Lính cứu hỏa người Palestine nỗ lực cứu một nhà xưởng trúng đạn của Israel ở phía bắc Dải Gaza ngày 17-5 - Ảnh: REUTERS
Theo ông Lưu Trung Dân - giáo sư tại Viện nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội Trung Đông Trung Quốc, cuộc xung đột nóng hiện tại phản ánh 2 vấn đề nan giải.
Một lịch sử căng thẳng kéo dài
Thứ nhất là vấn đề quyền sở hữu Jerusalem. Lý do khiến Jerusalem trở thành điểm nóng xung đột có liên quan đến tôn giáo, lãnh thổ và chính trị, song xuyên suốt quá trình xung đột là những mâu thuẫn chủ yếu giữa Israel và người dân Palestine xoay quanh thành phố này.
Trong Chiến tranh Trung Đông lần thứ ba vào năm 1967, Israel đã giành quyền kiểm soát thành cổ Jerusalem từ Jordan. Theo thỏa thuận giữa Jordan và Israel, Núi Đền vẫn thuộc quyền kiểm soát của Jordan, cảnh sát Israel chỉ phụ trách vấn đề an ninh trật tự ở đây.
Israel và Palestine đều coi Jerusalem là "thủ đô" của họ. Israel đã đơn phương tuyên bố Jerusalem là "thủ đô" từ năm 1967 và Palestine cũng yêu cầu thành lập nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem. Hai bên mâu thuẫn rất gay gắt về vấn đề này.
Thứ hai là vấn đề khu định cư của người Do Thái. Israel chiếm Đông Jerusalem và bờ Tây sông Jordan vào năm 1967, sau đó bắt đầu xây dựng khu định cư của người Do Thái ở những khu vực này. Palestine khẳng định rằng họ từ chối khôi phục đàm phán hòa bình trừ khi Israel ngừng hoàn toàn việc xây dựng những khu định cư này.
Học giả Lưu Trung Dân cho rằng mặc dù cộng đồng quốc tế đã đề xuất giải pháp "hai nhà nước" để giải quyết vấn đề Palestine - Israel, nhưng Israel hiện đang xúc tiến xây dựng các khu định cư Do Thái, khiến việc biến giải pháp "hai nhà nước" càng khó trở thành hiện thực. Các vấn đề như phân giới biên giới lãnh thổ, khu định cư Do Thái, chủ quyền của Đông Jerusalem, hồi hương người tị nạn hiện vẫn chưa được giải quyết.
Yếu tố Mỹ
Các nhà phân tích cho rằng xung đột Palestine - Israel hiện một lần nữa trở thành vấn đề nổi cộm. Ngoài vấn đề lịch sử đã kéo dài 1 thế kỷ, nó còn liên quan đến những thay đổi trong bối cảnh gần đây. Xét từ nhân tố bên ngoài, vấn đề Israel - Palestine có thay đổi sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền.
Ông Dư Quốc Khánh, nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu Tây Á - châu Phi thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định rằng vấn đề Israel - Palestine liên tục bị gạt ra ngoài lề dưới thời chính quyền của cựu tổng thống Trump.
Sau khi lên nắm quyền, ông Joe Biden đã điều chỉnh chính sách đối với Trung Đông ở một mức độ nhất định, tuy không thân thiết với Israel như ông Trump, nhưng về bản chất không có nhiều khác biệt.
Người dân Palestine không hài lòng đối với chính sách Trung Đông của ông Biden, và cũng có thể nhân cơ hội này để trút giận. Mặt khác, các nước lớn ở khu vực vùng Vịnh cũng đọ sức với nhau trong vấn đề Palestine, gây ảnh hưởng trong khu vực và làm gia tăng mâu thuẫn nội bộ ở Palestine. Ví dụ như phe cực đoan trong nội bộ Palestine được sự ủng hộ của các nước như Iran, Qatar...
Cách duy nhất để bảo đảm tương lai của Israel với tư cách là một nhà nước Do Thái dân chủ và trao cho người Palestine một nhà nước mà họ đáng được hưởng là thông qua cái gọi là giải pháp hai nhà nước. Khó có thể đạt được giải pháp đó trong ngắn hạn. Điều quan trọng là bảo đảm không bên nào có hành động khiến tiến trình vốn đã khó khăn này trở nên nghiêm trọng hơn"
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng đề cập tới cách tiếp cận chung chỉ một ngày trước khi ông Joe Biden lên nắm quyền
Vụ nổ do tên lửa Israel nhìn từ tòa nhà trên Dải Gaza có các Hãng thông tấn AP, Đài Al Jazeera trong vụ tấn công hôm 15-5 - Ảnh: REUTERS
Yếu tố Israel
Tình trạng bế tắc trong cuộc bầu cử Israel cũng đã "tiếp lửa" cho cuộc xung đột Israel - Palestine.
Học giả Lưu Trung Dân lưu ý đến việc Israel đã tổ chức 4 cuộc bầu cử trong 2 năm và gần đây Thủ tướng Netanyahu đã thất bại trong việc thành lập chính phủ, lực lượng cánh hữu của Israel mong muốn gia tăng sự ủng hộ của dân chúng thông qua kích động chủ nghĩa dân tộc trong xung đột.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Dư Quốc Khánh chỉ ra rằng nội bộ Israel chưa bao giờ có thể đạt được đồng thuận trong cách đối xử với Palestine. Chính phủ chủ trương xoa dịu tình hình nhưng không có biện pháp hữu hiệu để kiềm chế quân đội, nên thường xảy ra mâu thuẫn về lập trường.
Nhưng theo ông Lưu Trung Dân, biểu hiện nổi bật của những thay đổi trong tình hình Trung Đông hiện nay là sự đối đầu giữa các cường quốc khu vực có phần giảm bớt. Xét từ những thay đổi đó, việc làm giảm mâu thuẫn giữa các cường quốc khu vực sẽ giúp những nước này cùng phản đối Israel trong vấn đề Palestine.
Ông Lưu Trung Dân cũng cho rằng hiện nay, mối quan tâm chính của các cường quốc khu vực là vấn đề hạt nhân Iran và việc chuyển đổi mô hình kinh tế ở trong nước.
Ngoài ra, quyền chủ đạo thúc đẩy vấn đề Trung Đông vẫn nằm trong tay Mỹ. Hiện nay, mối quan tâm lớn nhất của chính quyền Biden là vấn đề hạt nhân Iran ngày càng cấp bách, tiến trình hòa bình Israel - Palestine vẫn chưa được đưa vào chương trình nghị sự.
Trên thực tế, Mỹ cũng nhận thức được tầm quan trọng của quan hệ Palestine - Israel, nhưng hiện nay Mỹ không có nhiều sức lực và nguồn tiền để can dự mạnh mẽ vào vấn đề này, có thể nói là lực bất tòng tâm.
Đối với diễn biến tình hình thời gian tới, chuyên gia Dư Quốc Khánh cho rằng do quy mô xung đột Palestine - Israel không lớn, cũng chưa đối đầu mang tính hệ thống, hi vọng cùng với sự hòa giải của cộng đồng quốc tế, hai bên sẽ cùng xoa dịu tình hình, không để mọi việc vượt tầm mất kiểm soát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận