11/12/2024 08:17 GMT+7

Xung đột Ukraine: Chưa có lối ra

Tiếp ứng viên thủ tướng Đức nhưng từ chối đề nghị của tổng thống Mỹ đắc cử - cách hành xử của ông Zelensky cho thấy phần nào thế rối ren trong việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine.

Xung đột Ukraine: chưa có lối ra - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự cuộc gặp ba bên tại Cung điện Elysee, Paris, Pháp vào ngày 7-12 - Ảnh: REUTERS

Giải pháp cho chiến sự Nga - Ukraine lại tiếp tục có phiên bản mới vào ngày 9-12, nhìn từ Kiev.

Tại cuộc gặp ứng viên thủ tướng Đức của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) Friedrich Merz ở Kiev, Tổng thống Ukraine Zelensky đã "tăng cược" khi ra điều kiện để Kiev "đóng băng" chiến sự: Ukraine chỉ ngưng giao tranh nếu được bảo đảm an ninh, có thể là việc triển khai quân đội NATO ở Ukraine thay cho yêu sách trở thành thành viên NATO trước đây.

Nhưng Ukraine phải nhận được lời mời chính thức gia nhập NATO sau đó, và "phải xác định thời hạn", đồng thời Ukraine cũng phải nhận được lời mời gia nhập EU và "cũng phải xác định thời hạn".

Một cuộc gặp, hai diễn giải

Trước đó, ông Zelensky đã gặp Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại Paris vào ngày 7-12. Nói với ông Merz về cuộc gặp này, ông Zelensky xác nhận ba bên đã thảo luận về "đóng băng xung đột" và các đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Ông Zelensky cho rằng do tổng thống Nga "không muốn kết thúc cuộc chiến" nên phương Tây cần bắt buộc ông Putin làm điều đó bằng cách: "1/ Ukraine phải có quân đội mạnh. Đó là những hệ thống tầm xa và ATACMS, Taurus, Storm Shadow...; 2/ Ukraine cần những đảm bảo về an ninh. Nếu bây giờ chúng tôi không thể tham gia NATO, nhưng có thể có lời mời tham gia NATO".

Cũng nói về cuộc gặp tại Paris nhưng Tổng thống đắc cử Donald Trump lại truyền đạt một tinh thần khác. Lần đầu tiên là trên mạng xã hội Truth Social hôm 8-12, ông viết Ukraine đã tổn thất một cách vô lý 400.000 binh lính và nhiều thường dân nên "... Zelensky... muốn ký một thỏa thuận và chấm dứt sự điên rồ này... Cần phải ngưng bắn ngay lập tức và bắt đầu đàm phán...".

Ngay sau đó, ông Zelensky đã bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn này, nói rõ Kiev không muốn chấm dứt chiến sự mà không nhận được sự đảm bảo về an ninh, đó sẽ là hoặc tư cách thành viên NATO hoặc việc triển khai quân đội phương Tây ở Ukraine.

Dường như không nghe thấy những phản bác này, ngày 9-12 ông Trump lại một lần nữa khẳng định ông Zelensky đã "sẵn sàng cho hòa bình" trong trả lời tờ New York Post. Lặp lại rằng "Zelensky muốn ngừng bắn... Ông ta nghĩ rằng thời điểm đã đến...", ông Trump còn nói thêm: "Tôi đang phát triển một ý tưởng về cách kết thúc cuộc chiến lố bịch này".

Cự ly của các tuyên bố cho thấy những kêu gọi khẩn thiết của ông Zelensky vẫn không làm thay đổi quan điểm của ông Trump về việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine, người cho rằng cần phải chấm dứt chiến sự ngay, bắt đầu đàm phán càng sớm càng tốt, đồng thời cũng hứa sẽ cắt viện trợ cho Kiev ngay sau lễ nhậm chức.

Có lẽ vì thế mà ông Zelensky ngày 9-12, sau những tuyên bố được đưa ra tại cuộc gặp với ông Merz, đã trở lại chủ đề gia nhập NATO trên kênh Telegram của mình. Ông viết việc mời Ukraine vào NATO "vẫn chưa phụ thuộc vào ông Trump do ông Trump vẫn chưa vào Nhà Trắng", nên việc thảo luận vấn đề này với ông Trump "là vô nghĩa" và ông Zelensky "có ý định gọi điện cho ông Biden vì ông Biden vẫn là tổng thống Mỹ đương nhiệm".

Tương lai mù mịt

Rõ ràng có sự thiếu nhất quán trong cách hành xử của ông Zelensky. Trong khi chỉ gọi điện cho tổng thống đương nhiệm Biden thay vì "nói chuyện" với tổng thống đắc cử, thì ông Zelensky lại tiếp ứng viên thủ tướng Đức của CDU F. Merz - người được dự đoán nhiều khả năng trở thành thủ tướng mới của Đức. Nếu theo logic của ông Zelensky thì lẽ ra hiện tại rất ít phụ thuộc vào ông Merz vì ông này còn chưa đắc cử.

Như vậy, hơn một tháng sau khi ông Trump đắc cử, việc giải quyết xung đột Ukraine vẫn chưa có biến chuyển như ông đã hứa. Trong NATO vẫn không có sự đồng thuận trước đề xuất Ukraine gia nhập liên minh. Nếu Pháp, Anh đồng tình thì Bỉ, Slovenia, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Hungary, Slovakia... phản đối.

Tương tự là sự hiện diện của quân gìn giữ hòa bình phương Tây ở Ukraine. Trong khi Pháp và Anh đang "xem xét khả năng triển khai quân ở Ukraine nếu đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở tiền tuyến", thì Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysh phát biểu trên TVN24 ngày 4-12 nói: "Tôi không thể tưởng tượng được một tình huống trong đó các vùng trách nhiệm của các nước NATO khác nhau xuất hiện ở Ukraine..., như ở Iraq".

Ở Đức vẫn bất nhất: Thủ tướng O. Scholtz quyết liệt bác bỏ khả năng này, nhưng Ngoại trưởng Annalena Bärbock và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius không loại trừ khả năng Đức tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình cho Ukraine, theo báo Tagesschau.

Lập trường của Nga đến nay không thay đổi. Đáp lại đề xuất "ngừng bắn ngay lập tức" của ông Trump, thư ký báo chí của ông Putin, ông Peskov, nói Nga sẵn sàng đàm phán nhưng trên cơ sở các thỏa thuận Istanbul, quy định tính trung lập của Ukraine, đồng thời phải tính đến thực tiễn mới ở chiến tuyến (việc sáp nhập bốn khu vực vào Nga). Ngoài ra, Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố Nga phản đối sự hiện diện quân đội nước ngoài ở Ukraine.

Nga nói gì?

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói trên RIA Novosti rằng Nga sẵn sàng lắng nghe đề xuất của ông Trump, nhưng Điện Kremlin sẽ không quên những nguyên nhân sâu xa của xung đột Nga - Ukraine: cuộc đảo chính năm 2014 và chính sách bài Nga của chính quyền Kiev.

"Nếu có bất kỳ tín hiệu nào từ phía Mỹ cho thấy họ có ý tưởng về việc tiến xa hơn trên bình diện dàn xếp, chứ không phải trên bình diện bơm thêm hỗ trợ cho Kiev với kỳ vọng mang tới "thất bại chiến lược cho Matxcơva", thì chúng tôi chắc chắn sẽ phân tích và đưa ra phản ứng". Ông thừa nhận "không thể có một giải pháp đơn giản cho vấn đề Ukraine".

Xung đột Ukraine: chưa có lối ra - Ảnh 2.Ông Trump và kế hoạch 'dùng châu Âu trị châu Âu' ở Ukraine

Ông Trump dự kiến sẽ đề xuất triển khai binh lính châu Âu để thiết lập một vùng đệm dài 800 dặm (hơn 1.200km) giữa lực lượng Nga và Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên