Xung đột Nga - Thổ nhìn từ một ... láng giềng

PHAN XUÂN LOAN 14/12/2015 20:12 GMT+7

TTCT - Khi Nga - Thổ đang trong cao điểm xung đột sau khi máy bay ném bom Nga bị F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, thì một láng giềng lớn và đối tác chiến lược của Nga là Trung Quốc một mặt giữ thế “trung lập”, nhưng mặt khác tiếp tục vun đắp những lợi ích của mình. Thử nhìn lại những diễn biến này.

Tắc nghẽn ở biên giới Gruzia với Nga. Hàng chục xe tải, trong số đó có các xe tải hàng hóa từ  Thổ Nhĩ Kỳ, bị dồn ứ trước cửa khẩu biên giới. Các nước trong dự án Xuyên Caspian hi vọng tuyến đường sắt mới sẽ giúp thông thương hàng hóa -Kommersant
Tắc nghẽn ở biên giới Gruzia với Nga. Hàng chục xe tải, trong số đó có các xe tải hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ, bị dồn ứ trước cửa khẩu biên giới. Các nước trong dự án Xuyên Caspian hi vọng tuyến đường sắt mới sẽ giúp thông thương hàng hóa -Kommersant

Hai ngày sau khi máy bay Nga bị bắn hạ và một phi công nhảy dù bị sát hại, Trung Quốc đã ra tuyên bố không lên án hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cũng không bày tỏ sự ủng hộ Nga - đồng minh thân cận của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25-11 cho biết:

Trung Quốc quan tâm đến sự cố này và nhiều tình tiết đang “cần làm rõ”. Trung Quốc ủng hộ cuộc chiến quốc tế chống khủng bố, chúng tôi hi vọng tất cả các bên tăng cường đối thoại và hợp tác” (AsiaNewsChannel, 25-11-2015). Một lời tuyên bố được giáo sư Đại học Ottawa Michel Chossudovsky bình luận là “khá nhạt nhẽo của một đồng minh chính nhìn từ quan điểm chiến lược và quân sự”.

Tuy nhiên, các nhà quan sát không ngạc nhiên trước phản ứng này, khi một tuần trước sự cố máy bay Nga bị bắn rơi, quân đội Trung Quốc còn tập trận với quân đội Hoa Kỳ. Theo các chuyên gia Hoa Kỳ, quan hệ của hai quân đội Mỹ - Trung đã được “cải thiện” trong những năm gần đây mặc cho “căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông”.

Hai nước thường xuyên tập trận chung (trên lý thuyết thì chỉ giới hạn trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo và thiên tai). Hồi tháng 6-2015, một cơ chế đối thoại giữa quân đội hai nước đã được ký kết để “thúc đẩy hợp tác quân đội”, văn kiện hợp tác đầu tiên giữa hai quân đội trong những năm gần đây.

Ở một phía khác, vào tháng 8-2015, Trung Quốc và Nga đã phát động cuộc tập trận lớn “Joint Sea 2015 II”, được xem như “một sự biểu diễn hợp tác quân sự chưa từng có tiền lệ” ở ngoài khơi Vladivostok (RT, 30-8-2015).

Tổng cộng 22 tàu, 20 máy bay và xe bọc thép, 500 thủy quân lục chiến ở hai nước, tàu tuần dương tên lửa Varyag, kỳ hạm của Hạm đội Thái Bình Dương Nga; tàu khu trục Thẩm Dương, kỳ hạm của Trung Quốc...tham gia tập trận. Nhưng cuộc biểu dương lực lượng hoành tráng này cũng chẳng ngăn Bắc Kinh tập trận với Hoa Kỳ ba tháng sau đó ngoài khơi Thượng Hải.

Theo nguồn tin hải quân Mỹ, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Stethem (DDG 63) đã tới Thượng Hải vào ngày 16-11 để thúc đẩy “hợp tác hàng hải và củng cố mối quan hệ hải quân tích cực với hải quân Trung Quốc” (The Diplomat, 18-11).

Theo giáo sư Michel Chossudovsky, tuy quy mô cuộc tập trận này không thể sánh với “Joint Sea 2015 II”, và sau cuộc tập trận hợp tác Mỹ - Trung này chỉ vài ngày, chiến hạm USS Lassen được đưa vào trong vòng 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông - nhưng diễn tiến này “không khỏi khiến người ta nghĩ tới vai trò của những liên minh quân sự”.

Theo ông, mục đích của Washington là thành lập một quan hệ “liên minh xuyên suốt” với Trung Quốc để cuối cùng “làm suy yếu và gây bất ổn liên minh Trung Quốc với Nga” (Global Research, 25-11). Vấn đề là Trung Quốc đang tranh thủ vị thế của mình như thế nào để giành phần lợi lớn nhất trong cuộc tranh chấp này.

“Hương vị chính trị” của một dự án

Hôm 26-11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo Bắc Kinh chính thức tiến hành đối thoại với Djibouti để xây dựng căn cứ hải quân đầu tiên của mình ở nước ngoài. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi giải thích lý do xây dựng cơ sở hậu cần quân sự này như sau: “Theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, từ năm 2008 Trung Quốc đã gửi hơn 60 tàu đến vịnh Aden và những nơi gần vùng nước Somalia để thực hiện các sứ mệnh ở nước ngoài.

Trong thời gian đó, các nhân viên quân sự Trung Quốc gặp khó khăn với việc bảo đảm điều kiện nghỉ ngơi cũng như tiếp liệu và cung ứng, vì thế chúng tôi cần cải thiện tình hình này”. Đưa tin này, tờ Báo Nga (1) cho biết thêm khả năng “thương lượng thành công hầu như là chắc chắn, nếu không Trung Quốc đã chẳng thông báo trước về căn cứ này ra toàn thế giới”, và nhắc lại một bản tin Reuters cho biết:

Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh từ hồi tháng 5-2015 đã thông tin về việc này cho báo giới nước ngoài, một diễn biến mà ông cho là “được Djibouti chào đón”. Còn vì sao là Djibouti? Đơn giản là ở vị trí chiến lược (cửa ngõ vào kênh đào Suez) của đất nước tương đối ổn định ở miền đông châu Phi này, nơi vốn cũng đã có căn cứ hải quân của Mỹ, Pháp đồn trú.

Nhưng nếu báo giới Nga chỉ đưa thông tin ngắn, trung tính về diễn biến này, thì một sự kiện lớn hơn đã khiến các phương tiện truyền thông Nga tốn nhiều giấy mực hơn. Đó là tin ngày 28-11, tại Istanbul, đại diện Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Kazakhstan, Azerbaijan, Gruzia cùng một số chính khách châu Âu ký thỏa thuận vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang châu Âu không qua nước Nga.

Tuy nhiều nước cùng tham gia tuyến giao thông xuyên Caspian này, nhưng chỉ hai nước được nhắc trong bản tin có đầu đề sau trên nhiều phương tiện truyền thông Nga: “Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận vận chuyển hàng hóa vào châu Âu vòng qua Nga”, cho thấy một sự bất bình ngấm ngầm. Sau đó, một số cổng thông tin lớn hơn của Nga nói rõ dự án này có tên là “Tuyến đường vận chuyển xuyên Caspian Trung Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ - châu Âu” đã được các nước nêu trên bàn bạc từ lâu.

Sau ký kết ngày 28-11, từ đầu năm 2016, dự kiến hàng nghìn container hàng hóa lần đầu tiên sẽ được chuyên chở từ Trung Quốc tới châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời hàng hóa Trung Quốc cũng sẽ được vận chuyển qua ngõ Ukraine để vào Bắc Âu và Đông Âu.

Theo thống kê của Nga, xuất khẩu hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga từ tháng 1 đến tháng 10-2015 đã giảm 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 3,065 tỉ USD.

(lenta.ru/news/2015/11/30/transkasp/)

Nhà phân tích Kazakhstan Yerlen Badykhan cho rằng việc ký kết thỏa thuận vào cao điểm khủng hoảng quan hệ Nga - Thổ chỉ là “sự trùng hợp”, nhắc rằng thương lượng cho dự án này đã diễn ra nhiều tháng qua và đây chỉ thuần túy là một dự án hậu cần kinh tế, không liên quan gì tới chính trị.

Tuy nhiên, giám đốc Trung tâm thông tin chính trị Nga Aleksei Mukhin phản bác: “Dự án kinh doanh này được hình thành đúng thời điểm khiến nó tăng thêm hương vị chính trị. Biết rằng nó đã được thỏa thuận từ lâu, nhưng lại khởi động đúng vào lúc Nga đang gặp khó khăn trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước. Tất nhiên sự cộng hưởng của nó sẽ đánh vào lợi ích Nga, và nảy sinh những câu hỏi cho các đối tác Nga trong liên minh kinh tế Á - Âu - Kazakhstan” (2).

Vấn đề là tuyến vận chuyển mới xuyên Caspian này sẽ cạnh tranh với tuyến vận chuyển xuyên Siberia của Nga. Vốn từ trước giờ vận chuyển đường sắt hàng hóa từ Trung Quốc sang châu Âu chỉ có tuyến xuyên Siberia, sự xuất hiện tuyến đường mới sẽ giúp Trung Quốc và Kazakhstan đa dạng hóa không chỉ quan hệ kinh tế mà cả chính trị, trong khi sự tham gia vào tuyến đường này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho thấy cuộc chiến cấm vận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay không ảnh hưởng gì tới Thổ.

Nhà bình luận Nga A. Vorobyev cho rằng việc ký kết dự án trong thời điểm này chẳng khác nào “cú phục thù” của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào Nga trên trận tuyến giao thương.

Mặc dù phó chủ tịch Ủy ban an ninh và hợp tác của Viện Xã hội Nga Dmitri Chugunov đã giảm nhẹ “tổn thất” bằng nhận định “Trung Quốc chỉ đơn giản là củng cố hậu cầu, chứ không đánh vào lưng Nga”, nhưng động thái này của đồng minh Trung Quốc không chỉ “nhắc nhở Nga phải nhanh chóng cụ thể hóa các thỏa thuận với Trung Quốc về dự án tuyến đường tơ lụa mới” (Lenta.ru, 4-12), nó còn khiến không ít người Nga đề cập đến sự thiếu đúng đắn chính trị trong bước đi này của đồng minh thân cận Trung Quốc trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” của Nga hiện nay.

Láng giềng không ngọt ngào

Tháng 5-2015, theo đề xuất của Trung Quốc, Nga và Trung Quốc đã thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án Vành đai kinh tế của Con đường tơ lụa. Dự án nhằm xây dựng các hành lang giao thông Á - Âu (trước tiên là đường sắt và đường ôtô) mà chính quyền Trung Quốc đầu tư khoảng 40 tỉ USD cho dự án này.

Thế nhưng nhiều người Nga thừa hiểu quan hệ Nga - Trung vốn chưa bao giờ là vấn đề đơn giản. Không có những biến cố chính trị lớn, những đụng độ lợi ích địa chính trị thì vấn đề di trú của người Trung Quốc vào Nga những năm gần đây cũng đủ tạo sóng ngầm.

Một số chính khách Nga không ngại gọi tình trạng này bằng cụm từ “chiếm lĩnh Viễn Đông” (như ông Dmitri Rogozin trong một phát biểu từ trước khi lên làm phó thủ tướng Nga). Trong một trả lời phỏng vấn truyền hình TV2 Tomsk (Nga), nhà Trung Hoa học, tiến sĩ lịch sử Viktor Dyatlov đã cho rằng Trung Quốc là một loại láng giềng - nước lớn mà “ở cạnh một láng giềng như thế chẳng phải ngọt ngào gì” (3).

Trở lại với thế trận Nga - Trung - Mỹ trên nền xung đột Nga - Thổ, giáo sư kinh tế Michel Chossudovsky cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc có thể được mô tả như là một chiến lược “đe dọa - hợp tác”. Đó là một mối quan hệ mâu thuẫn, trong đó chính sách của Mỹ “Xoay trục sang châu Á” chống lại chính sách “Hợp tác quân sự” với Trung Quốc. Nó bao gồm “đe dọa” Trung Quốc nhằm buộc Trung Quốc “hợp tác” với Mỹ để chống lại Nga.

Trung Quốc sẽ xử sự thế nào trước chương trình nghị sự hiểm hóc này của Hoa Kỳ? Hiện trong giới lãnh đạo Trung Quốc, theo giáo sư Chossudovsky, trường phái ủng hộ Mỹ khá rộng rãi, bao gồm cộng đồng doanh nghiệp Thượng Hải, các phương tiện truyền thông cũng như giới trí thức trong các trường đại học ưu tú và các cố vấn tại Bắc Kinh như Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Hợp tác Mỹ - Trung trong lĩnh vực quân sự đương nhiên sẽ tác động đến quan hệ chiến lược của Bắc Kinh với Matxcơva.

Tổng thống Nga V. Putin trong một phát biểu từng nhắc lại “không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn”, nên nếu Bắc Kinh có chọn thế “ngư ông đắc lợi” trong cuộc xung đột Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, có lẽ Matxcơva cũng chẳng bất ngờ gì về người “láng giềng không ngọt ngào” này.■

(1): rg.ru/2015/11/26/baza-site.html

(2): lenta.ru/articles/2015/12/ 04/transcaspian_corridor/

(3): www.tv2.tomsk.ru/real/s-kitaem-luchshe-ne-imet-dela-odin-na-odin

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận