Xung đột Ukraine hậu bầu cử Mỹ

TƯỜNG ANH 17/11/2024 14:35 GMT+7

TTCT - Một trong những trông đợi của thế giới trong nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump là lời hứa chấm dứt chiến tranh Ukraine. Liệu lời hứa này có được tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ thực hiện, và nếu có, là bao giờ?

Xung đột Ukraine hậu bầu cử Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Không biết ngẫu nhiên hay cố ý mà gần như cùng lúc với việc công bố kết quả thắng cử vang dội của ông Trump, một số phương tiện truyền thông phương Tây nhắc lại câu chuyện về "sự hiện diện của quân đội Triều Tiên ở Nga", trong khi một số tờ báo Ukraine còn khẳng định đã nổ ra "đọ súng giữa quân Ukraine với quân đội Bình Nhưỡng ở Kursk".

Thực hư

Thông tin về việc quân Triều Tiên được đưa đến Nga đã được một số trang web quân sự Nga đưa từ tháng 4-2024. 

Thí dụ, cổng thông tin Topwar phân tích khả năng quân Triều Tiên tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt", cho rằng trong điều kiện bị cô lập và cấm vận, Bình Nhưỡng cần đồng minh để được cung ứng các "thành phần vũ khí quan trọng" và hỗ trợ thoát khỏi khó khăn kinh tế. 

Topwar còn giả định các hình thức tham gia của Bình Nhưỡng vào chiến sự Ukraine như cung cấp đạn dược, khí tài, hậu cần, thậm chí binh sĩ cho các công ty quân sự tư nhân (như Wagner).

Đến tháng 10, tin đồn lại rộ lên trên truyền thông phương Tây, vào thời điểm cuộc chạy đua nước rút của hai ứng viên tổng thống Mỹ Trump và Kamala Harris. Những đồn đại bắt đầu từ nguồn tin được cho là từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. 

Ngày 18-10, tình báo Hàn Quốc nói có 1.500 binh sĩ Triều Tiên tại khu huấn luyện của Nga ở Viễn Đông. Một ngày trước đó, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cho biết: "Bình Nhưỡng đang chuẩn bị điều 10.000 binh sĩ tới khu vực xung đột".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 20-10 cho biết ông "chưa thể xác nhận thông tin về quân đội Triều Tiên tại khu vực chiến sự". Tuy nhiên ba ngày sau, ông nói "có bằng chứng cho thấy quân đội Triều Tiên được điều tới Nga nhưng họ làm gì ở đó thì Washington vẫn chưa rõ". 

Ngày 28-10, Tổng thư ký NATO Mark Rutte gọi những dữ liệu này là đáng tin cậy: "Tôi có thể xác nhận quân đội Triều Tiên đã được gửi đến Nga và các đơn vị này được triển khai ở Kursk". Ông Rutte đồng thời cáo buộc việc Triều Tiên dính líu đến cuộc xung đột Ukraine là "sự leo thang đáng kể".

Hãng tin Anh Reuters 31-10 còn dẫn nguồn phái đoàn Ukraine tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho biết quân đội Triều Tiên dự kiến sẽ thành lập ít nhất 5 đơn vị, mỗi đơn vị gồm 2.000 - 3.000 binh sĩ và tích hợp vào các đơn vị của Nga để che giấu sự hiện diện của họ. 

Nguồn tin này còn nêu tên 3 tướng lĩnh trong số ít nhất 500 sĩ quan Triều Tiên được cử tới Nga: thượng tướng Kim Yong-bok, chỉ huy các lực lượng đặc biệt; đại tướng Ri Chang Ho, phó tổng Tham mưu trưởng kiêm cục trưởng Tổng cục Tình báo, và thiếu tướng Sin Kum Chol, đứng đầu Tổng cục Tác chiến.

Và trong khi thế giới hồi hộp dõi theo cuộc đua vào Nhà Trắng hôm 3-11 thì chiến sự giữa quân Ukraine và Bắc Triều Tiên đã nổ ra: Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết "quân đội Triều Tiên đã tham gia giao tranh ở khu vực Kursk vào 4-11". 

Tuy nhiên, nguồn tin Reuters không cho biết "liệu có bất kỳ thương vong nào từ quân đội Triều Tiên hay không và không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết". Cùng ngày 4-11, Financial Times dẫn lời quan chức tình báo cao cấp Ukraine nói "lần đầu tiên quân Ukraine đã khai hỏa vào các binh sĩ Triều Tiên ở Kursk".

Về phần Nga, Matxcơva đã nhiều lần chính thức bày tỏ quan điểm về việc này. Một ví dụ điển hình là tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị BRICS ở Kazan ngày 24-10, khi được hỏi về "sự hiện diện của quân Triều Tiên ở Nga", Tổng thống Nga Vladimir Putin không trả lời thẳng mà dẫn lại điều 4 Thỏa thuận đối tác chiến lược Nga - Triều Tiên vừa được phê chuẩn cùng hôm ấy: 

"Chúng tôi sẽ làm gì và làm như thế nào là việc của chúng tôi trong khuôn khổ điều khoản này". (Điều khoản đó quy định: nếu một trong các bên rơi vào tình trạng chiến tranh do bị tấn công vũ trang, bên kia sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự. Thỏa thuận đối tác chiến lược Nga - Triều Tiên đã được ông Putin và ông Kim Jong Un ký hồi tháng 6-2024 tại Bình Nhưỡng).

Từ phía Triều Tiên, Bí thư thứ nhất của phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc, Il Ha Kim, gọi những cáo buộc chống lại Bình Nhưỡng về việc cử quân Triều Tiên tới Nga là "hành động bẩn thỉu" của Hoa Kỳ và đồng minh "nhằm che đậy tội ác của chính họ và kéo dài thời gian xung đột ở Ukraine".

Xung đột Ukraine hậu bầu cử Mỹ - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Các kịch bản giải quyết xung đột

Cách trả lời không phủ nhận cũng không khẳng định của Nga là nguyên nhân khiến truyền thông tiếp tục đưa tin về "quân Triều Tiên tham chiến ở Kursk", trong nỗ lực thúc đẩy viện trợ của chính quyền Mỹ cho Kiev hai tháng cuối trước khi ông Joe Biden kết thúc nhiệm kỳ. 

Theo Politico, chính quyền Biden muốn đẩy nhanh khoản viện trợ an ninh cuối cùng trị giá hơn 6 tỉ USD cho Ukraine trước ngày ông Trump nhậm chức. 

Thông thường phải mất nhiều tháng để đạn dược, vũ khí chuyển tới Ukraine sau khi có thông báo viện trợ, và Kiev lo ngại chính quyền Trump có thể dừng tiếp tế cho Ukraine.

Trong chiến dịch tranh cử, Đảng Cộng hòa nhiều lần lên tiếng ủng hộ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến. Chẳng hạn ông Trump từng nói: "Mỗi lần ông ấy (Zelensky) đến, chúng tôi đều đưa cho ông ấy 100 tỉ USD. Còn ai khác đã nhận được số tiền như vậy trong lịch sử?". 

Ông Trump cũng từng hứa sẽ "chấm dứt chiến sự Ukaine trong 24 giờ". Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ông sẽ đi theo đường lối nào trên thực tế, vì có rất nhiều người ủng hộ chiến tranh đến cùng trong Đảng Cộng hòa, thậm chí dưới hình thức cứng rắn hơn.

Hiện có nhiều kịch bản khác nhau về hướng giải quyết xung đột Ukraine, từ đề xuất chấm dứt chiến tranh ở tiền tuyến đến nguy cơ leo thang, nếu ông Trump không tìm được tiếng nói chung với ông Putin.

Ngày 6-11, tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn một số nguồn tin nói đội ngũ của ông Trump đã "bắt đầu thảo luận kế hoạch giải quyết xung đột Ukraine". Kế hoạch 7 điểm này bao gồm đóng băng chiến tuyến, tạo ra vùng đệm dài 1.200km, được quân gìn giữ hòa bình của các quốc gia châu Âu bảo vệ. 

Nga giữ lại các lãnh thổ đã chiếm được (khoảng 20% diện tích Ukraine), trong khi Kiev phải từ chối gia nhập NATO trong 20 năm tới. Đồng thời, Hoa Kỳ cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Xung đột Ukraine hậu bầu cử Mỹ - Ảnh 3.

Ông Trump gặp ông Putin ở Thượng đỉnh G20 Osaka năm 2019. Ảnh: Reuters

Các nhà bình luận chính trị Nga cho rằng kế hoạch trên của WSJ chẳng qua là một kiểu "thuốc thử" để các bên đưa ra quan điểm. 

Nhà khoa học chính trị Nga Sergey Markov nói kế hoạch này chắc chắn sẽ gặp trở ngại, do Matxcơva cho rằng đóng băng xung đột chẳng khác nào lặp lại các thỏa thuận Minsk-1 và Minsk-2 từng thất bại trong quá khứ, tạo điều kiện cho quân Ukraine tái tổ chức, tái vũ trang và tình trạng thù địch sẽ tiếp tục. 

Ngoài ra, việc triển khai quân NATO dưới bất kỳ hình thức nào ở Ukraine là không thể chấp nhận được.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Câu lạc bộ Valdai ngày 7-11, ông Putin nói Nga và Ukraine cần hòa bình lâu dài, chứ không phải "hiệp định đình chiến trong nửa giờ hay sáu tháng". Ông cũng cho rằng nếu Ukraine không trung lập thì "khó thể tưởng tượng được mối quan hệ bình thường giữa Matxcơva và Kiev". 

Ông nhắc lại Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình "trên cơ sở thỏa thuận đạt được ở Istanbul vào năm 2022 (gồm 18 điều khoản, chủ yếu đảm bảo an ninh cho Ukraine với điều kiện Ukraine trung lập, từ bỏ mong muốn gia nhập NATO) và có tính đến thực tế chiến trường". 

Trước đó hồi tháng 6-2024, ông Putin đã vạch ra các điều kiện của Nga để khởi động tiến trình hòa bình, bao gồm rút quân Ukraine khỏi lãnh thổ Nga đang chiếm đóng.

Ông Markov giả định kịch bản hòa bình có thể từ phía Nga: do cả hai ông Putin và Zelensky đều đòi hỏi đảm bảo an ninh, những yêu cầu mà ông Trump không dễ dàng đáp ứng được, nên đầu tiên có thể các bên phải đi đến một thỏa hiệp: hạn chế hành động thù địch, chẳng hạn cấm pháo kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản hoạt động quân sự tiếp diễn.

Quân Ukraine sẽ gặp khó khăn nếu ông Trump thực hiện lời hứa cắt giảm mạnh tài trợ. Ông Trump sẽ yêu cầu EU tiếp quản nguồn tài trợ cho Ukraine, bằng cách nhận Ukraine vào EU. Nhưng vấn đề là châu Âu không đủ tiền mua vũ khí. 

Việc quân Nga tiếp tục tiến chiếm thêm một số thành phố lớn sẽ khiến EU buộc phải đồng ý với các yêu cầu của ông Putin về tính trung lập của Ukraine. Theo nhà khoa học chính trị Markov, khung thời gian cho toàn bộ kịch bản này có thể kéo dài một năm.■

Cổng thông tin Ukraine Strana.news ngày 7-11 cũng thừa nhận kế hoạch hòa bình cho Ukraine "còn lâu mới có thể thực hiện", trong khi việc ông Trump thắng cử khiến Kiev lo âu cho tình hình chính trị nội bộ nhiều hơn, bao gồm cả số phận của ông Zelensky. Hiện chính giới Kiev có hai quan điểm trái ngược nhau: (1) Quan hệ giữa Trump và Zelensky sẽ xấu đi và ông Trump sẽ buộc ông Zelensky phải ra đi. (2) Ông Zelensky có quan hệ tốt với ông Trump. Tuy nhiên, Strana.news cũng cho rằng thay đổi trong chính sách của Washington với Ukraine chỉ có thể xảy ra trong trường hợp ông Trump kiểm soát được Bộ Ngoại giao Mỹ, điều mà ông đã không làm được trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận