Phóng to |
Ba cha con ông Vĩnh - Ảnh: M.Phượng |
“Cực khổ mấy em cũng chịu, chỉ mong sao cha và em mình bớt bệnh thì cần bất cứ điều gì em cũng cố gắng làm”. Cách nói chuyện và suy nghĩ của Hồ Thị Mai Lợi già dặn hơn hẳn so với cái tuổi 21 của mình.
“Mọi việc cứ để con lo...”
Câu chuyện xúc động Ông Nguyễn Văn Đàm, tổ trưởng khu phố 7, thị trấn Gia Ray, Xuân Lộc, Đồng Nai, nói: “Nhà đó nghèo lắm. Nhưng được cái hai đứa con rất ngoan và chịu học. Cô con gái thì rất thương cha mẹ và cáng đáng mọi việc gia đình, tất tả suốt ngày lo chăm bệnh cho cha và em trai. Câu chuyện hiếu thảo của con ông Vĩnh là câu chuyện đẹp, xúc động ở địa phương”. |
Ông Hồ Quang Vĩnh - cha của Lợi (khu phố 7, thị trấn Gia Ray, Xuân Lộc, Đồng Nai) - bị ung thư đại tràng vào cuối năm 2012. “Khối u dài 15cm nên bác sĩ phải cắt bỏ 80cm ruột. Vết nối ruột không chịu lành nên bác sĩ phải làm hậu môn giả cho ba trong suốt chín tháng trời. Ba em đã trải qua bốn lần mổ với tám lần hóa trị. Cách đây chưa đầy một tháng, ba mới mổ nối ruột thành công” - Lợi nhớ lại rồi lấy ra một túi đơn thuốc, giấy ra viện... đã dày gần bằng một cuốn tập học sinh.
Trước đấy vài tháng, em trai của Lợi, Hồ Quang Hưng, đang học lớp 8, cũng mắc bệnh ung thư hạch. Lợi kéo cậu em ngồi sát vào mình, như muốn bảo bọc cho em: “Hưng hóa trị được tám toa rồi. Mỗi lần tiêm thuốc, mặt em sưng húp lên, tóc rụng trọc lóc, nhìn tội và thương lắm!”. Hai năm trôi qua rồi nhưng với Lợi, tất cả chỉ như mới hôm qua. Một ngày, trên cổ, nách, bẹn của Hưng nổi đầy hạch. Lo lắng, gia đình đưa Hưng đi khắp các bệnh viện nhưng bác sĩ chỉ nói “bị viêm” rồi cho thuốc về uống. Thương em, Lợi lại tiếp tục đưa em đi xét nghiệm hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Rồi lần xét nghiệm ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, tìm ra bệnh của em, cô gái trẻ chết lặng vì không biết nên vui hay buồn.
“Ngày trước, em ở bệnh viện điều trị cả tuần. Bây giờ em xin về nhà. Hằng tuần chị Lợi đưa em lên TP.HCM xét nghiệm, tiêm thuốc...”, Hưng kể. Đối với cậu bé 14 tuổi này, người chị đã theo em vào bệnh viện mòn mỏi đến nỗi “các bác sĩ điều trị cho em đều nhớ mặt chị”.
Một tay cô gái trẻ ấy lo lắng cho em trai. Khi người cha phát bệnh, cô lại tất tả chạy qua chạy lại giữa Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Rồi khi em trai điều trị ngoại trú, đều đặn chiều thứ hai hằng tuần Lợi đón em về phòng trọ ở TP Biên Hòa. Sáng sớm hôm sau chở em lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM làm thủ tục kiểm tra, xét nghiệm... Lợi chờ thêm 2 ngày để bác sĩ tiêm thuốc, kiểm tra trước khi chở em về lại Biên Hòa, rồi bắt xe buýt cho em về nhà.
Tất bật thế nhưng Lợi vừa tốt nghiệp loại khá ngành tài chính ngân hàng của Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Quỹ thời gian kín mít nên những lần vào bệnh viện chăm em, Lợi đều mang theo sách, tập để học. Những ngày bận việc phải nghỉ học, Lợi xin phép trường rồi đi học ở những lớp khác có cùng giảng viên dạy. “Thầy cô, bạn bè hiểu hoàn cảnh của em nên đã hỗ trợ em rất nhiều. Mấy bạn mang bài giảng của giảng viên đến cho em. Nếu không hiểu, các bạn chỉ lại” - Lợi kể.
“Vết mổ của ba em còn rất đau, đi lại khó khăn. Đã hai năm rồi ba em không thể làm được việc nặng. Cuộc sống gia đình đều trông chờ vào 3 triệu đồng tiền lương công nhân của mẹ nên mẹ không nghỉ lâu được. Mẹ đã cực khổ đi làm lo kinh tế gia đình nên việc gia đình, chăm sóc ba và em, em ráng cáng đáng chu toàn”. Nhắc đến mẹ, đôi mắt Lợi rưng rưng: “Mẹ em yếu lắm. Mẹ hay khóc. Cứ nghĩ về bệnh tình của cha và em trai là mẹ lại khóc. Công việc của mẹ thì cực nhọc, vất vả vì làm công nhân công ty giày da giờ giấc kín mít, rồi tăng ca... để lo cho gia đình”. Không những làm chỗ dựa cho cha và em trai, Lợi còn là chỗ dựa tinh thần cho mẹ. Những đêm khuya khoắt, cả ba cha con trên bệnh viện, Lợi gọi về cho mẹ chỉ để nói: “Mẹ đừng khóc, cố gắng lên mẹ nhé. Mọi việc cứ để con lo...”.
2 tuần và 2.000 cây số
Gần trưa muộn, ông Vĩnh mới về nhà. “Mấy hôm nay cái vai tê cứng, cứ sợ ung thư di căn nên đi chụp phim. Cái chết thật ra nhẹ tênh. Hồi tham gia mặt trận Vị Xuyên, chiến tranh biên giới phía Bắc khốc liệt, cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào mà mình còn không hề sợ nữa. Nhưng mình phải sống để cùng con trai vượt qua bệnh tật, và không phụ lòng đứa con gái đã quá cực khổ chăm sóc tôi và em nó” - ông Vĩnh, người cựu binh sư đoàn 325, thổ lộ.
Hai năm bệnh tật của hai cha con đã “bay mất” gần 600 triệu đồng - số tiền gia đình ông Vĩnh phải đi vay mượn khắp nơi để chữa trị cho ông và Hưng. Ông Vĩnh kể lần mổ đầu tiên, chiều muộn hôm ấy, ông một mình đến bệnh viện chỉ với 250.000 đồng trong túi. Mổ xong, Lợi mới nghe tin, khóc nức nở, hốt hoảng chạy đến. Lúc ấy, hai cha con mới phải vội vã cùng nhau toan tính vay mượn tiền họ hàng, bạn bè để đóng viện phí. “Thương con bé đang lo cho em trai ở Bệnh viện Ung bướu, tôi định giấu nó, vậy mà...” - ông Vĩnh kể.
“Có ngày, em lên xuống giữa TP.HCM - TP Biên Hòa - Xuân Lộc không biết bao nhiêu lần để bổ sung giấy tờ, thẻ bảo hiểm... làm thủ tục nhập viện cho ba với em trai. Rồi đi vòng vòng kiếm thuốc”. Lợi nói cứ chạy xe lên xuống như vậy mà không hề hay biết đã đi hết 2.000 cây số trong hai tuần. Lúc đi đổ nhớt xe, Lợi giật mình khi nghe người thợ sửa xe hỏi: “Em đi đâu mà nhiều dữ vậy, chạy đến khô hết nhớt như vậy là đã đi cả 2.000 cây số rồi”.
Trong đơn thuốc của ông Vĩnh và Hưng có một loại thuốc nhập từ Pháp rất khó tìm mua với giá 200.000 đồng/viên. Có khi 3-4 ngày rong ruổi khắp các bệnh viện, nhà thuốc Lợi vẫn không mua được. Những lần thấy cha phải nhường thuốc cho em, lúc ngủ thiếp đi Lợi thấy mình có lỗi rất lớn. Tỉnh dậy, quên đi mệt mỏi, cô gái nhỏ lại quày quả lao đi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận