Ông Petraeus đã đầu quân cho một công ty quốc phòng không lâu sau khi cởi bỏ quân phục - Ảnh: Reuters |
Vấn đề xung quanh tình trạng này vẫn là câu chuyện về xung đột lợi ích.
Tại Mỹ, theo The Fiscal Times, các nghị sĩ và những trợ lý của họ chiếm đa số các vụ tranh cãi về việc lợi dụng những mối quan hệ có được trong lúc còn đương chức để tư lợi.
Các cựu quan chức Nhà Trắng cũng kiếm chác được từ những công việc ở các công ty tư nhân và các loại phí bôi trơn. Những vụ kiểu này làm dấy lên sự chỉ trích từ những tổ chức theo dõi chính phủ. Ngành quốc phòng ở Mỹ cũng là một trong những mảnh đất màu mỡ cho những tướng lĩnh sau khi về hưu.
Tận dụng quan hệ hay chuyên môn?
Ngành “thuê tướng lĩnh” Một bài điều tra năm 2010 của báo Boston Globe đã chỉ ra rằng vào những năm 1994-1998, chỉ có 50% tướng lĩnh nghỉ hưu nhận việc tại các công ty quốc phòng. Đến những năm 2004-2008, tỉ lệ này tăng lên 80%. Khi Bộ Quốc phòng trút hầu bao nhiều hơn cho cuộc chiến chống khủng bố thì số phần trăm tướng lĩnh nghỉ hưu vào làm các công ty tư nhân cũng tăng lên. Nhiều người ở Washington gọi đây là ngành kinh doanh “thuê tướng lĩnh”. |
Dư luận có lẽ vẫn chưa quên vụ tướng bốn sao David Petraeus, giám đốc CIA, từ chức hồi năm 2012 vì ngoại tình.
Sau khi từ chức chưa đầy một năm, ông Petraeus tuyên bố gia nhập Công ty đầu tư KKR&Co. ở New York với nhiệm vụ vận hành Viện Toàn cầu của công ty này.
Ðây là một viện chuyên nghiên cứu các tác động của chính sách đến đầu tư. Công việc mới này được nói sẽ giúp ông cải thiện lại hình ảnh, mở đường cho sự quay lại chính trường của mình. Tuy nhiên, mọi chuyện không tươi sáng đến thế.
Sau tuyên bố của ông Petraeus, nhiều thông tin được tung ra cho thấy vào năm 2009, KKR đã bí mật mua Công ty tư vấn và quốc phòng TASC từ tay nhà thầu quốc phòng Northrop Grumman với giá 1,6 tỉ USD.
Giám đốc điều hành Tổ chức Những công dân vì trách nhiệm và đạo đức (CREW) ở Washington, bà Melanie Sloan nói TASC đang mở rộng kinh doanh. Theo The Fiscal Times, không rõ ông Petraeus làm cụ thể công việc gì ở KKR nhưng nếu ông ta giúp nơi này kiếm chác từ các phi vụ quốc phòng, ông cũng chỉ là một trong số nhiều cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ kiếm bộn tiền từ các công ty tư nhân.
Bà Sloan nói không phản đối việc quan chức quốc phòng về hưu kiếm tiền dựa trên chuyên môn sẵn có của mình. Tuy nhiên, bà lại cho rằng chuyện các cựu quan chức sử dụng các mối quan hệ tại Lầu Năm Góc để thắng các hợp đồng lớn có thể coi là một sự lợi dụng.
“Các cựu quan chức này được sử dụng để tiếp thị cho công ty hay vì những kỹ năng thật sự của họ? - bà Sloan đặt câu hỏi rồi tự trả lời với thực tế đã thấy - Nhiều cựu quan chức quân đội đã đánh đổi các mối quan hệ của mình để làm lợi cho công ty thuê mướn họ với mức lương rất cao”.
Chân trong chân ngoài
Báo cáo của CREW công bố năm 2013 cho thấy 70% trong số 108 tướng lĩnh và đô đốc Mỹ nghỉ hưu từ 2009-2011 nhận công việc tại những nhà thầu hoặc công ty tư vấn quốc phòng. Trong một số trường hợp, tướng lĩnh nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm cố vấn cho Bộ Quốc phòng trong khi vẫn nhận lương từ các nhà thầu quốc phòng. Ðiều này cho thấy Lầu Năm Góc không phải lúc nào cũng nhận được sự tư vấn khách quan.
Ví dụ rõ nhất là một vụ việc được báo Boston Globe đăng tải năm 2010. Ðó là việc tướng không quân Gregory Martin sau khi nghỉ hưu năm 2005 đã được Northrop Grumman mời về làm công việc tư vấn cho chương trình phát triển máy bay ném bom tàng hình B-2. Cùng lúc đó, Lầu Năm Góc cũng yêu cầu ông gia nhập hội đồng tuyệt mật của không quân nghiên cứu tương lai công nghệ tàng hình cho máy bay. Kết quả, ông Martin nhận cả hai lời mời.
Ðiều tra của báo Boston Globe cũng chỉ ra rằng các cựu tướng lĩnh “chân trong chân ngoài” như ông Martin sẽ có được các cấp độ gây ảnh hưởng tuyệt vời và tiếp cận thông tin nội bộ về các kế hoạch mua sắm của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Thậm chí, nhiều tướng lĩnh còn được mời mọc về làm việc ngay từ trước khi họ nghỉ hưu, đặt ra câu hỏi về sự độc lập và đánh giá khách quan khi họ vẫn còn tại vị. Chưa kể, khi một doanh nhân xuất thân từ tướng lĩnh bước vào Lầu Năm Góc, ông ta thường được đối xử đặc biệt, điều sẽ khiến ảnh hưởng hiệu quả công việc của ông ta tăng lên bội phần.
Theo The Fiscal Times, bất chấp rủi ro về xung đột lợi ích và khả năng lãng phí, gian lận thì các nghị sĩ Mỹ vẫn chưa làm được gì nhiều để ngăn chặn cái vòng luẩn quẩn tư lợi khi “về vườn”. Thật ra, ở Mỹ đã có một số quy định về việc này.
Theo báo Boston Globe, trong vòng một năm sau khi nghỉ hưu, các tướng lĩnh và đô đốc bị cấm rao bán sản phẩm cho đơn vị cũ của mình. Trong vòng hai năm sau khi nghỉ hưu, họ cũng bị Lầu Năm Góc cấm tham gia một số hoạt động cụ thể, trong đó có các hợp đồng còn hiệu lực có giá trị trên 10 triệu USD.
Tuy nhiên, vẫn có những sự lách luật như hoạt động “sau cánh gà”. Các cựu tướng lĩnh có thể hỗ trợ công ty thuê họ mà không cần xuất đầu lộ diện. Ông Bill Patton, cựu lãnh đạo trong một công ty quốc phòng, gợi ý rằng vai trò của các tướng lĩnh trong các công ty chỉ nên dừng lại ở việc hỗ trợ, tư vấn và giới thiệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận