ không bao giờ bị chìm đi giữa muôn trùng thách thức của sóng gió cuộc đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận