05/03/2020 09:18 GMT+7

Xung phong đi bệnh viện dã chiến

BÁC SĨ PHAN MINH PHƯƠNG  (30 tuổi, khoa nhiễm B Bệnh viện Bệnh nhiệt đới)  - D.KIM THOA ghi
BÁC SĨ PHAN MINH PHƯƠNG (30 tuổi, khoa nhiễm B Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) - D.KIM THOA ghi

TTO - Dù bệnh viện bắt thăm ngẫu nhiên thứ tự đi công tác tại bệnh viện dã chiến, tôi đã chủ động đề nghị xin được đi trước.

Xung phong đi bệnh viện dã chiến - Ảnh 1.

Các bác sĩ làm việc tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM) - Ảnh: NVCC

Sau khi Bệnh viện dã chiến phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 tại Củ Chi (TP.HCM) đi vào hoạt động được hai tuần, chúng tôi được lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thông báo kế hoạch cắt cử mỗi ngày một bác sĩ của một khoa (bệnh viện chúng tôi có 14 khoa tham gia chống dịch) xuống làm việc tại đó.

“Với một bác sĩ trẻ công tác điều trị các bệnh truyền nhiễm, tôi hiểu đây là thử thách nhưng cũng sẽ là trải nghiệm bổ ích cả về chuyên môn lẫn kinh nghiệm giải quyết các vấn đề ngoài chuyên môn.

Căng mình với công việc

Theo điều động của bệnh viện, tôi và một đồng nghiệp nữa được giao đảm trách công việc tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi trong tuần từ 24-2 đến 1-3. 

Trong đó, tôi nhận trách nhiệm trực 24 tiếng các ngày 24, 26, 28-2 và 1-3. Trước tuần công tác của chúng tôi, số người phải cách ly y tế tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi chưa nhiều. Tổng cộng trong hai tuần đầu tiên, bệnh viện mới tiếp nhận khoảng 40 người.

Nhưng bước vào tuần của chúng tôi, khi ổ dịch mới bắt đầu phát sinh tại Hàn Quốc và nhiều người Việt trở về Việt Nam, số người cần được cách ly y tế tăng cao. Một ngày bằng cả hai tuần đầu tiên. Tới lúc tôi bàn giao công tác ngày 1-3 đã có khoảng 220 người cách ly tại đó. Tổng số giường bệnh tại đây là 300.

Đây là những người từ các nước có vùng dịch về Việt Nam, chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Trên thực tế, theo tôi, công tác phân loại đối tượng cách ly đã được cơ quan chức năng làm rất tốt, nhanh gọn và triệt để.

Với những người có các triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt sẽ được chuyển tới cách ly ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Những người không có biểu hiện triệu chứng nhưng về từ các vùng dịch lớn sẽ được đưa tới bệnh viện dã chiến. Những người không có triệu chứng và về từ các vùng không có dịch sẽ được đưa về cách ly tại địa phương tương ứng của họ.

Ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã căng mình với công việc thăm khám cho những người phải cách ly. Có người chỉ ngủ được vài tiếng trong đêm. 

Mỗi ngày làm việc, ngoài một bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới như tôi, còn có thêm hai bác sĩ ở các quận huyện khác. Ngày đầu là êkip của bệnh viện Tân Bình, Hóc Môn và Bình Thạnh. Ngày thứ hai thêm Bệnh viện quận 12, ngày thứ ba thêm Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Ngoài bác sĩ còn có các hộ lý, điều dưỡng và lực lượng y công (ban đầu chủ yếu là các quân nhân thực hiện nghĩa vụ quân sự, sau có thêm các hộ lý được điều động từ các địa phương). Chúng tôi lo giải quyết mọi việc, từ thăm khám tới hỗ trợ ăn uống, sinh hoạt cho người cách ly.

"Bác sĩ cố lên"

Qua tiếp xúc, một số phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc chia sẻ với tôi là đã biết việc sẽ phải cách ly y tế khi trở về Việt Nam lánh dịch lúc này, nhưng dù vậy theo họ vẫn còn tốt hơn. 

Vẫn còn một số người chưa biết quy định này. Đôi lúc chúng tôi vẫn phải nghe những lời lớn tiếng, than phiền, yêu cầu khó chịu của một số người cách ly. Chung quy cũng bởi tâm trạng bực bội do việc phải cách ly lâu, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.

Đa số người cách ly ở khu 6 của tôi thật đáng mến. Mọi người luôn nói câu "cảm ơn bác sĩ" khi tôi ra khỏi phòng. Các bé du học sinh Hàn Quốc ở phòng 1 còn hay nói "Bác sĩ cố lên, chống dịch cố lên" nghe vừa buồn cười vừa vui. 

Những chuyện nho nhỏ như vậy đôi khi lại là sự động viên rất lớn trong những hoàn cảnh khó khăn. Lại một lần nữa tôi nhận ra rằng khó khăn nào rồi cũng có thể vượt qua, miễn là bản thân luôn cố gắng từng chút một. Tới khi xong rồi, nhìn lại, sẽ thấy bản thân đã vươn xa thêm được một chút.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi ra trường và vào nghề bác sĩ, tôi tham gia công tác chống dịch. Không chỉ đúc rút, học hỏi được nhiều kiến thức chuyên môn, tôi còn học được bao điều trong cách phối hợp làm việc với người khác, từ các bác sĩ của những bệnh viện quận huyện, các y tá, điều dưỡng cho tới những y công. 

Đặc biệt là kỹ năng ứng xử với những người cách ly vốn đang trong tâm trạng khó chịu, bức xúc vì nếp sinh hoạt hằng ngày bị đảo lộn, hạn chế...

Chúng tôi chỉ mong mọi người hợp tác và chấp hành đủ 14 ngày cách ly theo quy định rồi về. Bệnh viện dã chiến mà, có cố gắng tới đâu cũng không thể bằng nhà mình. Chính sự hợp tác ở lại của người cách ly là sự góp phần rất lớn vào công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam.

Tôi vẫn sẽ sẵn sàng!

Dịch vẫn còn chưa yên tại nhiều nước và sẽ còn có thêm những người từ nước ngoài về Việt Nam cần được cách ly y tế, nên có thể thời gian tới những bác sĩ như tôi vẫn sẽ cần có mặt tại bệnh viện dã chiến. Thực lòng tôi không sợ phải tới đây.

Bởi là người làm nghề, hiểu rõ đường nhiễm và cách phòng bị, lại chỉ mới đang làm việc với những người thuộc diện cách ly, tôi không quá lo lắng. Và nếu cần tiếp tục lên đường, tôi sẽ vẫn sẵn sàng.

Có người hỏi tôi vì sao lại chọn theo đuổi việc điều trị các bệnh truyền nhiễm, tôi nghĩ điều khiến tôi "mê mẩn" nó là sự hồi phục rất ngoạn mục của người bệnh sau khi được chữa khỏi.

Với những bệnh như tiểu đường, tim mạch, suy thận, ngay cả khi được ra viện, người bệnh vẫn phải tiếp tục lệ thuộc vào thuốc, nhưng với các bệnh nhân nhiễm, họ sẽ được chữa khỏi, chữa hết và khi ra viện, rất nhiều người không còn phải ôm thuốc về nhà nữa và tôi hạnh phúc với điều đó.

Chu cấp mọi nhu yếu phẩm

benh vien da chien 1

Những chiếc giường tại bệnh viện dã chiến mới tinh - Ảnh: NGỌC HIỂN

Thực sự không ai muốn phải cách ly. Các nhân viên bệnh viện đã rất cố gắng chu cấp mọi nhu yếu phẩm cho mọi người, từ khẩu trang (mà có khi ở ngoài còn không được đủ 2 cái/ngày như ở đây), ba bữa cơm/ngày, xà bông tắm gội, khăn giấy, khăn tắm, cà phê, nước ngọt, sữa, mì gói, WiFi, điện nước đầy đủ. Kể cả giường nằm cho mọi người cũng là giường y tế mới tinh, còn chưa khui bọc nilông.

Tăng cường điện để Bệnh viện dã chiến thứ 2 của TP.HCM sẵn sàng hoạt động Tăng cường điện để Bệnh viện dã chiến thứ 2 của TP.HCM sẵn sàng hoạt động

TTO - Chiều 27-2, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã cho lắp trụ, kéo đường dây để tăng cường nguồn điện cung cấp cho Bệnh viện dã chiến thứ 2 của TP.HCM tại huyện Nhà Bè, để bệnh viện này chuẩn bị sẵn sàng hoạt động.


BÁC SĨ PHAN MINH PHƯƠNG (30 tuổi, khoa nhiễm B Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) - D.KIM THOA ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên